Các đại biểu đã được phổ biến, quán triệt các nội dung quan trọng tại một số luật mới được Quốc hội thông qua như: Bộ luật Lao động (BLLĐ); Luật Thư viện; Luật Kiểm toán Nhà nước; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam…
Giới thiệu về những vấn đề mới tại BLLĐ (sửa đổi) năm 2019, ông Tạ Minh Phúc Khương, Phó Trưởng phòng Lao động, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Cần Thơ cho biết, một số quy định của BLLĐ được sửa đổi phù hợp hơn với nền kinh tế thị trường.
Người sử dụng lao động và người lao động có cơ sở tự thương lượng và thỏa thuận về tiền lương và các điều kiện làm việc khác; có quyền quyết định tham gia hay không tham gia quan hệ việc làm; tham gia hay không tham gia tổ chức đại diện; có quyền quyết định về những vấn đề cụ thể của mình. Đồng thời, BLLĐ được sửa đổi, bổ sung để bảo đảm phù hợp, tiệm cận với các tiêu chuẩn lao động quốc tế, nhất là các tiêu chuẩn lao động cơ bản.
Theo đó, việc tăng tuổi hưu thực hiện theo lộ trình mỗi tháng tăng 3 năm đối với nam và 4 tháng đối với nữ. Đến năm 2028, tuổi hưu của nam đạt mốc 62 tuổi. Đến năm 2035 tuổi hưu của nữ đạt mốc 60 tuổi. Đồng thời, trong luật mới còn đề cập đến quyền được nghỉ hưu sớm hơn không quá 5 tuổi và quyền nghỉ hưu muộn hơn không quá 5 tuổi theo quy định cụ thể trong luật.
BLLĐ (sửa đổi) còn quy định thêm về tổ chức đại diện của người lao động, không thuộc hệ thống Tổng Liên đoàn Lao động. Đặc biệt, trong quy định mới đã phát huy vai trò của Hội đồng Trọng tài lao động trong thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động.
Về Luật Thư viện, bà Phan Thị Thùy Giang, Giám đốc Thư viện TP Cần Thơ cho biết, các quy định của Luật là hành lang pháp lý thúc đẩy và khẳng định vai trò của thư viện trong phát triển văn hóa, khoa học, giáo dục, góp phần nâng cao dân trí, xây dựng xã hội học tập. Đặc biệt, nếu như Pháp lệnh về Thư viện quy định chỉ có tổ chức mới được thành lập thư viện thì Luật Thư viện đã cho phép mọi tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư đều có quyền thành lập thư viện…
Quan tâm đến Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, các đại biểu đã được gới thiệu về những nội dung mới như: Cấp thị thực điện tử, miễn thị thực với thời hạn 30 ngày cho người nước ngoài vào khu kinh tế ven biển; quy định cấp thị thực theo danh sách đối với người nước ngoài tham quan, du lịch bằng đường biển; quy định 4 trường hợp được chuyển đổi mục đích thị thực…
Phát biểu tại Hội nghị, bà Phan Quỳnh Dao, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Cần Thơ đề nghị lãnh đạo các sở, ban ngành thành phố, Hội đồng Phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) các cấp tổ chức triển khai, phổ biến các văn bản luật đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan, đơn vị. Căn cứ tình hình thực tiễn của ngành, địa phương để linh hoạt, chủ động về cách thức tổ chức PBGDPL hiệu quả trên thực tế.
Đồng thời, các đơn vị tiếp tục quan tâm, rà soát quy định có liên quan đến nội dung văn bản luật mới, kịp thời báo cáo UBND thành phố sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ những văn bản không còn phù hợp.
Trước đó ngày 5/6, Sở Tư pháp Cần Thơ cũng đã tổ chức Hội nghị giới thiệu 5 nội dung văn bản luật mới: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; Luật sửa đổi, bổ sung Điều 3 của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Luật Chứng khoán; Luật Dân quân tự vệ.