Cụ thể, báo chí đặt câu hỏi: “Một số ý kiến cho rằng việc thu phí tại nhiều dự án BOT chưa minh bạch, vậy thu phí không dừng giải quyết vấn đề này như thế nào?”.
Ông Nguyễn Viết Huy, Phó vụ trưởng Vụ Đối tác công tư (Bộ GTVT) nói:
“Bộ GTVT đang kiểm soát chặt chẽ doanh thu tại các trạm BOT, không có thu gian dối. Tổng cục Đường bộ thường xuyên tổ chức các đoàn đi kiểm tra với sự tham gia nhiều lực lượng chức năng, có cả công an, số liệu thu phí tại các trạm được lưu trữ trong 5 năm để rà soát lại nếu có nghi ngờ. Ngoài ra, Tổng cục Đường bộ có hệ thống giám sát trực tuyến các xe qua trạm hàng ngày. Doanh thu các trạm còn được giám sát qua các kênh khác là ngân hàng tài trợ vốn và cơ quan thuế qua biên lai, cuống vé”.
Thế nhưng trong quá khứ, dưới sự trợ giúp của ông Đinh La Thăng và Nguyễn Hồng Trường, đối tượng Đinh Ngọc Hệ (Út “trọc”) sau khi “mua quyền thu phí” dự án cao tốc TP HCM – Trung Lương không đúng quy định đã chiếm đoạt hơn 700 tỷ của Nhà nước. Thậm chí Út còn chỉ đạo nhân viên xâm nhập vào phần mềm quản lý thu phí của Bộ GTVT.
Theo điều tra của cơ quan chức năng, Út biết rõ điều kiện để tham gia mua đấu giá là DN phải có nguồn tài chính đảm bảo cho việc thanh toán vốn đúng hạn khi trúng thầu chuyển giao thu phí. Đặc biệt, trong Quy chế bán đấu giá quy định, DN phải đáp ứng điều kiện: Hạch toán độc lập; tình hình tài chính lành mạnh; kinh doanh hai năm liên tiếp không lỗ.
Út đã “qua mặt” bằng cách sử dụng 2 pháp nhân là Cty Yên Khánh và Cty Khánh An. Cả 2 công ty này không có năng lực tài chính và kinh doanh thua lỗ. Để hợp thức hóa, Út đã chỉ đạo cấp dưới làm giả hồ sơ tài chính của 2 Cty từ lỗ thành lãi để che giấu việc không có khả năng tài chính để mua đấu giá quyền thu phí.
Từ hồ sơ giả này, Chủ tịch Hội đồng bán đấu giá đã không chỉ đạo các thành viên Hội đồng bán đấu giá kiểm tra, đánh giá năng lực tài chính của Cty Yên Khánh và Khánh An theo quy định mà ký duyệt quyền thu phí cao tốc TP HCM - Trung Lương cho Cty của Út.
Ngay sau khi mua được quyền thu phí và tiến hành khai thác thu phí, Út tiếp tục chỉ đạo nhân viên thực hiện các hành vi trái pháp luật để che giấu doanh thu thu phí thực tế, che giấu việc kiểm soát doanh thu thu phí của Bộ GTVT, cơ quan Thuế và các cơ quan của Nhà nước có chức năng thanh tra, kiểm toán nhằm chiếm đoạt khoản tiền chênh lệch. Đồng thời, với mục đích sau khi hết thời gian thu phí, Út sẽ báo cáo lỗ để tiếp tục xin được gia hạn thời gian thu phí.
Đặc biệt, Út còn chỉ đạo nhân viên mua phần mềm can thiệp vào phần mềm quản lý thu phí của Bộ GTVT, để xâm nhập, điều chỉnh chương trình soát vé, nhằm làm cho những thông tin về việc thu phí sẽ không được kiểm soát.
Vì vậy, doanh thu thực tế mà Út thu về lên tới hơn 3.200 tỷ đồng nhưng sau khi can thiệp, điều chỉnh chỉ còn hơn 2.500 tỷ đồng. Số tiền chênh ra mà Út và các đồng phạm chiếm đoạt được lên tới hơn 725 tỷ đồng.
Bộ GTVT đã từng nhận bài học cay đắng như vậy, khi Út liên tiếp dễ dàng vượt qua các vòng kiểm soát. Vì vậy hãy nên lấy đó làm bài học rút kinh nghiệm, rà soát lại từ nhân sự quy trình đến máy móc, để tránh sự việc lặp lại một lần nữa, chứ không nên vội vã khẳng định “không có gian dối”. “Cẩn tắc vô áy náy” vẫn là hơn.