Chinh phục đường đèo bằng xe máy
Từ Hà Nội, chúng tôi chinh phục 300km đầu tiên dọc sông Lô để đến Hà Giang. Bắt đầu từ những con đường thẳng, rồi cong cong, rồi cua quẹo. Rồi lại tiếp tục theo xe trưởng đoàn vượt đèo Pắc Sum về Quản Bạ. Đây là con đèo đầu tiên chúng tôi phải qua trên đường lên Tây Bắc. Những vòng “cua” cứ không thôi lên xuống và lượn thành những đường zic-zắc đến chóng mặt. Vừa vượt qua được đèo Pắc Sum, những tay phượt nghiệp dư như chúng tôi cảm thấy hoảng loạn thật sự. Đến điểm ăn trưa, có giọng ai đó méo mó vang lên: “Có ai đưa tôi về đồng bằng không?”
Tuy nhiên, đây chỉ là con đèo vào loại “thường thường bậc trung”. Trên đường đi, chúng tôi thỉnh thoảng dừng chân ngắm nhìn những ngọn núi cao, những dãy ruộng bậc thang vào mùa lúa chín đẹp đến mê người. Ở đây hiếm khi thấy mặt trời. Nếu có nắng cũng chỉ ươm ươm để tô điểm thêm cho những ruộng lúa vàng của người dân tộc.
Theo lịch trình, chúng tôi vượt dốc cao Phố Cáo, về Sủng Là tham quan ngôi nhà cổ người Mông – nơi quay bộ phim Chuyện của Pao, sau đó tiếp tục len lỏi giữa những vách núi trong buổi chiều tà để tham quan cực Bắc Lũng Cú – bờ phên liếp dậu của Tổ quốc. Trên tháp cột cờ nhìn xuống, những vuông đồng mênh mông xanh vàng được che chở bởi những rặng núi.. Trời lạnh dần khi đêm xuống. Tất cả thành viên trong đoàn đều phải mặc thêm áo mưa bộ mới chịu được cái lạnh của núi rừng về đêm.
Chúng tôi lại lên đường, vượt đèo Ma Lé trong đêm. Trước mặt là bóng đêm và những khúc cua hiểm trở, chỉ cần người lái không tập trung một chút là có thể nghe “tiếng kêu xa dần” ngay. Những lúc đó, niềm an ủi duy nhất của chúng tôi là thấy những ngôi nhà sáng đèn bên đường, điều đó có nghĩa là bên cạnh chúng tôi không còn là vực sâu nữa…
Sáng hôm sau, chúng tôi vượt đệ nhất đèo Mã Pí Lèng ôm trọn dòng Nho Quế để về Mèo Vạc. Thực ra, Mã Pí Lèng chỉ có 9 khúc cua, không quá hiểm trở, nhưng cái lo lắng nhất của cánh xe tải khi qua đèo này chính là những vực sâu. Đi dọc con đường hạnh phúc là những hồ treo trữ nước để bà con đồng bào dân tộc sinh hoạt vào mùa khô. Để làm được con đường này, đội cảm tử mở đường đã phải treo mình suốt 11 tháng trên vách núi để đục đá mở ra con đường công vụ rộng chỉ vẻn vẹn 40cm. Chính vì vậy, Mã Pí Lèng xứng với tên đệ nhất đèo không hoàn toàn vì độ hiểm trở mà vì ý nghĩa lịch sử của nó.
|
Những cung đường Tây Bắc đẹp như tranh |
Tiếp theo, chúng tôi bắt đầu 17km đường “đau khổ” đến Si Ma Cai – huyện miền núi cao và xa nhất Lào Cai để đến Bắc Hà. Đường được đắp bằng những hòn đá xanh, lại lên dốc đổ dốc bất chợt. Chúng tôi, không may lại rơi vào đoạn đường này lúc chập tối, không còn phân biệt được ngã ba hay ngã tư, chỉ biết lần theo những đoạn sỏi để mà đi.
Theo sông Hồng, chúng tôi đi về phía thượng nguồn đến ngã ba Lũng Pô, nơi sông Hồng chảy vào đất Việt để ngắm nhìn một dải biên cương thiêng liêng của Tổ quốc. Sau đó, theo đường tuần tra biên giới vượt qua những địa danh lạ lẫm và leo những con đèo nằm ẩn trong biển mây về Y Tý.
Để đến được Y Tý và nghỉ đêm tại nhà người Mông như lịch trình, đoàn lại phải chinh phục ngọn núi cao trong buổi chiều tà, khi mây sà xuống sát mặt người. Tất cả các xe đều phải mở đèn len lỏi trong biển mây mà đi. Chúng tôi đi đường vòng quanh núi để lên đến đỉnh. Mây bắt đầu mỗi lúc một xuống thấp, ẩm ướt, lạnh, lối đi dần bị mây che phủ. Người sau vừa cố gắng bám theo người trước, vừa tập trung cầm lái để không phải lạc tay lái vì những con vực lúc nào cũng mở miệng đợi những con mồi.
Những đứa trẻ đứng bên ngoài thời gian
Buổi trưa nắng nhẹ, đoàn chúng tôi tham quan tự do bản Tả Phìn. Tôi cùng một người bạn theo con đường đất nhỏ leo những con dốc, hai bên là đồng lúa chín vàng. Con đường mòn đó cho chúng tôi gặp em – một cậu bé mù ngồi chơ vơ một góc cánh đồng. Em gầy hơn hẳn so với những em bé dân tộc chúng tôi từng thấy. Một mình em ngồi đó, đầu trần, chiếc áo thun tay ngắn và chiếc quần tây màu xanh học trò đã cũ. Hai mắt em là hai vùng trũng sâu.
Em không phản ứng gì với những câu hỏi của tôi. Đến khi tôi bảo em giơ tay ra cho kẹo thì em nhanh chóng xòe hai bàn tay, rồi nhét vội vào túi, sau đó thì lủi thủi men theo bờ đê băng qua những cánh đồng, bỏ lại chúng tôi với khoảng trống chơi vơi…
|
Đi "phượt" đừng quên mang theo kẹo cho lũ trẻ |
Sáng sớm ở Y Tý. Hai anh em người Mông đứng giữa con dốc ngơ ngác nhìn đoàn chúng tôi chuẩn bị khởi hành. Tôi quên nhanh cái tên tiếng dân tộc mà em vừa nói be bé trong miệng. Chỉ biết em học lớp 6, còn chú nhóc bên cạnh là em của em, 4 tuổi. Trời lạnh căm và mưa ẩm ướt, nhưng em trai 4 tuổi lại đi chân đất lấm lem. Trên mu bàn tay em còn lưu lại những vết loang lổ của hình xăm dán mà trẻ con dưới miền xuôi vẫn thường dán. Chân em không giày.
Băng qua những ngọn núi hoang vu, thỉnh thoảng cũng gặp đồng bào dân tộc chạy xe máy trên đường. Tuy nhiên, điều khiến chúng tôi ngạc nhiên hơn cả là giữa ngun ngút đèo, một bên là vách núi, một bên là vực sâu nhưng vẫn thấy những em bé dân tộc Dao, Mông hay Thái gánh trên lưng khi thì củi, khi thì rau cỏ đi chiều ngược lại. Không biết mỗi ngày các em phải đi bao xa khi thân hình nhỏ xíu của các em còn to hơn những ngôi nhà chúng tôi được nhìn thấy ở phía xa…
Trước khi bắt đầu cuộc hành trình, chúng tôi mỗi người đều mang theo vài ba bịch kẹo. Anh trưởng đoàn bảo không nên cho tiền những em bé, vì sẽ tập chúng hư. Có khi vừa mới thấy một hai em bé đứng chơ vơ ở lưng chừng đèo, trong lúc chúng tôi loay hoay mở túi kẹo, ngước lên đã thấy một "đội quân nhí" đổ ào từ trên triền núi xuống theo những con đường mòn rất nhỏ, mà người lạ rất khó nhận ra.
Đối với khách du lịch lần đầu tiên đến, họ rất thích thú khi được ghi lại những khoảnh khắc bên những em bé người dân tộc. Vì vậy như thành lệ, các em bé ở đây dường như hiểu rằng: Nhận kẹo đi và nhìn vào ống kính. Sau khi nhận kẹo, một số em trở về chốn cũ, một số em đứng lại ngắm nghía những cây kẹo trong tay như ngờ vực rồi sau đó nhận ra rằng: Trò chơi cho ngày hôm nay, với nhóm người này đã kết thúc.
Khách du lịch miền xuôi đến với Tây Bắc thường mang theo rất nhiều kẹo, bởi như một "luật bất thành văn", họ biết rằng cho tiền đồng nghĩa với làm hư những đứa trẻ nơi đây. Tuy nhiên, dấu ấn du lịch cũng bắt đầu in dần trên cung đường lên Tây Bắc, khi những du khách dừng lại chụp hình cùng người dân tộc địu con trên lưng thì được nghe những câu tiếng kinh rất rõ ràng và ngắn gọn: Cho tiền bé đi.
Chạy dọc dòng sông Nhiệm trong buổi chiều tà, chúng tôi lại bắt gặp những đứa trẻ đang ngồi-với-nhau bên đường. Gọi là ngồi-với-nhau vì không thể nói là chúng đang chơi với nhau được. Không có gì bên cạnh có thể gọi là đồ chơi. Quanh chúng chỉ là vài ba hòn sỏi như được đặt để sẵn từ lâu lắm, và trò chơi của chúng cũng chỉ là trò "nhìn người đi qua" như bao đứa trẻ khác.
Những con mắt ngơ ngác nhìn, khuôn mặt bầu bĩnh đỏ hồng có chút lấm lem. Có những em nhỏ quá ngay cả quần cũng không buồn mặc, mặc cho mùa thu đã sắp cạn ngày và cái lạnh về chiều cứ ngấm dần vào da thịt. Đoàn người đi qua, bỏ lại những em bé hồn nhiên ngơ ngác và mang theo những băn khoăn nằng nặng…