Nắng nóng, mưa nhiều: Dịch bệnh bùng phát…
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, mùa hè, thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều, sự kiểm soát dịch còn hạn chế là điều kiện cho một số loại vi khuẩn, virus gây bệnh có sự biến đổi phức tạp, thậm chí nguy cơ xuất hiện một số chủng virus mới. Cụ thể, 10 loại bệnh thường gặp vào mùa hè như cúm, tiêu chảy, tay - chân - miệng, sốt xuất huyết, lỵ trực trùng, sốt rét, adenovirut (virus gây bệnh đau mắt đỏ), lỵ amip, viêm não virus, thương hàn, rôm sảy).
Các căn bệnh này rất dễ lây lan thông qua đường hô hấp, ăn uống và tiếp xúc bằng tay. Nguy cơ bùng phát dịch bệnh mùa hè cao là do điều kiện khí hậu, nhiệt độ thuận lợi cho các loại vi khuẩn, virus; nóng ẩm, mưa nhiều, muỗi truyền bệnh phát sinh và phát triển mạnh; sự tập trung đông người tại các điểm vui chơi, giải trí, du lịch tăng cao đột biến hơn. Ngoài ra, học sinh, sinh viên từ các thành phố lớn về quê nghỉ hè cũng có thể mang theo mầm bệnh…
Các chuyên gia y tế cảnh báo, cùng với tay - chân - miệng, dịch bệnh sốt xuất huyết hiện vẫn đang âm thầm bùng phát ở một số tỉnh, thành phía Nam cũng rất đáng lo ngại, bởi đây là một bệnh có nhiều biến chứng nguy hiểm. Vì thế, khi có triệu chứng của bệnh, người bệnh cần phải đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Ở phía Nam với điều kiện khí hậu nóng ẩm, sông suối nhiều, người ta có thói quen tích trữ nước vào mùa khô, vì thế càng phải chú ý vì bệnh có thể lây nhiễm quanh năm, không chỉ mùa hè. Bệnh khởi đầu bằng sốt cao trên 40 độ và kéo dài, kèm theo các biểu hiện như chán ăn, mệt mỏi, xuất huyết chấm trên da, nặng thì nôn ra máu. Nếu để xuất huyết nặng rất nguy hiểm tới tính mạng…
Bên cạnh các dịch bệnh kể trên, mọi người cũng phải rất cảnh giác đề phòng bệnh viêm kết mạc (đau mắt đỏ). Hiện dịch bệnh đã xuất hiện ở một số tỉnh, thành phía Bắc, trong đó có Thủ đô Hà Nội. Các chuyên gia y tế cho biết, có nhiều yếu tố gây viêm kết mạc như vi khuẩn, virut, dị ứng, bụi bẩn, hoá chất... Trong những tháng nắng nóng, do gió, bụi bẩn, thu hoạch thóc lúa, môi trường ô nhiễm, tiếp xúc với nguồn nước bẩn... thường rộ lên những đợt viêm kết mạc. Bệnh thường dễ bùng phát thành dịch vào mùa hè, làm giảm tạm thời khả năng lao động, học tập và nếu không điều trị kịp thời sẽ gây biến chứng nặng (viêm giác mạc) dẫn đến giảm thị lực, thậm chí mù mắt.
Ngoài ra, người dân cũng không nên coi thường các dịch bệnh phổ biến khác thường bùng phát vào dịp hè, nhất là trong điều kiện thời tiết vừa nóng vừa ẩm hiện nay như viêm não (trong đó có viêm não Nhật Bản), thủy đậu…
Dinh dưỡng hợp lý, vệ sinh cá nhân đúng cách sẽ phòng ngừa được nhiều bệnh!
Để phòng bệnh sốt xuất huyết, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo, người dân cần diệt muỗi, diệt lăng quăng, bọ gậy. Cùng với đó, các phụ huynh nên đưa trẻ đi tiêm phòng vaccine đầy đủ theo chương trình tiêm chủng mở rộng, không chờ đợi vaccine dịch vụ; các thành viên trong gia đình cần tăng cường vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng thường xuyên, vệ sinh đồ dùng, đồ chơi cho con.
Để ngăn chặn bệnh đau mắt đỏ, cách phòng bệnh tốt nhất là cách ly người bệnh, tôn trọng quy tắc vệ sinh. Khi bị đau mắt, không được tự điều trị ở nhà bằng cách xông lá trầu, lá dâu, đắp lá vào mắt... vì có thể gây chảy máu, nhiễm khuẩn thêm nặng. Khi thấy có bất thường ở mắt cần đi khám sớm tại chuyên khoa mắt và dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sỹ.
Trước lo ngại của người dân, đặc biệt là các phụ nữ mang thai về căn bệnh thủy đậu, Bác sỹ Thái cho hay, ở Việt Nam thủy đậu thường gặp vào mùa Đông Xuân, nhưng giờ có thể gặp quanh năm vì đây là bệnh do đường hô hấp chứ không phải qua tiếp xúc qua da như nhiều người vẫn nghĩ. Phụ nữ mang thai nếu bị thủy đậu có thể gây sảy thai hoặc thai lưu. Nếu bị thủy đậu thì bà bầu phải uống thuốc kháng vi-rút. Nhiều người nghĩ rằng mang thai thì không nên uống thuốc tây, nhưng đây là việc làm cần thiết. Ngoài bôi thuốc ngoài da, vẫn cần uống thuốc kháng virus thuỷ đậu đúng chu trình để không gây hại cho thai nhi. Đặc biệt, người bệnh nên đến khám bác sĩ để được điều trị kịp thời và phù hợp.
Tại Hội nghị trực tuyến về phòng tránh các dịch bệnh mùa hè vừa được Bộ Y tế tổ chức, ThS. Bác sỹ. Nguyễn Quốc Thái, Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Bạch Mai cho hay, mặc dù chúng ta có rất nhiều hành động để ngăn chặn dịch bệnh nhưng mầm bệnh không hề mất đi, ví dụ như rửa tay trước khi ăn. Bởi vậy, vệ sinh cá nhân đúng cách là một việc làm vô cùng quan trọng mà chúng ta phải nhớ. Bên cạnh việc hướng dẫn, tạo thói quen vệ sinh thân thể cho trẻ nhỏ, các bậc cha mẹ cũng cần đặc biệt chú ý đến khâu tiêm phòng bệnh cho con em mình. Khi đưa trẻ đi tiêm chủng, cha mẹ nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế quy định, tiêm đúng hướng dẫn, ví dụ viêm não Nhật Bản nên tiêm lúc 12 tháng tuổi, với 3 mũi. Sau 3 mũi đó mới bảo vệ được, sau đó cũng cần phải tiêm nhắc lại 3-5 năm. Nếu tiêm cho bé lúc nhỏ quá thì vắc-xin không phát huy được tác dụng.
Không chỉ có vậy, ThS. BS. Lê Thị Hải, Nguyên Giám đốc Trung tâm Khám tư vấn Dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia khuyến cáo, một chế độ ăn uống hợp lý là rất quan trọng để phòng tránh nhiều bệnh, nhất là với trẻ nhỏ. Em bé khi sinh ra có hệ miễn dịch thụ động khi còn là thai nhi và hệ miễn dịch từ sữa mẹ. Vì vậy trẻ dưới 6 tháng còn bú mẹ thì ít bị bệnh tật. Nhưng từ 6 tháng đến 3 tuổi, bé tiếp xúc với môi trường bên ngoài nhiều nên dễ mắc nhiều bệnh truyền nhiễm. Bởi vậy, việc bổ sung các vi chất giúp trẻ tăng cường sức đề kháng là việc các cha mẹ hết sức lưu ý.
BS. Lê Thị Hải cũng nhắc nhở, với bà mẹ mang thai mà bị thủy đậu, nên ăn các thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất để tăng cường sức khỏe và miễn dịch cho trẻ. Tích cực ăn nhiều rau xanh, hoa quả chưavitamin C, chế độ ăn cần đa dạng và cung cấp vi chất cần thiết. Khi bị mệt mỏi, ăn kém thì có thể ăn các món ăn nhẹ và giàu dinh dưỡng như cháo, súp, súp rau cà rốt, bí đỏ..., việc uống thêm sữa dành cho bà bầu cũng cung cấp nhiều dinh dưỡng để em bé khỏe mạnh./.