Nghỉ lễ 30/4-1/5 là cơ hội đẹp để nhiều bạn trẻ háo hức rủ nhau đi du lịch “bụi” (phượt). Họ đi để thỏa mãn khám phá thiên nhiên và “làm mới” lại chính mình. Nhưng, người trẻ háo hức bao nhiêu thì cha mẹ họ lại lo lắng, thấp thỏm bấy nhiêu...
Con mê “phượt”, bố mẹ run
Đến gần ngày nghỉ lễ, chị Mai Khôi (Thanh Trì, Hà Nội) muốn cả nhà đi du lịch một chuyến nên hỏi ý kiến của con trai chị- lớp 12 Trường Lê Quý Đôn (Hà Nội) thích đi địa điểm nào để đặt tour. “Năm nay, con không thích đi với gia đình, tự con sẽ đi du lịch “bụi” ở Mai Châu bằng xe máy cùng với bạn bè 3 ngày đêm”, Phong trả lời.
Nghe con nói thích đi “phượt”, chị Mai Khôi không khỏi bất an. Đây là một chuyến đi đầy mạo hiểm. Sự mạo hiểm của "phượt" không chỉ ở tai nạn bất ngờ, mưa gió bão bùng mà còn là những bất trắc có thể có do yếu tố con người gây ra.
Không bất an sao được khi chị Mai Khôi biết, liên tiếp những vụ tai nạn thương vong xảy ra gần đây trên đường đi "phượt". Như trường hợp, hai bạn trẻ là Nguyễn Thu Hiền (sinh năm 1983, quê Thái Bình) và Nguyễn Khánh Nguyên (sinh năm 1982, quê Hải Phòng) đã tử nạn tại xã Minh Lương, huyện Văn Bàn, Lào Cai. Cả hai đều là sinh viên trường ĐH Phương Đông. Hay vụ tai nạn trên đường du lịch “bụi” từ Thái Nguyên lên Bắc Cạn, một đôi nam nữ chở nhau bằng xe máy gặp tai nạn. Bạn nam tử vong còn bạn nữ ngồi sau bị chấn thương sọ não. Hai người này đều còn rất trẻ, cùng sinh năm 1988. Bạn nam quê ở Quảng Ninh, sinh viên trường ĐH Mỏ - Địa chất; còn bạn nữ người Nghệ An, học ĐH Kinh tế Quốc dân và là lần đầu tiên đi “phượt”.
Trước đó, tháng 9/2007, một cô gái mới 20 tuổi đã tử nạn tại Cao Bằng vì bị trượt ngã khi dừng lại rửa chân tại một đập nước. Sau đó vài tháng, trong nhóm đi chơi vùng thượng nguồn sông Mã (Thanh Hóa), một đôi nam nữ chở nhau bị ngã xe máy khiến người lái bị gãy chân, người ngồi sau bị gãy tay, chấn thương sọ não. Còn những tại nạn "nho nhỏ" gây sứt sẹo, xe cộ hỏng hóc, hay mất đồ trên sông nước, bị trấn lột... thì vẫn thường xảy ra.
Cứ nghĩ tới đó là chị Khôi thấy rùng mình sợ hãi. Chị ngăn cản con không nên đi du lịch “bụi” khi sức khỏe, sự hiểu biết địa lý, cũng như bản lĩnh tay lái còn yếu kém. Nhưng Phong cứ khăng khăng đòi đi để…biết thế nào là… “phượt”.
Con về như được sống lại
Chị Kim Sinh, một bà mẹ khác từng lâm vào cảnh “thót tim” khi con đi du lịch “bụi”. Hè năm trước, con gái chị đi du lịch “bụi” cùng đoàn có 8 người. Dù biết thời tiết không thuận lợi nhưng đoàn “phượt” vẫn “hiếu chiến”: “Đi chơi sợ gì mưa rơi”. Chuyến đi Fansipan (Lào Cai) vào những ngày tháng 7-8 nhiều mưa lũ sạt đường. Đoàn “phượt” thậm chí những thách đố nhau vượt qua những cung đường sạt lở, những mạo hiểm trên núi cao sông sâu khi không hề có các thiết bị an toàn. Con gái chị gọi điện thoại về “tường thuật” lại chuyến đi, chị Sinh nghe mà muốn… “vỡ tim”.
Ảnh minh hoạ. |
…Đến những nơi khó khăn, heo hút, hiểm trở là nỗi đam mê của giới trẻ. Tất cả những nơi mà người khác không hoặc ít khi đến, những nơi mà dân du lịch bình thường không dám bước chân vào thì dân "phượt" quyết chinh phục. Tuy nhiên, cùng với nỗi đam mê đó, càng dấn sâu vào các bản làng xa xôi, địa hình phức tạp thì khả năng gặp tai họa càng lớn.
Tai nạn liên tiếp xảy ra từ những chuyến “phượt” cho thấy đằng sau sở thích khám phá tự nhiên của người trẻ luôn có những nguy hiểm khó lường.
Trước những hành trình những chuyến đi khám phá đầy mạo hiểm, các bạn trẻ cần cân nhắc, tìm hiểu kỹ lưỡng kinh nghiệm về những chuyến đi, cần nghĩ tới sự an toàn của bản thân và sự lo lắng, bất an của gia đình và bạn bè. Đừng nên bỏ qua tất cả chỉ để thỏa mãn cái sở thích cá nhân, cái thú của bản thân. Sự chủ quan có thể để lại hậu quả đáng tiếc…
Thùy Dương