Dự thảo quy định về thời điểm hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng đối với người lao động (NLĐ) điều trị nội trú, ngoại trú cụ thể: Thời điểm hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng đối với NLĐ điều trị nội trú được tính từ tháng NLĐ điều trị xong, ra viện.
Trường hợp NLĐ không điều trị nội trú thì thời điểm hưởng trợ cấp được tính từ tháng có kết luận của Hội đồng giám định y khoa.
Trường hợp bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà sau đó không xác định được thời điểm điều trị xong, ra viện (trong giấy ra viện còn có chỉ định hẹn khám lại; tháo bột; tháo nẹp; tháo vít) thì thời điểm hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng được tính từ tháng có kết luận của Hội đồng giám định y khoa”.
Mức trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với NLĐ được giám định lại mức suy giảm khả năng lao động sau khi thương tật, bệnh tật tái phát được quy định trong dự thảo gồm:
Đối với NLĐ đã hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp một lần và hàng tháng trước ngày 01/7/2016 được thực hiện theo quy định tại khoản 2, Điều 37 Nghị định số 37/2016/NĐ-CP.
Đối với NLĐ đã hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp một lần và hàng tháng từ ngày 01/7/2016 khi giám định lại mức suy giảm khả năng lao động được hưởng mức trợ cấp được tính theo mức lương cơ sở kể từ tháng có kết luận của Hội đồng giám định y khoa như sau:
Nếu mức suy giảm từ 30% trở xuống và thấp hơn hoặc bằng mức suy giảm hiện đã được hưởng chế độ trợ cấp một lần thì không được hưởng khoản trợ cấp mới; Trường hợp mức suy giảm cao hơn mức đã hưởng thì được hưởng thêm khoản chênh lệch so với mức trợ cấp một lần mới tương ứng với mức suy giảm khả năng lao động mới sau khi được giám định lại;
NLĐ đã hưởng chế độ trợ cấp một lần nếu kết quả giám định lại đủ điều kiện được hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng thì được hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng sau khi NLĐ nộp lại số tiền trợ cấp một lần đã nhận.
NLĐ đang hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng nếu kết quả giám định lại cao hơn hoặc thấp hơn mức suy giảm hiện đang hưởng chế độ thì được hưởng chế độ trợ cấp tương ứng với mức suy giảm mới.
NLĐ sau khi điều trị ổn định thương tật do tai nạn lao động hoặc bệnh tật do bệnh nghề nghiệp mà sức khoẻ còn yếu thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ. Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe trong một năm tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hàng tuần, ngày đi và về nếu nghỉ tại cơ sở tập trung. Số ngày nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ do người sử dụng lao động và Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở hoặc Ban Chấp hành Công đoàn lâm thời quyết định, cụ thể như sau:
Tối đa 10 ngày đối với NLĐ suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
Tối đa 7 ngày đối với NLĐ suy giảm khả năng lao động từ 31% đến 50% do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
Bằng 5 ngày đối với NLĐ suy giảm khả năng lao động từ 15% đến 30% do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe một ngày bằng 30% mức lương cơ sở bằng 25% mức lương tối thiểu chung nếu nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe tại gia đình; bằng 40% mức lương tối thiểu chung nếu nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe tại cơ sở tập trung, mức hưởng này tính cả tiền đi lại, tiền ăn và ở.