Sự kiện này được dư luận thế giới quan tâm bởi mối quan hệ giữa Mỹ và Nga vốn đã không được bình thường từ trước đấy nhưng đặc biệt từ sau khi có sự thay đổi chính quyền ở Mỹ tồi tệ đi rõ rệt và nghiêm trọng. Ngay chính ông Lavrov cũng công khai cho rằng mối quan hệ song phương này xấu như chưa từng thấy kể từ nhiều thập kỷ trở lại đây.
Tân Tổng thống Mỹ Joe Biden thực thi chính sách còn cứng rắn hơn cả người tiền nhiệm đối với Nga. Dù vậy, ông Biden vẫn đề nghị gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin ở bất cứ nước thứ ba nào vào bất cứ thời điểm nào. Cho tới nay, phía Nga chưa trả lời chính thức mà mới chỉ cho biết rằng đang xem xét đề nghị nói trên của ông Biden.
Trong bối cảnh tình hình như thế, cuộc gặp giữa ông Blinken và ông Lavrov ở Iceland được quan sát đặc biệt về hai góc độ là liệu sẽ có được sự khởi đầu mới cho mối quan hệ song phương này không và liệu tới đây có cuộc gặp cấp cao Nga - Mỹ hay không.
Tại Reykjavik, hai Bộ trưởng trao đổi với nhau về rất nhiều vấn đề, thẳng thắn và cởi mở để rồi đi tới nhận thức thống nhất với nhau là mọi chuyện bất hòa đều vẫn chưa thể giải quyết được, nhưng cũng đã xác định ra một số lĩnh vực mà hai bên vẫn có thể hợp tác như giải trừ vũ khí hạt nhân, chống biến đổi khí hậu trên trái đất, ứng phó dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona gây ra, giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên và Iran, chống khủng bố quốc tế và tìm kiếm giải pháp chính trị hoà bình cho Afghanistan.
Trên thực tế, giữa Mỹ và Nga ở thời trước khi ông Biden lên cầm quyền ở Mỹ đã không bất đồng quan điểm và đối kháng nhau cơ bản gì ở các chủ để nội dung này. Xung khắc lợi ích vẫn có nhưng rồi hai bên đều tìm ra cách thức và mức độ thích hợp để hợp tác với nhau.
Chỉ có các vấn đề song phương là vẫn hết sức trắc trở. Syria và Ukraine, dân chủ nhân quyền và nhà nước pháp quyền, dự án hợp tác giữa Nga với EU về xây dựng tuyến đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2, đe doạ an ninh lẫn nhau giữa Nga và NATO ở châu Âu, chuyện Nga bị cáo buộc tấn công mạng can thiệp vào đời sống chính trị ở các nước phương Tây, chuyện Nga đối phó nhân vật đối lập Alexei Navalny và việc Nga liên kết liên thủ với Trung Quốc đều vẫn khúc mắc như trước cuộc gặp giữa ông Blinken và ông Lavrov ở Iceland.
Nhìn vào đấy có thể thấy câu trả lời cho hai câu hỏi lớn là dư luận đặt ra cho sự kiện này chỉ có thể là Mỹ và Nga chưa có được sự khởi đầu lại mối quan hệ song phương và chưa ai có thể dám chắc là rồi đây ông Biden và ông Putin khi nào sẽ gặp nhau. Nhưng điều cũng có thể thấy được ngay là hai bên tuy chưa khắc phục được mối bất hòa này, và rồi sẽ còn tiếp tục làm găng với nhau nhưng sẽ không để cho mối quan hệ song phương bị đổ vỡ và sẽ chú ý duy trì kênh liên lạc, đối thoại và thương thảo với nhau.
Cuộc gặp giữa ông Lavrov và ông Blinken vừa qua vì thế là bước tiến với ý nghĩa tích cực trong quan hệ giữa Nga và Mỹ. Những mối bất hòa này đè nặng xuống toàn bộ mối quan hệ song phương và hạn chế tác động tích cực của sự hợp tác mà hai bên vẫn có thể có được hiện tại. Chúng làm cho tiền đề hiên tại chưa đủ và bầu không khí chính trị hiện tại không thuận lợi cho việc ông Biden và ông Putin sớm gặp nhau.
Nhưng cũng chính cuộc gặp giữa ông Blinken và ông Lavrov cho thấy Mỹ và Nga rồi sẽ đi vào khuôn khổ đối thoại nhiều hơn và bớt xung khắc với nhau. Câu trả lời cho câu hỏi khi nào sẽ có cuộc gặp cấp cao tới giữa Mỹ và Nga phụ thuộc vào diễn biến tình hình đối nội ở hai bên nhiều hơn là vào việc giải quyết các mối bất hòa này trong thời gian tới.
Trong số những vấn đề cần được giải quyết ấy có những vấn đề rồi sẽ được hai bên giải quyết mà không cần đến ông Biden và ông Putin phải trực tiếp gặp nhau. Quan hệ giữa Mỹ và Nga xem ra nhiều khả năng sẽ được cải thiện nhanh chóng hơn mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc.