Theo thống kê của Sở Y tế, TPHCM đến ngày 7/8, trên địa bàn có 4.276 ca mắc sốt xuất huyết phải nhập viện điều trị.
Nếu trong tháng 6, trung bình mỗi tuần toàn thành phố có khoảng từ 70 đến 100 ca bệnh thì tuần đầu của tháng 8 số bệnh nhân sốt xuất huyết đã tăng lên 143 ca. Bệnh xuất hiện thường xuyên nhưng chưa thể đẩy lùi khiến huyện Hóc Môn trở thành điểm nóng của sốt xuất huyết với hàng chục ca mỗi tuần.
Cùng với TPHCM, số ca bệnh sốt xuất huyết tại các tỉnh thành lân cận cũng đang có biểu hiện gia tăng với nhiều ca bệnh nặng phải nhập viện. Tại bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới, trong tuần qua, một trường hợp bệnh nhi 5 tuổi (ngụ tại Long An) tử vong do mắc bệnh nhưng đến viện muộn.
BS Phan Tứ Quí, Trưởng khoa Cấp cứu Hồi sức Tích cực Chống độc trẻ em, bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới cho biết: “Chúng tôi đang điều trị tích cực cho trường hợp của bệnh nhi Đ.T.T.N. (ngụ tại Bình Phước) được bệnh viện địa phương chuyển lên trong tình trạng rất nặng. Cháu có dấu hiệu xuất huyết tiêu hóa, bứt rứt, tri giác không ổn định. Hiện bệnh nhi đang phải thở máy và lọc máu liên tục song chưa thể ngăn chặn được tình trạng suy đa cơ quan, rối loạn đông máu”.
Cũng theo BS Phan Tứ Quí, từ đầu năm đến nay đã có 2.460 trường hợp mắc sốt xuất huyết được điều trị tại bệnh viện, trong đó có 900 bệnh nhi. Trong năm nay, bệnh có diễn tiến nặng nhập viện mỗi ngày một nhiều hơn. Dù chưa có nghiên cứu nào về việc vi-rút gây bệnh sốt xuất huyết có biến đổi theo hướng gia tăng độc lực hay không nhưng số ca bệnh nặng ngày càng nhiều đang gây khó khăn cho điều trị.
Sốt xuất huyết là bệnh thường gặp, tuy nhiên người dân vẫn chủ quan trong công tác phòng chống bệnh, nhiều trường hợp nhập viện trễ gây nguy hiểm đến tính mạng. Để hạn chế những nguy hiểm cho người bệnh, BS Trần Thanh Quyên, khoa Cấp cứu Hồi sức tích cực Chống độc trẻ em, bệnh viện Bệnh nhiệt Đới cho biết: “Sốt xuất huyết thường khởi đầu với các triệu chứng sốt cao liên tục trong vòng 3-4 ngày đầu. Bước sang ngày thứ 5, người bệnh giảm sốt nhưng đó cũng là lúc bệnh nhân bước vào giai đoạn sốc, cơ thể xuất hiện các chấm xuất huyết dưới da, người bệnh lừ đừ, đau bụng, ói nhiều, tiểu máu, ói máu đi cầu phân đen. Nếu không được điều trị kịp thời người bệnh sẽ rơi vào nguy kịch”.
Muỗi gây bệnh sốt xuất huyết chỉ sinh trưởng ở vùng nước trong, để hạn chế nguy cơ mắc bệnh BS Quyên khuyến cáo người dân nên: vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, thoáng mát, phát quang bụi rậm quanh nhà, đậy kín các nắp lu chứa nước, úp các vật dụng chứa nước không sử dụng đến, thực hiện ngủ mùng thường xuyên và áp dụng các biện pháp diệt muỗi... Trong trường hợp bị sốt cao liên tục nhiều ngày, người dân cần đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.