Biến tướng “tốt lễ dễ kêu” trong 'ngôi nhà Mẫu'

Những thanh đồng đang ngày càng trẻ hóa.
Những thanh đồng đang ngày càng trẻ hóa.
(PLO) - Bị “điều tiếng” suốt gần nửa thế kỷ, hầu đồng  đã có bước hồi sinh cực kỳ ngoạn mục khi trở thành Di sản văn hóa UNESCO. Nhưng, nửa kia của sự hồi sinh ấy lại là nỗi lo của giới nghiên cứu về những hệ lụy đi kèm với hình thức diễn xướng văn hóa - tâm linh này khi giới 'đồng đua, đồng đú" nghĩ rằng “tốt lễ dễ kêu”.

Hiện nay có một loại đồng bóng không phải do “căn số” và phát triển khá đông được gọi là “đồng đua, đồng đú” do những người nhiều tiền lắm của đua đòi thực hiện. Nhưng nếu giải thích một cách khoa học thì cũng là một hình thức giải tỏa những dồn nén tâm lý trong một xã hội nhiều căng thẳng và bon chen như hiện nay. Đó là khẳng định của GS.TS Ngô Đức Thịnh, Giám đốc trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Văn hóa tín ngưỡng Dân gian, Phó Chủ tịch Hội đồng Folklore châu Á. 

Xả stress hay buôn thần, bán thánh?

GS TS Ngô Đức Thịnh  cho rằng, nếu như ngày xưa, chỉ cần một cái khăn là có thể lên đồng, quà phát lộc chỉ vài quả táo tượng trưng... Nhưng ngày nay, mỗi giá đồng một bộ quần áo, mỗi ông đồng bà cốt mỗi lần lên đồng có hàng chục bộ trang phục cầu kì đẹp mắt và đắt đỏ.

Đến nỗi, có những nghiên cứu nước ngoài đã làm hẳn một nghiên cứu riêng về trang phục lên đồng. Và hiện nay thì cái gì cũng phải to, phải lớn, ngay như ngựa, voi làm bằng mã cũng phải đúng kích cỡ như thật, tiền phát lộc không còn là “bạc lẻ” gọi là tượng trưng nữa mà mệnh giá tiền phải lớn. Lễ vật phải nhiều… 

Tất cả chỉ vì họ nghĩ rằng “tốt lễ dễ kêu”. Đặc biệt là tầng lớp thương mại, còn làm biến tướng nghi lễ này khi không quan tâm tới Mẫu Địa mà chỉ quan tâm tới Mẫu Thượng ngàn và Mẫu Thoải vì quan niệm đây là những vị thần tài mang đến “tiền rừng bạc bể”... 

Thông thường, cứ hết mỗi giá đồng lại có một trận mưa lộc gồm tiền và bánh kẹo. Bình thường, nhà nào có điều kiện ở mức trung bình thì chỉ phát lộc tờ tiền mệnh giá 2.000, 5.000, 10.000, 20.000 cao nhất thì 50.000 đồng. Nhưng ở những buổi hầu lớn, đều “phát lộc” loại tiền mệnh giá 200.000 đồng trở lên.

Tiền vung ra làm ai cũng lóa mắt vì toàn thấy 100.000 đồng, thậm chí thỉnh thoảng hứng lên, cô lại vung tay ném xấp 500.000 đồng ra. Tiền trao tay cho những người bạn cùng đi hầu thì chỉ có loại 500.000 đồng. Nhận lộc từ cô ban, ai nấy đều sì sụp lễ tạ.

Hầu đồng, hầu thánh ngày càng bị biến tướng và lãng phí
Hầu đồng, hầu thánh ngày càng bị biến tướng và lãng phí

Đành rằng, quan niệm phát lộc đã tồn tại từ lâu trong nghi lễ hầu đồng. Đồng tiền trong lên đồng có “căn cỗi” của nó vì đi theo Mẫu là để nhận lộc. Đạo Mẫu bắt đầu từ thế kỷ XVII - XVIII. Khi buôn bán phát triển, nó trở thành tín ngưỡng nặng tính thị dân và thương dân.

Việc phát lộc là điều không thể thiếu. Chỉ có điều, nếu giữ ở một mức độ bình thường thì không có vấn đề gì. Vào dịp lễ tiết của mỗi bản hội, người đứng hầu đồng đứng ra tổ chức, các con nhang cũng góp chút lễ khoảng chừng 500.000 hoặc 1 triệu đồng. 

Người hầu đồng chỉ lấy một ít để phát lộc, phần còn trả lại cho các con nhang. Hoặc như trong việc mở phủ, một lần mở chỉ mất vài chục triệu đồng, thậm chí có người được giúp không mất đồng nào, tuỳ theo từng hoàn cảnh. Nhưng hiện nay, để mở phủ, mỗi người phải chi ít nhất hàng trăm triệu đồng. Đáng nhẽ ra số tiền là vừa phải nhưng có người lại lợi dụng chuyện đó để đòi hỏi tăng lên. Nguồn gốc của đồng tiền trong lễ hầu đồng là vậy.

Không chỉ ở Việt Nam mà ở Hàn Quốc, Nhật Bản, loại hình này cũng rất phổ biến. Trong cuộc sống hiện đại, con người chịu rất nhiều áp lực nên tạo ra một sự ức chế xã hội. Chính vì thế, với họ, lên đồng là một thứ để xả stress. Điều đó, tương tự như việc họ không nhảy disco thì họ lên đồng. Từ đó có những người thấy rằng, việc này có thể lợi dụng để kiếm tiền thì họ kiếm tiền, GS Ngô Đức Thịnh lý giải.

Ngày nay, rất nhiều cô là những người buôn bán. Một năm bao giờ cũng đi một đền nào đấy nhập vai vào các giá đồng, để được vui được ban phát lộc, nếu không đi cứ bứt rứt không yên. Từ bao lâu nay, với nhiều người, hầu bóng như là hình thức xả stress hiệu nghiệm. Các vị có căn có cốt phải theo cửa đền, mỗi năm đôi lần đi hầu, được nhập mình vào các giá quan, giá chầu, giá cô, giá cậu. Được nghe văn hát “nịnh” rồi được ngồi ban phát lộc, tự nhiên trở nên vui vẻ, thông thoáng, thấy như mình được giải thoát.

Ở góc độ văn hóa dân gian, lên đồng khiến những nhân vật huyền thoại như hoàng Ba, hoàng Bảy, hoàng Mười, ông tuần Tranh từng có công với đất nước với dân được người đời nhớ tới. Những cô Bơ Bông, cô Bé Tân An, cô Bé Bắc Lệ (cộng đồng Bắc Lệ - Hữu Lũng, Lạng Sơn), cô Bé thượng ngàn gần gũi như người thường quanh ta.

Trong tín ngưỡng hầu đồng, thánh giống như con người ngoài đời, ngoài công quả thì cũng đầy tật xấu, mà chẳng cần giấu diếm ai. Những người theo tín ngưỡng này thường có căn cốt tự nhiên. Không phải ai cũng theo hầu đồng được. Người có căn có cốt, nghe tiếng đàn, lời hát chầu là như bị thôi miên. Những người như thế gọi là có căn đồng bóng. 

Nhiều người phải đi vay nặng lãi để hầu đồng

Dân gian thường quan niệm, những người nhẹ vía, thì dễ bị đẩy đưa vào ngây ngất để từ đó khai mở ra trạng thái vô thức trong người. Trong hầu đồng, có đến 80% là những người nam là ái nam ái nữ. Thực tế, trong hầu đồng có những người như thế nhưng đó không phải là biểu hiện của sự suy đồi. Có thể, vì lý do này mà những người đồng tính, dù không có “căn cơ” cũng tham gia lên đồng. Vì họ nghĩ, họ có thể tìm thấy thế giới nữ tính của mình trong đó.

Bà Nguyễn Thị Thanh Loan, một trong những người tham gia trong diễn xướng chầu văn của Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn tín ngưỡng dân gian là người theo đạo mẫu hơn 20 năm, bà cũng là “đồng thầy” của hơn 200 thanh đồng trong “Hồng Đức Linh Điện” (do nhóm người theo đạo Mẫu thành lập).

Những người tìm đến với bà từ khắp nơi trên cả nước. Với bà, khả năng bà giúp được đến đâu thì giúp. Đôi khi bà “cứu” luôn bằng cách, tất cả những lễ vật bà đều lo cho hết mà không lấy một đồng tiền công nào. Bà chia sẻ rằng: “Có phải ai cũng có điều kiện để theo hầu thánh đâu! Như đạo phật, thánh, mẫu cũng là ở trong tâm. Nhiều khi thấy mọi người khổ, các thanh đồng trong hội đều góp sức vào giúp đỡ để họ được ra hầu đồng. Có điều kiện thì một mình một vấn, không thì vài người chung nhau một vấn hầu như thế là được. Còn thành tâm là ở mỗi người. 

Đại đức Thích Minh Thông, trụ trì chùa Hoàng Xá chia sẻ: Theo tôi, nhân tố tác động mạnh nhất đến hoạt động lên đồng đó chính là niềm tin của con người vào thần thánh và khả năng tiếp xúc giữa con người với thần linh.

Ngoài ra, những yếu tố mang tính kích thích tại buổi hầu đồng như tiếng trống, tiếng kèn, âm nhạc, lời ca và sự cuồng nhiệt của các con nhang cũng tạo nên trạng thái biến đổi ý thức của người hầu đồng. Một giá đồng thực sự, hoàn toàn là sinh hoạt văn hóa mang hình thức tâm linh chứ không mang màu sắc “dị đoan”. 

Song, đáng tiếc là khoảng hơn 10 năm trở lại đây, nét văn hóa này đang bị lạm dụng, biến đổi thành hình thức mê tín dị đoan, thậm chí là cuồng tín. Những người hầu đồng ngày nay thường mượn khẩu thần linh để phán xét, hù dọa, quở trách con nhang, đệ tử khiến họ lo sợ.

Nhiều người khi bị ốm đau, bệnh tật, làm ăn lụn bại thường đi xem bói và khi “thầy” bói phán rằng: Bị cô hành, “căn đồng số lính”, Mẫu hành, thánh trách phạt... phải đi lễ, phải trình đồng mở phủ, phải hầu đồng, thậm chí có “thầy” bói còn phán rằng, nếu đến ngày này, tháng kia mà không trình đồng mở phủ thì sẽ bị chết.

Hầu đồng, hầu thánh ngày càng bị biến tướng và lãng phí. Có không ít lễ hầu đồng chi số tiền lên đến nửa tỷ đồng. Còn trung bình một lễ hầu đồng tại các đền, chùa, phủ ngày nay khoảng 200 - 300 triệu đồng, lễ thấp nhất hiện nay cũng phải 70 triệu đồng. Nhiều người sẵn sàng bỏ ra 50 triệu, 70 triệu đồng mua hàng mã làm lễ, để đốt hầu thánh. Nhưng bảo họ bỏ ra 5.000, 10.000 đồng giúp người nghèo thì họ lại thấy tiếc.

Theo quan điểm Phật giáo, đã là thần thánh, đã là Mẫu thì không bao giờ hù dọa, quở mắng, trách phạt “người trần” mà chỉ ban phúc lành, che chở cho nhân gian. Và, hoạt động lên đồng chính thống không bao giờ mang màu sắc mê tín, dị đoan. Chắc chắn sẽ không có thánh thần nào nhập vào “người trần, mắt thịt” rồi phán phải làm cái này, cái kia thì mới thôi đày./.

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.