Sau khi đề Ngữ văn được công bố vào buổi sáng nay (2.7), nhiều ý kiến trái chiều của giáo viên, học sinh trên cả nước cho rằng, phần đọc hiểu của đề bài đã trích sai nội dung tác phẩm thơ "Tiếng Việt" của Lưu Quang Vũ.
Cụ thể, ở câu thơ "Ôi Tiếng Việt như bùn và như lụa", đáng ra phải là "Ôi Tiếng Việt như đất cày, như lụa" mới theo bản gốc. Hơn nữa, việc so sánh Tiếng Việt như "đất cày" thể hiện sự bình dị, màu mỡ và mộc mạc còn so sánh "như bùn" là điều bình thường.
Đề thi Ngữ văn kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016. |
Sau khi nhận được phản ánh trên báo chí, Ban Chỉ đạo thi THPT Quốc gia 2016 đã trả lời: Trích đoạn thơ trong bài thơ “Tiếng Việt” của Lưu Quang Vũ được Hội đồng ra đề thi trích dẫn từ bài thơ “Tiếng Việt” của nhà thơ Lưu Quang Vũ trong cuốn Thơ Việt Nam 1945 - 1985 (Ban tuyển chọn và chú giải: Nguyễn Đức Nam (chủ biên), Bằng Việt, Nguyễn Văn Long, Nguyên An, Nguyễn Quốc Túy); Nhà xuất bản Giáo dục - 1985 (sách được xuất bản trong thời gian nhà thơ Lưu Quang Vũ còn sống).
Nội dung trích dẫn:
“Ôi Tiếng Việt như bùn và như lụa
Óng tre ngà và mềm mại như tơ”.
(Nguyên bản dòng thứ 3 và 4 từ trên xuống trang 218, Sách đã dẫn)
Trong quá trình biên soạn đề thi, Hội đồng ra đề thi đã kiểm tra kỹ lưỡng, đảm bảo độ chính xác tuyệt đối của ngữ liệu được trích dẫn, đáp ứng yêu cầu của đề thi.
Trang bìa cuốn Thơ Việt Nam 1945- 1985 (Bộ GD&ĐT cung cấp). |
Trang 218 cuốn thơ Việt Nam 1945 - 1985 ( Bộ GD&ĐT cung cấp) |
Ban Chỉ đạo thi THPT Quốc gia 2016 khẳng định: "Đề thi đã kiểm tra kỹ lưỡng, đảm bảo độ chính xác tuyệt đối của ngữ liệu được trích dẫn"
Tối ngày 2/7, đại diện gia đình nhà thơ Lưu Quang Vũ cho biết, đoạn trích dẫn như trong đề thi Ngữ văn không sai vì nó có 2 dị bản, ban đầu là: “Ôi tiếng Việt như đất cày, như lụa”, nhưng về sau có tái bản “Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa”. Như vậy là không sai.