Căn nhỏ nhỏ mộc mạc, cũ kỹ của chị Hồ Thị Lanh (thôn 5, xã Hồng Vân, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế) nằm khuất sau rặng cây.
Chồng mất đã lâu, chị là lao động chính trong nhà gồm 5 người (3 con nhỏ và người mẹ già). Dù nhà chật chội, trống trải đến độ không có một chiếc bàn, chiếc ghế, nhưng chị luôn mở rộng cửa cho trẻ em đến ở nhờ.
Hiện nhà chị có 3 học sinh đang tá túc để thuận tiện việc lên lớp. “Nhà mấy em ở xa lắm. Không ra đây ở nhờ, sẽ không đi học được. Từ khi có các em ở, mình không dám đi làm xa, đi làm nhiều, vì sợ nấu cơm trễ, các em không kịp đến lớp. Mệt, vất vả hơn, nhưng mà vui”, chị chia sẻ.
Vào những ngày nghỉ cuối tuần, dù rất nhớ nhà, nhưng hai anh em Hồ Văn Hịch, Hồ A Sòm đang tá túc ở nhà chị Lanh chỉ được thay phiên nhau về thăm nhà, người còn lại phải lên rẫy làm việc.
Là học sinh thuộc đồng bào thiểu số, nên các em được nhà nước cấp 15 kg gạo mỗi tháng/năm học (9 tháng), được nhận làm 2 lần. Số gạo này, các em đều mang hết đến nhà trọ, góp vào ăn chung.
“Trong nhà ăn gì, các em ăn thứ đó. Các em không phải đóng thêm tiền mua thức ăn. Những hôm về thăm nhà, nếu có bó rau, đọt măng, các em sẽ mang đến góp vào bếp, nếu không có thì thôi. Nhà chủ không đòi hỏi”, chị Lanh kể.
Đường đến trường |
Nhà của ông Trần Văn Minh (thôn Ka Cu 1, xã Hồng Vân), nơi em Hồ Thị Hậu đang ở nhờ nằm sâu phía sau núi. Em Hậu đang lên rẫy, chỉ có ông Minh ở nhà vì đau chân.
“Nhà bố mẹ Hậu nghèo lắm. Mình cũng nghèo, nhưng vẫn cho Hậu ở nhờ. Có cơm thì cùng ăn, không có cơm thì ăn sắn, ăn khoai cũng no cái bụng. Nhưng phải học. Vì mình không học nên giờ mới khổ, nhà mình ở cũng phải nhờ Nhà nước làm cho mới có để che cái nắng, cái mưa. Nên các con mình, phải cho đi học cái chữ, sau này không khổ như mình”, ông Minh kể.
Nhà chỉ có một chiếc xe đạp cũ, nhưng thấy Hậu đi học phải lội bộ xa, nên ông ưu tiên nhường chiếc xe cho em đạp đến trường. Những ngày cuối tuần, không có xe máy, nên lâu lâu Hậu mới về thăm nhà.
“Thấy Hậu khóc nhớ ba mẹ, mình cũng tội. Mình sợ Hậu nhớ nhà quá mà bỏ học. Nên một, hai lần trong tháng, mình sang nhà hàng xóm mượn xe máy, chở em về thăm nhà”, ông Minh kể.
Còn anh em Hịch, mỗi lần muốn về nhà, các em lại cầm nón bảo hiểm ra đứng trước con đường lộ. Có xe nào chạy về hướng nhà mình, các em xin đi nhờ, không được thì tiu nghỉu trở vào.
Mồ côi cha mẹ từ khi còn nhỏ, em Hồ Văn Tiên (lớp 12) sống nhờ sự chăm sóc của người anh cả. Năm vào cấp ba, em phải khăn gói rời bản đến ở nhờ nhà người quen gần trường. “Thấy hoàn cảnh của em mồ côi, tội nghiệp, nên nhà chủ thương lắm. Họ xem em như con trong nhà, luôn động viên em đi học. Ở nhà chủ rất thoải mái, như ở nhà mình”, em Tiên kể.
Thầy Đoàn Chí Quýnh, Hiệu trưởng trường THCS & THPT Hồng Vân cho biết, hiện trường có 61 học sinh phải ở trọ nhà dân để theo đuổi việc học. Những học sinh này đều sống ở xã Hồng Thủy, cách trường gần 30 km và phải vượt qua con đèo Pê Ke dài hơn 8km.
Trường Hồng Vân |
“Người dân ở đây rất tốt bụng, luôn sẵn lòng cho các học sinh ở nhờ. Nhà nước có chế độ gạo cho các em chỉ mới 2 năm nay. Nhưng trước đó khi chưa có chế độ này, họ vẫn cho các học sinh ở nhờ mà không đòi hỏi các em phải góp gạo, góp thức ăn”.
Hiểu được những khó khăn của các em, thầy cô luôn động viên, giúp đỡ các em đến lớp. Họ chỉ vẽ cho từng học sinh của mình cách ăn ở gọn gàng, sạch sẽ, biết giúp đỡ những người bên cạnh, không làm phiền nhà chủ.
Từng có ý kiến đề xuất việc xây nhà bán trú gần trường để các em ở xa có điều kiện học tập tốt, bảo đảm sức khỏe, và đỡ vất vả. Hiệu trưởng Quýnh cho biết, đây là đề xuất có lý, nhưng để thực hiện được cần phải có chủ trương của tỉnh, Sở, chính quyền địa phương, và phải thực hiện đồng bộ./.