Trong khi đó, năm 2009 Hà Nội từng xảy ra đại dịch sốt xuất huyết.
Ghi nhận ổ dịch sốt xuất huyết đầu tiên tại đội 8, thôn Yên Xá vào cuối tháng 5 vừa qua, đến nay, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì (Hà Nội) phát hiện thêm 3 ổ dịch, với hơn 50 bệnh nhân. Số ca sốt xuất huyết tại đây vẫn xuất hiện rải rác và tăng từng ngày mặc dù chính quyền địa phương cho biết đã triển khai nhiều biện pháp khống chế.
Theo Trạm trưởng Trạm Y tế xã Tân Triều Vũ Văn Lên, đến ngày 12/8, địa bàn xã vẫn phát hiện ca mắc sốt xuất huyết mới: “Tân Triều là một địa phương tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết vì có tỷ lệ người đến tạm trú rất đông. Những bể nước trong nhà tắm của những nhà trọ tại thôn Yên Xá đa số chỉ được đậy bằng tấm fibrô-ximăng nên muỗi vẫn chui vào được và đẻ con. Chúng tôi dùng biện pháp thả cá vào bể nước nhưng chỉ ít thời gian sau cá trôi mất khi họ xả nước. Chúng tôi quay sang vận động người dân trùm ni-lông kín xung quanh bể nhưng nhiều người vẫn chưa làm theo”.
Ông Triệu Đình Tâm, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Tân Triều cho biết, năm 2009, dịch sốt xuất huyết bùng phát mạnh, khi đó toàn xã ghi nhận gần 600 ca bệnh. Những năm sau đó, dịch bệnh giảm rõ rệt, nhưng đến năm nay, số ca bệnh lại tăng đột biến và nguy cơ tiếp tục bùng phát mạnh trong thời gian tới.
Ông Triệu Đình Tâm nói: “UBND xã đã phối hợp với Trung tâm y tế huyện Thanh Trì tổ chức tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện vệ sinh phòng dịch và triển khai phun thuốc diệt muỗi đợt 1. Chúng tôi đang chuẩn bị phun thuốc đợt 2 từ ngày 17/8 tới”.
Khoảng 1.000 ca bệnh sốt xuất huyết mà thành phố Hà Nội ghi nhận từ đầu năm đến nay tại 200 ổ dịch, tập trung chủ yếu ở các quận nội thành như: Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Hà Đông và huyện ven đô Thanh Trì nơi có tốc độ đô thị hóa nhanh.
Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết, bệnh nhân chủ yếu là người lớn, tuy chưa ghi nhận trường hợp nào tử vong do sốt xuất huyết, nhưng số ca bệnh tháng sau cao hơn tháng trước, hơn nữa thời điểm này vẫn đang là mùa dịch nên nguy cơ bùng phát dịch bệnh sốt xuất huyết ở Thủ đô là rất lớn.
Ông Nguyễn Nhật Cảm nói: “Mùa dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội thường bắt đầu từ tháng 4 đến hết tháng 11 hàng năm. Hiện nay, thời tiết đang chuyển mùa, từ mùa hè sang mùa thu, thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển.
Để chủ động phòng chống dịch bệnh, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội phối hợp với các quận huyện tổ chức được 22 chiến dịch phun hóa chất diện rộng tại 22 phường, xã nguy cơ cao của 10 quận nội thành và tổ chức được gần 30 chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy tại các xã, phường trọng điểm có nguy cơ cao để giảm nguy cơ bùng phát dịch bệnh sốt xuất huyết”.
Theo các chuyên gia y tế, đến nay chưa có vaccine phòng bệnh sốt xuất huyết và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả nhất là diệt muỗi, diệt bọ gậy và phòng muỗi đốt truyền bệnh. Người dân khi có biểu hiện sốt cao đột ngột từ 2 ngày trở lên cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám điều trị kịp thời.