Theo nhận định của các cơ quan chức năng địa phương, dịch bệnh sẽ không bùng phát mạnh và lan rộng nhưng số mắc không chỉ dừng lại ở đó!
Đi vào tâm dịch
Trạm Y tế phường Phúc La, quận Hà Đông, Hà Nội – một trong những “điểm nóng” về dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) của Thủ đô. Từ ca bệnh đầu tiên được phát hiện vào ngày 6/6/2015 là một trường hợp (TH) trú tại Khu đô thị Xa La, Phó Trạm trưởng Trạm Y tế phường Phúc La Vũ Thế Nam cho hay: Ngày 27/6 thêm 2 ổ dịch nữa bùng phát ở tổ dân số 12 và 18, địa bàn giáp ranh với thôn Yên Xá, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì – nơi được coi là trọng điểm của dịch bệnh, nâng tổng số ca nghi mắc SXH của phường lên 33 ca, trong đó có 7 ca dương tính với SXH.
Để phòng chống dịch bệnh, theo Phó Trạm trưởng Trạm Y tế phường Phúc La, từ ngày 8-17/7/2015, toàn phường đã 2 lần ra quân tổng vệ sinh môi trường. Ngày 19/7 vừa qua, UBND phường cũng phối hợp với Trung tâm Y tế quận và các tổ dân phố tiếp tục tổng vệ sinh môi trường trên diện rộng, đến tận các ngõ phố, nhà dân...
Sau khi phun hóa chất vẫn còn 3 ca nghi mắc được báo cáo đến nay vẫn chưa có kết quả. Sau mỗi ca bệnh được báo cáo, Trạm Y tế đều cử cán bộ y tế xuống điều tra tại gia đình và 30 hộ xung quanh, đồng thời phối hợp với bên Y tế Dự phòng địa phương giám sát chặt chẽ và xử lý dứt điểm các ổ dịch tránh để dịch lan rộng ra cộng đồng.
Chia sẻ với phóng viên về tình hình dịch bệnh ở địa phương, bác sỹ Vũ Văn Lên, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Tân Triều, Thanh Trì nói: Sau vụ dịch SXH đầy kinh hoàng năm 2009 ở địa phương với 516 ca mắc, năm 2012 Tân Triều chỉ phát hiện 11 ca mắc, năm 2013 có 28 ca và năm 2014 ghi nhận 34 ca SXH.
Kể từ đầu năm 2015 đến nay, dịch bệnh SXH lại bùng phát và diễn biến đầy bất thường với tổng số 48 TH dương tính với SXH/60 ca nghi mắc. Trong đó, có 2 ca bệnh ở thôn Triều Khúc, 17 TH mắc ở Đội 7 thôn Yên Xá, 27 TH ở Đội 8 thôn Yên Xá và 2 TH ở ổ dịch mới là Khu tập thể Viện Bỏng Quốc gia…
Vệ sinh môi trường - biện pháp phòng chống dịch sốt xuất huyết hiệu quả |
Bác sỹ Vũ Văn Lên cũng thông tin thêm, hiện 2 ổ dịch cũ đã được xử lý triệt để, ổ dịch mới xuất hiện tại Khu tập thể Viện Bỏng cũng đã được xử lý lần 1, cuối tuần này sẽ tiếp tục xử lý đợt 2. Tuy nhiên, nguy cơ bùng phát dịch bệnh sẽ rất lớn do nhận thức của người dân chưa cao.
Theo Trạm trưởng Trạm Y tế xã Tân Triều, xã có 35.000 người nhưng có đến trên 10.000 người là dân nhập cư (sinh viên, học sinh và lao động tự do) nên rất khó kiểm soát và quản lý. Đa số dân nhập cư thuê nhà và sống rất tạm bợ nên điều kiện vệ sinh không đáp ứng, rất dễ cảm nhiễm các loại dịch bệnh, trong đó có SXH.
Tại Trạm Y tế phường Phúc La và trên những đoạn đường vào làng, phóng viên đều bắt gặp những khuôn mặt đầy thảng thốt, âu lo. Họ lo lắng cũng phải thôi vì trong năm 2013, cả phường chỉ có vài ca mắc, sang năm 2014 không có TH nào mắc SXH nhưng chỉ trong nửa năm 2015 đã có hơn 30 ca bệnh được giám sát và phát hiện trên địa bàn.
Trong lúc đang trao đổi với Phó Trạm trưởng Trạm Y tế của phường, một người đàn ông chừng hơn 30 tuổi với khuôn mặt đầy hoảng hốt cho biết khu chung cư nơi anh ở vừa có 2 người nghi ngờ bị SXH, vì thế anh vội tìm đến trạm y tế để nhờ tư vấn và cấp hóa chất xử lý môi trường…
Ông Trần Văn Khương - Bí thư Huyện ủy Thanh Trì, Hà Nội nói, với đặc thù của làng nghề dễ gây ô nhiễm (buôn bán, tái chế đồng nát) và có nhiều sông hồ nên Tân Triều có nhiều khả năng bùng phát dịch bệnh, trong đó có SXH. Vì lẽ đó, ngay từ đầu mùa hè, Sở Y tế đã phối hợp với địa phương phát động điểm chiến dịch phòng chống SXH tại xã Tân Triều.
Bên cạnh đó, UBND huyện cũng đã thiết lập khu làng nghề Tân Triều để quy tụ các hộ dân làng nghề vào đó sinh sống. Nhưng vì đa số hộ dân kinh doanh nhỏ lẻ, điều kiện không đáp ứng nên dự án này vẫn chưa thực hiện được. Vì vậy trong thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ tăng cường chỉ đạo và thực hiện các giải pháp quyết liệt để hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ bùng phát dịch bệnh ở địa phương.T.L
Chỉ trong 5 tháng đầu năm 2015, cả nước đã ghi nhận hơn 11.400 ca mắc SXH, trong đó tại khu vực miền Nam số mắc tăng hơn 35%. Các tỉnh có số mắc SXH tăng cao từ 30-45% là: Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu và Sóc Trăng. Thống kê của Sở Y tế TP.HCM cho thấy, từ đầu năm đến nay, toàn thành phố đã có trên 5.000 ca mắc, tăng gần 40% so với cùng kỳ năm 2014.