Mới quan tâm phần nổi
Điều dễ nhận thấy ở Hà Nội là chỗ nào không thấy ngợp chung cư, cao ốc. Nhiều khu dân cư trở thành những thung lũng đông đúc, với nhiều “điểm đen” về tình trạng ùn tắc giao thông. Theo thống kê của cơ quan chức năng, trung bình mỗi năm dân số Thủ đô tăng thêm khoảng 200 nghìn người, bằng dân số của một huyện.
Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội, cho biết đơn vị đang quản lý hơn 550 nghìn ô-tô và khoảng sáu triệu xe máy, chưa kể hơn một triệu phương tiện từ ngoại tỉnh lưu thông trên địa bàn. Trong khi đó, tỷ lệ tăng trưởng diện tích giao thông chưa theo kịp tốc độ gia tăng của phương tiện dẫn đến quá tải hạ tầng đô thị. Nhiều giải pháp được đưa ra, nhiều cuộc hội thảo tìm ra biện pháp tháo gỡ, song đến nay vẫn chưa có bài toán hữu hiệu giải quyết vấn đề này.
Kiến trúc sư (KTS) Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội KTS Việt Nam cho rằng, một trong những giải pháp để giảm thiểu ùn tắc giao thông là phải xây dựng được hệ thống giao thông dưới lòng đất, thậm chí những khu đô thị dưới lòng đất. Đây là hướng đi tất yếu của hầu hết các đô thị phát triển trên thế giới muốn phát triển bền vững.
Phát riển không gian ngầm là quá trình tất yếu ở các đô thị lớn |
Ông Tùng nhấn mạnh: “Không gian đô thị phải hiểu là không chỉ trên mặt đất mà còn cả dưới lòng đất. Đặc biệt, quy hoạch ngầm đô thị nó có tác động cực kỳ lớn về kinh tế, an ninh quốc phòng. Ở các khu đô thị lõi, mật độ dân số cao gần như không còn đất mở rộng giao thông, xây dựng không gian công cộng, trung tâm thương mại… thì không gian ngầm hầu như là lối thoát đáng lưu tâm, thậm chí quan trọng hơn cả quy hoạch không gian trên mặt đất”.
Bức thiết là thế song đến nay TP Hà Nội chưa có quy hoạch không gian ngầm đô thị, các chủ đầu tư xây dựng, cơ quan chức năng mới chỉ quan tâm phát triển phần nổi trên mặt đất. Ngay như việc quản lý tầng hầm của các chung cư cũng chưa được kiểm soát, quản lý chặt, sẽ là “mối họa”, ảnh hưởng tới việc hình thành và quy hoạch không gian ngầm đô thị sau này.
Theo tìm hiểu, lực lượng quản lý trật tự xây dựng đô thị trên địa bàn Hà Nội chưa thực hiện xử phạt cũng như thống kê vi phạm về xây dựng phần không gian ngầm. Các chủ đầu tư xây dựng nhà cao tầng vẫn “mạnh ai nấy làm”. Một số khu vực nhà chung cư bị “ăn bớt” tầng hầm làm chỗ để xe, nhưng có nhà chung cư xây dựng ba, bốn tầng hầm.
Các chuyên gia bày tỏ mối lo ngại, rằng hiện nay tua tủa những cọc móng nhà cao tầng cắm sâu xuống lòng đất. Sau này muốn xây dựng công trình ngầm, đặc biệt đường ngầm sẽ phải luồn lách để tránh cọc móng. Thậm chí có khu vực không thể phát triển đô thị ngầm được nữa.
Không gian ngầm tại khu đô thị Royal City Hà Nội |
KTS Phạm Thanh Tùng nêu những khó khăn từ việc xây dựng ga tàu điện ngầm gần hồ Hoàn Kiếm là một bài học từ bất cập trong quy hoạch không gian ngầm, mà nếu có quy hoạch từ nhiều năm trước thì đến bây giờ mọi chuyện đã dễ dàng hơn.
Chỉ ra không ít thiếu khuyết, KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam, cho biết: “Ở Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh đã có một số công trình có không gian ngầm. Thí dụ bãi đỗ xe ngầm, cống ngầm, cấp nước, thoát nước, hệ thống dây cáp…
Song hầu hết đều mang tính cục bộ. Những công trình đó chỉ sử dụng cho một mục đích riêng chứ chưa có liên kết tổng thể. Việc quản lý cũng thiếu tầm nhìn dài hạn và chưa có định hướng. Bây giờ làm quy hoạch ngầm là muộn nên cần phải làm ngay”.
Nhìn vào các quy định, ngay từ khi Luật Quy hoạch đô thị số 30/2009/QH12 được Quốc hội thông qua năm 2009, nội dung quản lý không gian xây dựng ngầm đô thị đã được chú trọng. Tiếp đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 39/2010/NĐ-CP ngày 7/4/2010 về quản lý không gian xây dựng ngầm đô thị và Nghị định số 72/2012/NĐ-CP ngày 24-9-2012 về quản lý và sử dụng chung công trình hạ tầng kỹ thuật.
Bà Mai Thị Liên Hương, Cục trưởng Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng), cho hay: “Các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý không gian xây dựng ngầm đã có nhưng chưa được chính quyền các địa phương, các đô thị quan tâm đúng mức.
Một số hạn chế trong việc thực thi quy định về quản lý không gian ngầm đô thị có thể kể đến: Việc xây dựng cơ sở dữ liệu về không gian xây dựng ngầm đô thị chưa được quan tâm; hiện tại chỉ có 18 tỉnh, thành trên cả nước ban hành quyết định về quản lý, phân cấp quản lý cơ sở dữ liệu và cung cấp dữ liệu về không gian xây dựng công trình ngầm đô thị. Hệ thống cơ sở dữ liệu về công trình ngầm không đầy đủ, chưa thể hiện được tính kết nối, mối quan hệ giữa các công trình ngầm với nhau và giữa công trình ngầm với công trình trên mặt đất, dẫn đến khó khăn cho công tác lập quy hoạch”.
Mau chóng biến ước mơ thành hiện thực
Mỗi người dân đều mơ ước được sinh sống, làm việc trong những thành phố thông minh, giao thông thuận tiện. Thành phố Hà Nội đang nỗ lực hướng tới nâng cao chất lượng dịch vụ, phục vụ người dân. Theo nhiều chuyên gia, thành phố không thể thông minh và phát triển bền vững khi luôn xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường.
Việc phát triển đô thị ngầm, tạo nên thế giới dưới lòng đất là xu thế tất yếu mà nhiều thành phố hiện đại trên thế giới đã có như Tô-ki-ô, Niu-óc, Xơ-un, Xin-ga-po… Trong suốt quá trình phát triển của các đô thị này, không gian ngầm đã cho thấy một vai trò hết sức quan trọng, là bộ phận không thể tách rời của đô thị.
KTS Trần Huy Ánh (Hội KTS Hà Nội) chỉ ra, nếu không triển khai thì sau này việc triển khai lại càng khó khăn. Chính quyền đô thị cần đề ra bản quy hoạch mang tính tổng thể cho việc phát triển hệ thống không gian ngầm ở đô thị, có ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Trách nhiệm của chính quyền trong quản lý đô thị sẽ ngày phải nâng cao trước áp lực phát triển.
Còn theo KTS Nguyễn Tuấn Hải (Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội), xây dựng không gian ngầm đáp ứng được hai khía cạnh quan trọng trong phát triển đô thị: dịch vụ đáp ứng yêu cầu của cuộc sống ngày càng cao và sử dụng tiết kiệm tài nguyên đất tại đô thị.
Mới đây, UBND TP Hà Nội chỉ đạo Sở Quy hoạch và Kiến trúc chủ trì xây dựng và trình tập thể UBND thành phố xem xét, cho ý kiến hoặc thông qua Quy hoạch chung không gian ngầm đô thị trung tâm TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
PGS,TS Nguyễn Hồng Tiến, Nguyên Cục trưởng Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng), nêu quan điểm: Để có cơ sở triển khai lập quy hoạch không gian ngầm, một số nhiệm vụ cần phải thực hiện, trong đó có đánh giá tổng hợp về hiện trạng xây dựng công trình trên mặt đất và các công trình đã xây dựng dưới mặt đất trong đó các công trình trên mặt đất lưu ý đối với các công trình có tầng hầm (vị trí, địa điểm, quy mô, số tầng hầm, chiều sâu tối đa...), đối với các công trình theo tuyến (các tuyến giao thông, điện, thông tin, cấp thoát nước, hào…) dưới mặt đất cần xác định rõ vị trí, độ sâu, điểm đầu, cuối, các điểm giao cắt, cao độ và mối quan hệ chung quanh và cuối cùng lập bản đồ hiện trạng công trình ngầm.
Không gian ngầm là tài nguyên cần được nghiên cứu và khai thác, nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất đô thị. Để quy hoạch về không gian ngầm đô thị thành hiện thực, các cơ quan chức năng TP Hà Nội cần nỗ lực hơn, để vấn đề quan trọng này không chỉ nằm ở ý tưởng, giấy tờ, mà phải được thực hiện, góp phần cải thiện sở hạ tầng, giữ gìn cảnh quan lịch sử văn hóa, phát triển đô thị bền vững.
Theo nhiều chuyên gia, cơ quan chức năng cần lập đề án quy hoạch, tham khảo ý kiến của các chuyên gia trong nước và nước ngoài. Tiếp đó, cần có chính sách đào tạo kỹ thuật viên, kỹ sư cũng như chuyên gia về hạ tầng ngầm đô thị. “Đô thị và công trình ngầm không thể phát triển nếu không có có con người. Chúng ta đang quá thiếu chuyên gia có trình độ nghiên cứu, quy hoạch và xây dựng công trình ngầm”, KTS Trần Huy Ánh, nêu thực trạng.