Dòng nước áp sát nhà cửa, ruộng vườn
Qua nhiều đợt tiếp xúc cử tri các cấp, bà con nhân dân hiện đang sinh sống tại các khu dân cư thuộc thôn 1, xã An Vinh; thôn Tmang-Ghen, xã An Trung; thị trấn An
Lão; thôn Thuận An và Thuận Hòa, xã An Tân nhiều lần đề nghị các cấp, các ngành từ Trung ương đến tỉnh, huyện quan tâm đầu tư kinh phí xây dựng hệ thống kè dọc sông An Lão - đoạn chảy qua địa bàn các địa phương này - để chống
sạt lở, xâm thực diện tích đất sản xuất nông nghiệp; tạo điều kiện cho người dân an tâm sinh sống, sản xuất. Tuy đã kiến nghị nhiều lần, nhưng hàng trăm hộ gia đình ở các địa phương này chưa được thỏa mong muốn, bởi cái khó nhất vẫn là chuyện kinh phí.
Những ngày đầu tháng 6/2016, chúng tôi tìm về thôn Thuận An và Thuận Hòa để tìm hiểu nỗi âu lo của bà con nơi đây trước nguy cơ đất canh tác bị “hà bá” nhấn chìm. Theo UBND xã An Tân, hiện có 80 hộ dân trên địa bàn 2 thôn đang sống trong vùng nguy hiểm khi bờ sông An Lão bị sạt lở. Bên cạnh đó, gần 10ha đất canh tác cũng đứng trước nguy cơ bị nước sông cuốn trôi nếu có lũ lớn.
Theo quan sát của chúng tôi, hiện nhiều đoạn bờ sông An Lão (đoạn qua thôn Thuận An) đã bị nước bào mòn, cuốn trôi vào sâu bên trong khoảng 30-40m. Ông Nguyễn Thành Lập trú đội 7, thôn Thuận An - một hộ dân có nhà ở sát bờ sông, kể lại: “Trước đây, trước mặt nhà tôi còn khu đất soi kéo dài hàng trăm mét được người dân sử dụng để trồng dâu, trồng mì. Nhưng qua thời gian, khu đất soi bị nước sông cuốn trôi nên cứ mất dần dần; còn nước sông thì áp sát vào tận móng nhà”.
Được biết, chừng 2 năm trở lại đây, nạn sạt lở bờ sông trở nên phức tạp và dữ dội hơn. Đất sản xuất nông nghiệp và đất vườn của nhiều hộ gia đình chỉ cách bờ sông chưa đầy 5m. Đặc biệt, mỗi khi có mưa lớn, nước chảy xiết, đất và cây cối dọc bên bờ sông thi nhau đổ xuống, cuốn theo dòng nước.
Huyện nghèo!
Ông Lê Phước Lưu - Chủ tịch UBND xã An Tân, cho biết: “Qua mỗi mùa mưa, nhiều diện tích đất nông nghiệp và hoa màu của người dân ở thôn Thuận An bị nước lũ cuốn đi. Hiện nay, khoảng cách từ bờ sông đến nhà dân có nơi chỉ còn chừng 4-5m. Nếu tình trạng này tiếp tục diễn ra, nguy cơ nhiều diện tích đất canh tác, kể cả khu dân cư ở đây sẽ bị “hà bá” nhấn chìm”.
Tương tự, tại các khu dân cư thuộc thôn 1, thôn Tmang-Ghen và thị trấn An Lão, thực trạng nước sông An Lão bào mòn, xâm thực đất sản xuất và hoa màu của người dân cũng không hề nhẹ. Được biết, xảy ra thực trạng này là bởi diễn biến thất thường của mưa, lũ trong những năm gần đây. Ngoài ra, nạn khai thác cát bừa bãi khiến lòng sông bị biến dạng, dòng chảy thay đổi, mỗi khi nước từ thượng nguồn đổ về lại xoáy sâu, xối thẳng vào chân bờ, gây sạt lở.
Một người dân ở thôn 1, xã An Vinh, lo lắng: “Nước sông ngày một lấn dần vào trong khu dân cư; cứ đà này không chỉ mất đất sản xuất mà nhà cửa, vườn tược cũng bị ảnh hưởng nặng”.
Theo ông Bùi Tiến Dũng - Phó Chủ tịch UBND huyện An Lão, thực trạng các khu dân cư ven bờ sông An Lão bị sạt lở xảy ra nhiều năm nay. Tuy nhiên, tình hình chưa đến mức đe dọa nghiêm trọng đến đời sống của người dân. Do khó khăn về nguồn kinh phí, nên địa phương phải phân bổ hợp lý và ưu tiên chú trọng đầu tư xây dựng kè chống sạt lở ở những địa điểm xung yếu nhất.
“Là huyện miền núi nên nếu chỉ trông vào nguồn lực của huyện để đầu tư xây dựng hệ thống kè chống sạt lở ở nhiều khu dân cư thì vô cùng khó khăn. Do vậy, địa phương rất mong các cấp, các ngành, nhất là ở Trung ương quan tâm đầu tư, hỗ trợ kinh phí để sớm xây dựng hệ thống kè chống sạt lở dọc sông An Lão; tạo điều kiện thuận lợi và đảm bảo an toàn cho bà con trong sinh hoạt, sản xuất; giúp bà con “an cư lạc nghiệp”, ông Dũng cho biết thêm.
Chỉ đủ tiền làm những đoạn xung yếu nhất
“Phó Chủ tịch UBND huyện An Lão Bùi Tiến Dũng cho hay, thực trạng các khu dân cư ven bờ sông An Lão bị sạt lở xảy ra nhiều năm nay. Tuy nhiên, tình hình chưa đến mức đe dọa nghiêm trọng đến đời sống của người dân. Do khó khăn về nguồn kinh phí, nên địa phương phải phân bổ hợp lý và ưu tiên chú trọng đầu tư xây dựng kè chống sạt lở ở những địa điểm xung yếu nhất”.