Tình yêu vững bền qua những lá thư viết vội
Đôi vợ chồng chủ nhân của 126 lá thư là thương binh Huỳnh Phương Bá và vợ Vương Thị Tiệng. Quê ở huyện Điện Bàn, Quảng Nam, năm 1950, ông Huỳnh Phương Bá nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc xếp bút nghiên lên đường theo cách mạng. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc, sau đó sang chiến đấu ở nước bạn Lào. Năm 1961, trở lại miền Nam hoạt động trên khắp chiến trường Khu V.
Mối tình thời chiến là ký ức mà ông Huỳnh Phương Bá luôn trân trọng gìn giữ, năm 1957, đơn vị ông về đóng quân ở huyện Nam Đàn tỉnh Nghệ An. Tại đây, ông gặp cô nữ sinh Vương Thị Tiệng và là vợ của ông sau này. Sau 10 ngày cưới vợ, ông trở về đơn vị để qua nước bạn Lào.
Đến năm 1961, ông trở lại chiến trường miền Nam, để lại người vợ son trẻ tuổi đôi mươi ở hậu phương. Hơn 13 năm xa cách đằng đẵng, vợ chồng ông chỉ liên lạc qua những lá thư viết vội. Nhưng chính những lá thư viết vội đó đã là sợi dây yêu thương vô hình mà vững chắc giúp ông vượt qua bao gian khó, hiểm nguy để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Trong quá trình chiến đấu, ông bị thương nhiều lần, lần nặng nhất là vào năm 1969, khi đang chiến đấu ở căn cứ Sơn Hà, Quảng Ngãi thì bị địch phát hiện, rải bom B52 mù trời, bom tạt vào trong hầm, quần áo, đồ đạc cháy và hỏng nát, bản thân ông bị gãy xương sườn, ảnh hưởng cột sống, thủng màng nhĩ…
Nhưng khác hẳn với những gì đang xảy ra ở tiền tuyến những lá thư mà ông Bá gửi về cho vợ ở hậu phương lại luôn thể hiện tinh thần lạc quan và tin tưởng: “Vợ chồng ai chả muốn sống gần nhau trong tình âu yếm! Nhưng Tổ quốc còn bị chia đôi, cho nên cảnh sum vầy tạm thời bị gián đoạn. Mấy năm rồi, anh xa ba mẹ yêu dấu, xa các anh, các chị mến thương và giờ đây phải xa người vợ trẻ thân yêu nhất của mình mà chưa hẹn ngày gặp mặt, mà chắc chắn rằng ngày ấy phải đến với chúng ta”..
Hòa bình lập lại, nước nhà thống nhất, gặp nhau, hai vợ chồng ông bà Huỳnh Phương Bá và Vương Thị Tiệng đều chung một niềm bất ngờ. Đó là không ai bảo ai, cả ông và bà đều lưu giữ những bức thư viết vội trước đây và coi đó là hiện thân của người đi xa. Người thương binh Huỳnh Phương Bá tâm sự rằng, trên chiến trường ác liệt, nhận được thư, đọc xong ông gói vào bao nilon và cất vào thùng đại liên, chôn giấu dưới lòng đất, lúc đi công tác ông gửi lại anh em. Mỗi khi buồn nhớ, ông lại lấy thư ra đọc để lấy động lực tiếp tục học tập và chiến đấu. Hòa bình lặp lại, vợ chồng ông giữ được 126 lá thư từ tháng 3/1962 đến tháng 1/1974, (trong đó có 21 lá thư của đồng đội).
Suốt 40 năm trong quãng đời binh nghiệp, qua nhiều vị trí, từ người lính bình thường đến người lãnh đạo chỉ huy và cả lúc về hưu vào năm 1990 với quân hàm Đại tá, người thương binh Huỳnh Phương Bá luôn tự học. Ông tâm niệm cần phải học suốt đời để hiểu rõ về cội nguồn, góp phần giữ gìn văn hóa của dân tộc.
Năm 2006, ông đã tự mở lớp học Hán Nôm miễn phí tại nhà, sau đó mở rộng thành Câu lạc bộ Hán Nôm, đến nay phát triển thành Trung tâm Hán Nôm thành phố Đà Nẵng do ông làm giám đốc. Ông cùng cộng sự đã dịch gia phả miễn phí, dịch thành công nhiều tài liệu liên quan đến chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. “Ước mơ lớn nhất của tôi là thế hệ trẻ giữ vững biển đảo Tổ quốc và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam” - ông Bá nói.
Đẩy xe lăn vượt 40km để thuyết phục cha mẹ vợ
“Sự sống nảy sinh từ trong cái chết, hạnh phúc hiện hình từ trong những hy sinh gian khổ, ở đời này không có đường cùng...” – đó là câu nói mà thương binh Phạm Hồng Tư ở xã Chí Đám, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ luôn tâm đắc. Bởi với mối tình của mình, ông đã minh chứng tính đúng đắn của câu nói đó cũng như tinh thần luôn lạc quan vượt qua khó khăn của người lính Cụ Hồ.
Nhập ngũ trong giai đoạn cuối chiến tranh chống Mỹ, người thanh niên Phạm Hồng Tư lên đường chi viện cho chiến trường miền Nam. Sau ngày thống nhất, ông cùng đồng đội hành quân sang chiến trường Campuchia chiến đấu trong vai trò lính công binh. Một lần đi tiền trạm cho bộ binh trong rừng, nhóm của ông vướng phải dây mìn, quả mìn phát nổ khiến 5 người bị thương, trong đó ông Tư bị thương nặng nhất, với mảnh mìn găm vào xương sống, bị liệt vĩnh viễn 2 chân và mất sức 91% sức khỏe.
Kể về mối tình với người vợ của mình, cô điều dưỡng kém 4 tuổi – bà Nguyễn Thị Thanh Phương ông cho biết: “Ngày đó vợ tôi về xin phép gia đình làm đám cưới. Khi cô ấy thưa chuyện thì cả nhà bị sốc vì cô con gái xinh đẹp lại đòi cưới một thương binh, không có khả năng đi lại. Thế nhưng, để thuyết phục bố mẹ bạn gái, một mình tôi đẩy xe lăn 40km từ Trung tâm chăm sóc thương binh nặng Thuận Thành, Bắc Ninh về Khoái Châu, Hưng Yên, cô ấy cũng kiên nhẫn đạp xe theo sau. Đi hơn nửa ngày đường mới về đến nhà người yêu, cảm động trước tình cảm đôi lứa, cuối cùng gia đình đã cho phép kết hôn. Và đến năm 1990, chúng tôi đón con trai chào đời. Đó là niềm hạnh phúc thần kỳ và may mắn”.
Thời gian đầu xây dựng gia đình, cuộc sống của vợ chồng ông Tư khá khó khăn, phụ cấp thương binh và đồng lương cán bộ điều dưỡng của vợ không đảm bảo được cuộc sống. Với chút ít kiến thức về điện được học khi làm lính công binh, ông tự nghiên cứu thêm sách để học cách sửa chữa đồ điện, sau đó bắt đầu nhận sửa cho bà con làng xóm.
Từ đó đến nay, căn nhà đơn sơ chừng 40m2 của ông luôn đầy ăm ắp những dụng cụ điện bị hỏng như nồi cơm điện, đài, bếp từ… Nhờ cửa tiệm nhỏ này mà mỗi tháng ông cũng giúp cho gia đình có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống. Nhắc đến vợ, ông Tư cho rằng đó là may mắn trời ban cho khi gặp được người phụ nữ hiền lành, chịu khó. Hơn 30 năm chung sống vợ chồng luôn cùng nhìn một hướng, vợ luôn là cô điều dưỡng chăm lo cho ông từng ngày.