Cải tạo thành… cải lùi?
Theo đó, khi thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới, từ năm 2012 xã Thanh Lộc cho lấy đất để cải tạo khu đất cao thành khu đất thấp hơn để đảm bảo điều kiện canh tác. Mặc dù tại các cuộc họp với người dân, UBND xã thống nhất chủ trương chỉ lấy sâu khoảng 60cm và khối lượng đất sẽ bán cho đơn vị khác với giá 9.000đ/m3, tuy nhiên, quá trình thực hiện, đơn vị được phép múc đất đã đào sâu hơn mức cho phép, có những chỗ sâu hơn 2 mét, khiến toàn bộ khu vực đất cải tạo trở thành ao hồ không thể cấy lúa.
Trước tình trạng trên, ngày 06/10/2014 người dân xóm Thanh Lộc đã đề nghị UBND xã họp dân và tại cuộc họp, Chủ tịch xã Lê Văn Nhiếu cho rằng, việc cải tạo đất ruộng không có hợp đồng, hiện nhà thầu đã “bỏ chạy” nên xã sẽ thanh toán cho dân?
Tuyên bố của Chủ tịch xã ngay lập tức bị người dân phản đối gay gắt và thẳng thắn cho rằng việc cải tạo đất có hợp đồng, có chữ ký của Bí thư Đảng bộ và trưởng xóm với tổng khối lượng nghiệm thu là 15.700m3 x 9.000đ = 141.300.000 đồng. Tại sao ông Nhiếu lại nói như vậy? Phải chăng có điều gì khuất tất?
Việc ông Nhiếu cho rằng xã sẽ trích lại 98 triệu đồng từ ngân sách xã để trả lại cho xóm càng khiến người dân thêm bức xúc. Bởi theo họ, việc lấy đất quá sâu, vượt mức cho phép so với chủ trương cải tạo đất khiến người dân không thể tiếp tục canh tác và quá trình nghiệm thu không công khai, minh bạch để nhà thầu bỏ chạy, nay lại lấy ngân sách để trả người dân là có sự nhập nhèm ở đây.
Một người dân bức xúc cho hay: “Với thực tế hiện tại, ruộng của chúng tôi như cái hồ rộng, không thể sản xuất được vì nó quá sâu, nếu có chuyển đổi thành hồ nuôi trồng thủy sản cũng không được, vì mùa mưa, nước ngập tràn ra xung quanh, cá theo đó sẽ tràn ra khỏi ao, không hộ nào dám đấu thầu để sản xuất”.
Sơ suất hay cố tình?
Trước những phản ứng và lý lẽ của người dân, ông Lê Văn Nhiếu đã phải thừa nhận: Khu vực này từ trước đến giờ, do địa hình cao không thuận lợi cho việc tưới tiêu nên xã đã xin chủ trương của huyện được múc đất đi, cải tạo thành mặt bằng thích hợp để cấy lúa nước. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, xã đã chủ quan không cắt cử lực lượng giám sát nên đơn vị thi công đã múc quá sâu so với mức độ cho phép. Đây là sai sót của địa phương trong việc thực hiện chức năng quản lý.
Về việc quyết toán tiền bán đất, ông Nhiếu cho biết, thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới và được sự đồng ý của huyện, theo đó xóm nào có diện tích đất nằm trong diện cải tạo, tiền bán đất được giao lại cho thôn sau khi đã hạch toán chi phí đào đất. Tỷ lệ trích lại cho xóm, thôn là 70% tổng số tiền bán đất, chứ không có chuyện nhập nhèm ở đây? Trước sự việc trên, đại diện Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Can Lộc cho rằng, sẽ cử cán bộ chuyên môn xuống xác minh thực tế. Nếu có sai sót sẽ báo cáo lãnh đạo UBND huyện để xử lý theo quy định.
Theo chúng tôi, để xảy ra sự việc trên, trách nhiệm trước hết thuộc Chủ tịch UBND xã Thanh Lộc đã thiếu chỉ đạo, kiểm tra. Do đó, để giải quyết triệt để vụ việc, tránh sự hoài nghi, bức xúc của người dân vào chính quyền, UBND huyện Can Lộc cần sớm vào cuộc.