Những “món hời” trên trời
Gần đây, các hội nhóm về công nghệ liên tục đưa ra cảnh báo về việc xuất hiện nhiều Fanpage có tên giống với các trang thương mại điện tử nổi tiếng để bán điện thoại giảm giá từ 50% tới 70% nhưng thực chất là hàng giả, nhái.
Các trang này thường nhái giao diện sàn thương mại điện tử bằng cách sử dụng tên dễ gây nhầm lẫn như “Voucher Shopee 24h”, “Lazada Smart Life”, “Shope Voucher Code”... đồng thời, tung quảng cáo sốc: “Xả kho, giảm giá 49%”, “Giảm giá sốc 50%”...
Từ tháng 3/2019, trên mạng xã hội Facebook liên tục xuất hiện các fanpage bán hàng, chào giá chiếc điện thoại cao cấp Samsung Note 9 chỉ 4,5 triệu đồng. Người dùng Facebook chỉ cần một lần bấm vào các đường dẫn về các quảng cáo “hấp dẫn” đó thì sẽ được chuyển hướng đến một website khác của đơn vị bán hàng. Các website này thường là các trang quảng cáo do các đơn vị bán hàng tự lập trên nền tảng Landing Page - tức là trang đích (trang mục tiêu). Và mục tiêu chính của nó là thu hút lượt xem, lượt click, hay kích thích hành vi mua hàng của người dùng thông qua các tác vụ kêu gọi xuất hiện trong đó như điền thông tin cá nhân, số điện thoại để đăng ký nhận thông tin và mua hàng...
Các website này có thiết kế với đầy đủ các phần từ giới thiệu điện thoại, tính năng, thông số, ảnh chụp... nên đã tạo sự tin tưởng cho người xem. Chưa kể, khi vào xem trang website, các thông báo “Khách hàng xxx đã đặt hàng...” liên tục xuất hiện, khiến người xem không có chút nghi ngờ nào.
Các website quảng cáo chuyên nghiệp” đánh trúng tâm lý khách hàng |
Ngoài việc xây dựng một hệ thống bán hàng chuyên nghiệp có quy trình giống như các sàn thương mại điện tử nổi tiếng, các quảng cáo này còn khơi gợi trúng tâm lý thích mua hàng xịn giá rẻ và đặt giá ở mức 3-4 triệu đồng cho một chiếc điện thoại - mức giá mà người dùng dễ chấp nhận.
Chưa kể trên các trang này, hầu hết các bình luận đều được ẩn (dù trên phần bình luận xuất hiện số lượng “comment” khá lớn), nhất là những bình luận tiêu cực đều được họ xóa đi. Thay vào đó, những tài khoản ảo, bình luận nội dung tích cực, khen ngợi sản phẩm được trình bày nổi bật càng khiến người xem thêm tin tưởng.
Đánh vào tâm lý “ham rẻ”
Để tìm hiểu về những siêu phẩm smartphone được bán với giá “sập sàn” này, phóng viên đã thử bấm vào một mẩu quảng cáo trên mạng xã hội Facebook về một sản phẩm Samsung Galaxy Note 10+ với lời quảng cáo là “sản phẩm Sale off 40% và nhập khẩu Singapore. Sản phẩm này được bán với giá là 2.790.000 đồng (tương đương 10% so với giá bán của sản phẩm này là khoảng 26 triệu đồng) với cam kết bảo hành 12 tháng trên toàn quốc, đổi trả trong vòng 30 ngày nếu có lỗi...
Fanpage quảng cáo “sale sập sàn” điện thoại xuất hiện trên Facebook |
Sau khi điền thông tin, số điện thoại để đăng ký mua hàng, không lâu sau đó phóng viên đã nhận được cuộc gọi của một người tự xưng là nhân viên bán hàng của một công ty thiết bị di động. Người này tư vấn rất cặn kẽ và có vẻ chuyên nghiệp về các thông tin liên quan đến sản phẩm.
Theo lời giới thiệu của nhân viên này, sản phẩm có giá bán rẻ hơn so với giá thị trường vì đây là hàng từng được dùng để trưng bày tại các showroom, được xuất xưởng và đưa vào trưng bày từ năm 2018 đồng thời cam kết đây là hàng chính hãng được Công ty Samsung Việt Nam lắp ráp và phân phối, bảo hành toàn quốc, được sử dụng thử 7 ngày, đổi trả trong vòng 30 ngày...
Những fanpage quảng cáo “sale sập sàn” điện thoại xuất hiện trên Facebook |
Khi phóng viên tỏ ý muốn mua sản phẩm này, nhân viên “chốt” đơn hàng một cách rất chuyên nghiệp “sản phẩm sau khi được chốt đơn hàng sẽ được niêm phong, kẹp chì và chuyển cho khách hàng qua hệ thống phân phối.
Khách hàng khi nhận sản phẩm có thể kiểm tra bằng cách chỉ lột bỏ lớp bao nylon, kẹp chì bên ngoài nhưng không được mở toàn bộ hộp ra, nếu mở hộp ra thì không thể trả lại hàng vì đây là hàng fullbox, nguyên tem, nguyên seal (hàng mới chưa qua sử dụng), khách hàng có thể khui hộp sau đó quay lại clip ngắn khoảng 30 giây để phản hồi về sản phẩm”.
Ngoài ra nhân viên bán hàng còn dặn dò kiểm tra kỹ kẹp chì, vỏ hộp, nhãn mác và số đơn hàng phải khớp thì mới nhận, nếu nhưng điều kiện trên không đảm bảo thì không nên nhận hàng vì đề phòng nhân viên bưu tá tráo đổi hàng, lúc đó cửa hàng sẽ không chịu trách nhiệm...
Với những lời hướng dẫn “tận tình” và chuyên nghiệp như vậy, phóng viên đề nghị được đến cửa hàng để xem và mua trực tiếp thì nhân viên bán hàng “rào trước” rằng đối với trường hợp khách hàng mua trực tiếp tại cửa hàng thì sẽ không nhận được ưu đãi khuyến mãi như trên vì đây là chương trình áp dụng cho khách hàng đặt hàng và đăng ký qua mạng.
Khách hàng mua trực tiếp tại cửa hàng sẽ được mua các sản phẩm sản xuất năm 2019 với mức giá cao hơn và chỉ được ưu đãi 20% giá sản phẩm. Với sự chênh lệch và khác biệt trong ưu đãi, khuyến mại như vậy thì hầu như chẳng có ai lại chọn phương án đến mua hàng trực tiếp tại cửa hàng cả.
Một đi không trở lại
Sau khi đã chốt đơn hàng khoảng 30 phút, phóng viên liền gọi lại số điện thoại mà nhân viên bán hàng vừa sử dụng để liên hệ và xác nhận đơn hàng thì không có người trả lời. Liên tiếp sử dụng các số điện thoại khác để gọi lại thì tuyệt nhiên số điện thoại này luôn trong tình trạng “không nghe máy”.
Sau khoảng 2 ngày, phóng viên nhận được cuộc gọi của một người giao hàng thông báo có một bưu kiện là một chiếc điện thoại di động và hẹn thời gian giao hàng.
Tuy nhiên khi nhận hàng, phóng viên yêu cầu được mở hộp để kiểm tra và xem hàng thì người giao hàng từ chối với lý do là bên bán hàng không đồng ý cho mở hộp do đây là sản phẩm nguyên seal. Khách hàng kiểm tra vỏ bọc (lớp bọc nylon) bên ngoài và kẹp chì (tự đóng thủ công) để xác nhận là còn nguyên, chỉ được mở hộp sau khi đã thanh toán đầy đủ...
Một “quả đắng” khi mua phải những “siêu phẩm sale sập sàn” nhưng là hàng nhái (nguồn: Facebook) |
Khi được hỏi cặn kẽ về địa chỉ, cửa hàng cửa bên gửi thì nhân viên giao hàng cũng chỉ “gãi tai” trả lời: “Mình cũng chỉ là shipper thôi, họ hẹn mình đến nhận hàng ở đầu ngõ và yêu cầu ứng tiền hàng, khi giao hàng xong thì khách thanh toán tiền và phí ship (giao hàng) chứ mình có được vào cửa hàng với công ty họ đâu mà biết”. Phóng viên cũng người giao hàng nhiều lần thử gọi lại số điện thoại của người gửi ghi trên phiếu giao hàng thì đều không có ai nghe máy... Những sản phẩm đã được dùng để trưng bày rồi thì hộp đựng sản phẩm không thể còn “nguyên seal”, chưa bóc tem nguyên đai nguyên kiện được.
Trước đó, vào ngày 20/8/2019. Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PA05 - Công an TP Hà Nội) phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 1 thuộc - Cục Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra đột xuất và phát hiện Công ty TNHH Relex Việt Nam (số 27 Trần Bình, Cầu Giấy, Hà Nội) do ông Lê Đình Sỹ (SN 1993) làm Giám đốc, đang sử dụng 16 website để kinh doanh điện thoại di động không có nguồn gốc xuất xứ, giả mạo nhãn hiệu các sản phẩm chính hãng.
Quá trình kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện công ty này đang sử dụng các website có tên miền: didongso.com.vn; relexvietnam.com; tuyendung24h.net; otoday.vn; vertuvietnam.com; vertuvietnam.site; vertucaocap.com; didongso.vn; didongso.net; samsungvietnam.site; samsungvietnam.vip; relexauto.com; donoithatoto.net; facebookvietnam.com.vn; hotdel24h.com và website samsungvietnam.online để kinh doanh.
Trong đó, có website "Samsungvietnam.online" được thiết kế giao diện giống trang web của Công ty Samsung chào bán điện thoại Galaxy Note 10, Galaxy Note 10+, A10, A20... có dấu hiệu giả mạo hàng hóa của Samsung.