Mặc dù 19h lễ cầu siêu mới chính thức diễn ra, nhưng ngay từ đầu giờ chiều ngày 9/8, biển người đã đổ về Tổ Đình Phúc Khánh để dự lễ.
So với năm ngoái, năm nay lượng người đến chùa Phúc Khánh làm lễ đông hơn rất nhiều. Bắt đầu từ 15h chiều, khuôn viên trong chùa đã chật cứng, hàng trăm người ngồi đợi đến giờ làm lễ. Với quan niệm, càng ngồi gần ban Tam Bảo và các sư thầy bao nhiêu, nguyện vọng càng được viên thành bấy nhiêu, nên nhiều Phật tử sẵn sàng bỏ công việc đến chùa từ sớm để có một chỗ ngồi đẹp. Thậm chí, nhiều người còn mang ghế, chiếu "trực chiến" từ trưa, mang theo thức ăn để canh chỗ ngồi.
Bà Nguyễn Minh An (56 tuổi, Xuân La, Tây Hồ, Hà Nội) cho biết: “Năm ngoái vì đi muộn nên tôi phải ngồi ngoài đường làm lễ. Rút kinh nghiệm, năm nay từ 11h trưa tôi cùng với nhiều bạn bè đã sắm sửa lễ, đến chùa sớm để có một chỗ ngồi thuận tiện”. Vì nhà ở xa, nên bà An cũng mang thêm cơm nắm, muối vừng lót dạ trước giờ làm lễ.
Một số Phật tử cũng sắp xếp công việc đến chùa từ sớm vừa để làm lễ, vừa để được nghe giảng đạo làm con, được chỉ dạy những điều con người cần làm với đấng sinh thành và người có công. Cũng như nhiều chùa khác, năm nay, chùa Phúc Khánh nghiêm cấm mang lễ đồ mã. Vì thế, nhiều gia đình chỉ chuẩn bị các mâm lễ cúng đơn giản bao gồm tiền vàng, áo giấy và các loại hoa quả, muối, gạo để làm lễ cúng chúng sinh.
Một số người khác cầu kỳ hơn, còn mang thêm các con vật như cá, ốc, chim sẻ… để làm lễ phóng sinh nhằm cứu khổ, cứu nạn cho các sinh linh.
Càng đến giờ làm lễ dòng người đổ về chùa càng đông, khuôn viên chính trong chùa gần như đã chật kín người. Mặc dù đã được thông báo là hết chỗ ngồi, nhưng nhiều người vẫn sốt ruột, không ngừng chen lấn, xô đẩy với hi vọng có được một chỗ ngồi làm lễ trong chùa. Nhân viên bảo vệ đã phải rất vất vả để ổn định trật tự. Nhiều người không thể chen chân vào, đành phải ngồi ngoài đường, tràn cả lên cầu vượt Ngã Tư Sở. Nắm bắt được tình hình này, một lực lượng lớn an ninh được huy động đứng rải rác dọc theo con phố Tây Sơn đến Ngã Tư Sở để điều tiết và đảm bảo an toàn giao thông.
18h, biển người đổ về chùa mỗi lúc một đông, toàn bộ lòng đường ngã rẽ từ Tây Sơn sang đường Láng ùn tắc cục bộ. Người dân ngồi chật ních ở lòng đường, tràn cả lên thành cầu. Cả một đoạn đường dài hàng cây số ở phố Tây Sơn gần như bị đông cứng. Đặc biệt, nhiều người đi đường qua đoạn này cũng dừng xe lại để xem, rồi leo lên dải phân cách cầu khấn khiến cho tình trạng giao thông càng trở nên rối loạn.
Giống như mọi năm, đại lễ cầu siêu năm nay cũng là cơ hội “làm ăn” cho nhiều dịch vụ xung quanh quanh chùa. Nhiều quán trông xe với giá cắt cổ mọc lên nhan nhản. Trung bình một chiếc xe máy có giá trông giữ từ 15 – 25 nghìn đồng, ô tô có giá từ 80 cho đến cả trăm nghìn đồng. Càng đến sát giờ làm lễ, giá trông xe càng bị các chủ trông giữ đẩy lên cao. Điều đáng nói là lòng đường cũng bị biến thành các bãi trông xe di động.
Cảnh chèo kéo, tranh giành khách khiến cho quang cảnh quanh chùa trở nên bát nháo, lộn xộn. Cơ hội làm ăn một năm mới có một lần, nên nhiều cửa hàng quần áo, ăn uống cũng đóng cửa để trông giữ xe.
Ngoài ra, các dịch vụ cho thuê ghế cũng được dịp hốt bạc với giá thuê là 10 – 15 nghìn đồng/ 1 ghế nhỏ và 20 nghìn đồng/ một ghế to. Các chủ cửa hàng gần như phải luôn chân luôn tay mới đáp ứng được hết nhu cầu của mọi người. Dù phàn nàn về giá cả, nhưng nhiều người vẫn phải chấp nhận móc hầu bao để chi trả.
19h, lễ cầu siêu bắt đầu, người dân đã đứng nhiều vòng bao quanh đình. Tất cả đều im lặng, chắp tay cầu khẩn, hướng ánh mắt về phía Tổ Đình. Để thuận tiện cho các Phật tử nghe giảng đạo, cầu kinh, nhà Chùa cũng lắp thêm một vài chiếc loa phía bên ngoài.
Cả không gian lộn xộn dường như lắng lại, nhiều người đi đường cùng dừng lại, hướng ánh mắt thành kính vái vọng bày tỏ lòng thành tâm.Năm nay, việc xả rác bừa bãi sau đại lễ gần như không còn. Nhiều người dân cẩn thận, thu dọn rác xung quanh chỗ mình ngồi. Một số bạn trẻ cũng nán lại thu gom giấy báo và quét dọn để đảm bảo môi trường sạch đẹp.