Theo Đại sứ quán Việt Nam tại Na Uy, số sinh viên, nghiên cứu sinh Việt Nam du học tại Na Uy những năm gần đây đã tăng dần lên. Con số tổng hợp sơ bộ do Bộ Giáo dục và Nghiên cứu Na Uy cung cấp, năm 2015, ở Na Uy có khoảng 177 sinh viên và nghiên cứu sinh Việt Nam (kể cả học tự túc bậc đại học và kể cả người Việt định cư ở Na Uy chưa có quốc tịch Na Uy).
Những người này chủ yếu học, nghiên cứu ở Đại học Oslo, Đại học Kinh doanh Na Uy BI (ở Oslo), Đại học Ostfold, Đại học Vestfold, Đại học Bergen, ĐH Khoa học Công nghệ Na Uy (NTNU ở Tp. Trondheim), Đại học Bắc Cực (trước đây là ĐH Tromso).
Sinh viên, nghiên cứu sinh Việt Nam du học ở Na Uy có thể theo cách đăng ký học bổng thông qua một số trường đại học Việt Nam có hợp tác với Na Uy hoặc đăng ký du học tự túc trực tiếp với trường của Na Uy.
Hầu hết các đại học, cao đẳng Na Uy đều có chương trình bậc thạc sỹ và tiến sỹ sử dụng tiếng Anh.
Du học ở Na Uy được miễn học phí nếu học ở đại học, cao đẳng công lập, chỉ phải tự túc chi phí sinh hoạt ăn ở. Nếu học ở một số đại học tư thục thì phải trả học phí (khoảng hơn 10.000 USD/năm), có cả chương trình bậc đại học (3 năm), thạc sỹ, tiến sỹ bằng tiếng Anh, ví dụ về ngành kỹ sư dân sự, kinh tế, môi trường...
Riêng đối với bậc đại học thì có một số trường công lập và trường tư thục có chương trình bằng tiếng Anh, còn lại phổ biến là bằng tiếng Na Uy.
Đối với nghiên cứu sinh tiến sỹ (đều có thể đăng ký tự do) thì được ký hợp đồng làm việc (tham gia nghiên cứu, giảng dạy) và được trả lương. Sinh viên, nghiên cứu sinh trực tiếp nộp đơn xin học online cho trường của Na Uy, tự lo chi phí ăn ở, phải đóng một khoản tiền ký quỹ để xin visa du học.
Về chương trình bậc đại học, trừ một số đại học tư và một vài khoa của đại học công lập có tiếng Anh (như về du lịch, môi trường, phát triển), còn hầu hết các đại học và cao đẳng công lập của Na Uy đều phải học bằng tiếng Na Uy.
Để đăng ký học bổng của Chính phủ Na Uy, sinh viên Việt Nam có thể nộp đơn xin học bổng của Na Uy thông qua trường đại học Việt Nam có quan hệ hợp tác với trường Na Uy, ví dụ như hợp tác giữa Đại học Ngoại thương với Đại học Kinh doanh Na Uy BI; Đại học Bách Khoa TP. Hồ Chí Minh với Đại học Vestfold, Đại học Ostfold, Đại học Nha Trang với Đại học Bắc Cực (trước đây là Đại học Tromso) và Đại học Bergen.
Ở một số đại học này của Na Uy có giáo sư người gốc Việt giảng dạy, là cơ sở tốt để thu hút sinh viên, nghiên cứu sinh Việt Nam.
Trong lĩnh vực giáo dục cao học, Việt Nam và Na Uy đã nhất trí thúc đẩy liên kết giữa các trường đại học và trung tâm nghiên cứu, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học-công nghệ, dầu khí, năng lượng, thủy sản, nông nghiệp, môi trường và quản lý tài nguyên thiên nhiên.
Giữa Na Uy và Việt Nam cũng có một số chương trình trao đổi sinh viên. Điển hình là chương trình giao lưu sinh viên Na Uy sang Việt Nam học ngắn hạn tại Đại học Đà Nẵng được triển khai nhiều năm nay theo chương trình hợp tác giữa Đại học Đà Nẵng và Đại học khoa học ứng dụng Oslo và Đại học Vestfold.
Bên cạnh một số chương trình hợp tác về giáo dục cao học, trao đổi sinh viên giữa đại học Việt Nam và Na Uy như nêu trên, giữa hai nước còn có dự án hợp tác thuộc khuôn khổ Chương trình của Na Uy tăng cường năng lực về nghiên cứu và giáo dục cao học (NORHED) giữa Đại học Nha Trang và Đại học Bắc Cực, Đại học Bergen của Na Uy và Đại học Ruhuna của Sri Lanka.
Dự án này được triển khai trên cơ sở thành công của dự án trước đó về chương trình đào tạo thạc sỹ ngành kinh tế và quản lý nghề cá và nuôi trồng thủy sản.
Thông qua Đại sứ quán Na Uy tại Hà Nội, phía Na Uy còn tài trợ cho một số chương trình hợp tác nghiên cứu trong lĩnh vực giảm thiểu tác hại của thiên tai...
Qua trao đổi giữa các đại diện hai bên, phía Na Uy đều đánh giá cao hợp tác về giáo dục cao học và nghiên cứu với Việt Nam. Kết quả hợp tác hiệu quả trong thời gian qua là nền tảng tốt để thúc đẩy hợp tác trong thời gian tới về giáo dục cao học và nghiên cứu giữa Việt Nam với Na Uy.
Na Uy vốn được biết đến là nước rất coi trọng tăng cường đầu tư cho giáo dục và nghiên cứu sáng tạo, từ bậc nhà trẻ mẫu giáo cho đến giáo dục sau đại học.
Na Uy cũng rất chú trọng thúc đẩy hợp tác quốc tế về giáo dục cao học và nghiên cứu, nhằm tăng cường chất lượng giáo dục và nghiên cứu của Na Uy cũng như góp phần tăng cường năng lực cho các nước thu nhập thấp và trung bình. Năm 2015, Na Uy tiếp nhận 25.700 sinh viên nước ngoài (trong khi dân số Na Uy chỉ có hơn 5 triệu người)./.