Tuổi thơ khác biệt
Vào một ngày tháng 3/1984, cô bé Lý Cúc Hồng, 4 tuổi đang trên đường đến trường mẫu giáo thì bị một chiếc xe tải lớn đâm phải và bị mắc kẹt bên dưới gầm xe. May mắn được đưa vào bệnh viện cứu chữa kịp thời, nhưng các bác sĩ đã phải cưa đôi chân của cô chỉ còn lại chưa tới 3cm.
Mẹ của Lý Cúc Hồng, bà Vinh Thuận Quỳnh (Rong Shunqiong), 63 tuổi, cho biết bà từng nhiều lần day dứt và ước gì ngày hôm đó đã không đưa con gái tới trường hoặc giả nếu gia đình có điều kiện tốt hơn thì Lý Cúc Hồng đã không phải chịu nỗi đau nhiều đến như vậy.
Bà Vinh Thuận Quỳnh thường âm thầm khóc mỗi khi nhìn thấy con gái phải chịu những cơn đau giày vò hoặc bị bạn bè trêu chọc. May mắn thay, Lý Cúc Hồng rất ngoan ngoãn và có bản tính độc lập ngay từ nhỏ.
Bác sĩ Lý Cúc Hồng dùng hai chiếc ghế để di chuyển dễ dàng hơn |
Trở thành bác sĩ thăm khám hơn 6.000 lượt người
Tuy chịu nhiều sự mất mát thế nhưng Lý Cúc Hồng vẫn không đầu hàng số phận, chính tai nạn làm mất đi một phần cơ thể đã thúc đẩy Lý Cúc Hồng học tập chăm chỉ hơn để có thể trở thành một bác sĩ và cứu giúp những người gặp khó khăn khác. Lý Cúc Hồng kiên trì và nỗ lực không ngừng để nuôi ước mơ trở thành bác sĩ để có thể cứu chữa cho những người mắc bệnh nhưng không đủ điều kiện chạy chữa.
Năm 2000, Lý Cúc Hồng nhận bằng tốt nghiệp sau khi học tại một trường dạy nghề đặc biệt trong 4 năm. Năm sau, cô bắt đầu làm trong một phòng khám bệnh đa khoa ở thôn Ngõa Điếm, thị trấn Thanh Bình, khu Hợp Xuyên, thành phố Trùng Khánh.
Trong gần hai thập kỷ cống hiến trong làng, Lý Cúc Hồng đã tự mình thiết lập ba quy tắc và không cho phép bản thân vi phạm: Thứ 1, giúp đỡ bất cứ ai yêu cầu giúp đỡ với một nụ cười ấm áp. Thứ 2, chuẩn bị bữa tối cho người già và trẻ em. Thứ 3, không thu phí khám bệnh đối với bệnh nhân có khó khăn về tài chính, nếu có cũng chỉ có chi phí thuốc men.
Chồng của bác sĩ Lý Cúc Hồng thường đưa đón cô đi làm |
Trong năm thứ hai làm việc ở đây, cô gái Lý Cúc Hồng đã gặp chàng trai Lưu Hưng Yên (Liu Xingyan), lớn hơn cô hai tuổi. Trong thời gian làm việc và đồng hành cùng nhau qua nhiều dự án, kế hoạch, họ đã yêu và kết hôn với nhau.
Sau khi kết hôn, anh Lưu Hưng Yên đã nghỉ việc tại phòng khám để lo việc nhà. Mỗi khi có thể, anh lại cõng vợ đi làm. Phòng khám cách nhà họ chừng 500m. Hàng ngày, Lý Cúc Hồng dậy từ giờ sáng, cho con ăn và sửa soạn đồ rồi chuẩn bị đi làm. Có ngày cô được chồng cõng đi, cũng có những ngày cô tự đi làm, nhưng vì di chuyển bằng ghế gỗ nên mỗi lần mất khoảng nửa tiếng.
Tuy khó khăn trong việc đi lại nhưng chưa có ngày nào cô không đến phòng khám. Vị bác sĩ khuyết tật có mặt tại phòng y tế thôn sáng sớm. Tuy nhiên, đối với nhiều bệnh nhân khó khăn hoặc không còn khả năng di chuyển. Nên vào mỗi buổi chiều, cô Lý thường đến khám miễn phí cho những người cao tuổi tại nhà dù con đường vùng núi rất gồ ghề.
Cô Lý chia sẻ, “Tôi có hai công việc mỗi ngày. Một là làm việc tại phòng khám. Hai là thăm khám cho bệnh nhân tại nhà. Tôi phụ trách y tế cho 2.000 người dân. Bác sĩ như tôi không có lịch trình khám cố định. Có khi bệnh nhân đến lúc 6-7 giờ sáng. Có khi sau khi tôi tan làm, thậm chí 21-22 giờ vẫn có bệnh nhân tìm đến”.
Mặc chiếc áo blouse trắng, cô thành thạo khám, chẩn đoán và điều trị cho bệnh nhân. Trong suốt 17 năm gắn bó với nghề, cô đã chăm sóc cho hơn 1.000 người từ 300 hộ gia đình trong khu vực. 1/5 số dân trong thôn đã ngoài 60 tuổi.
Cô Lý cho biết, cô cảm thấy “hạnh phúc và may mắn” vì giúp đỡ được nhiều người. Hơn chục năm qua, cô đã “đi mòn” 30 chiếc ghế gỗ, thăm khám cho hơn 6.000 lượt người. “Tôi có nhiều bất lợi so với mọi người. Nhưng tôi vẫn luôn tự nhủ với bản thân rằng, ông trời sẽ giúp đỡ những ai biết cách tự giúp đỡ mình, và lấy đó làm động lực để tiến lên phía trước. Mỗi khi gặp tôi, họ đều nói cảm ơn.
Thỉnh thoảng họ tặng tôi rau và củ họ tự trồng như một món quà cảm ơn. Được làm những điều mình mơ ước, tôi cảm thấy mình thật may mắn”, Lý chia sẻ. Thương vợ, anh Lưu thường tranh thủ thời gian rảnh rỗi cõng vợ đến thăm khám bệnh nhân.
“Dù sức khỏe ngày càng yếu, việc cõng vợ trên lưng đã không còn dễ dàng như xưa, nhưng bất cứ khi nào cô ấy có cuộc gọi của bệnh nhân đề nghị thăm khám tại nhà, tôi đều sẽ ở đó để giúp đỡ vợ”, anh Lưu nói. Trong khi đó, cậu con trai 12 tuổi tự hào chia sẻ rằng, “Mẹ chính là nguồn cảm hứng cũng như động lực để em phấn đấu trở thành một bác sĩ trong tương lai…”
Dù gặp nhiều khó khăn, nhưng lựa chọn của cô Lý vẫn là tiếp tục nỗ lực và không bỏ cuộc, bởi cô biết sự nỗ lực của mình sẽ giúp ích cho người khác, sự nỗ lực không chỉ thay đổi cuộc sống của cô mà còn mang đến ánh sáng cho những cuộc đời khác. Người ta vẫn thường động viên nhau rằng chỉ cần có ý chí niềm tin, bạn sẽ thay đổi được cả thế giới. Nhưng với cô Lý Cúc Hồng, điều giúp cô tạo nên thay đổi lại là ý chí, nghị lực xuất phát từ tấm lòng giàu tình yêu thương, trái tim thiện lương, từ xuất phát điểm muốn mang lại điều tốt đẹp và nụ cười cho người khác.
Có câu: “Cuộc đời giống như một cuốn sách, có những chương buồn, có những chương vui và có những chương thú vị. Nhưng nếu bạn không lật sang trang tiếp theo, bạn sẽ không bao giờ biết được điều gì đã viết cho bạn ở đó”.Với ý chí, nghị lực, niềm tin vào bản thân cùng sự đồng cảm dành cho những người cùng khổ, cô Lý Cúc Hồng đã từng bước vươn lên số phận và giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn khác.
Trong suốt hơn 18 năm qua, Lý Cúc Hồng tình nguyện là bác sĩ của làng, cần mẫn đến tận nhà thăm hỏi và động viên từng bệnh nhân. Nữ bác sĩ khuyết tật đầy nghị lực đến từ Trùng Khánh, Trung Quốc, khiến nhiều người cảm phục không chỉ vì ý chí mạnh mẽ vượt qua khó khăn mà còn bởi vì tấm lòng nhân nghĩa.