Hòm Giao ước là gì?
Theo Sách Xuất hành, trong 40 ngày ở trong những đám mây dày đặc trên Núi Sinai, Đức Chúa trời đã chỉ thị Moses làm một chiếc hòm bằng gỗ sitim để đựng những bảng đá. Theo Sách này, cũng chính Đức Chúa Trời đã chỉ cho Moses những vật dụng chứa bên trong chiếc hòm và mô hình những nhà thờ.
Hòm Giao ước sau đó đã được đích thân Moses chế tác theo đúng khuôn mẫu được chỉ cho. Chiếc hòm được cho là có chiều dài, chiều rộng và chiều cao lần lượt 131×79×79 cm. Toàn bộ phần thân được mạ vàng và được đặt trong một chiếc khuôn cũng bằng vàng. Sau đó, Moses đã gắn 4 chiếc khoen vào 4 góc của chiếc hòm, mỗi bên 2 chiếc, tạo thành nơi để luồn 2 chiếc gậy bằng gỗ sitim bọc vàng phục vụ cho việc khiêng hòm đi. Nắp hòm cũng bằng vàng nguyên khối, bên trên có tượng 2 thiên sứ được đặt đối diện, với phần cánh chạm vào nhau.
Những vật chứa trong chiếc hòm là vấn đề đã được tranh cãi trong nhiều thế kỷ. Đa số ý kiến cho rằng trong hòm có những bia đá khắc 10 điều răn của Chúa. Các thông tin khác lại khẳng định bên trong hòm còn có Kinh Thánh Hebrew, gậy và nồi manna của Aaron. Sau khi được chế tác xong, Hòm Giao ước được Đức Chúa Trời chỉ định phải đặt trong nơi Chí Thánh của Đền Tạm, tượng trưng cho sự hiện diện của Ngài.
Mô phỏng hình ảnh Hòm Giao ước. |
Chiếc hòm thần kỳ
Theo các ghi chép, Hòm Giao ước tượng trưng cho sự hiện diện của Đức Chúa Trời trên Trái Đất, vì thế nó là một biểu tượng tinh thần rất lớn đối với người Israel. Sự hiện diện của chiếc Hòm này chính là nguồn động lực, tiếp sức mạnh cho người Israel trong quá trình chinh phục những miền đất mới. Chính vì vậy nên nó đã được họ mang theo trong suốt những năm lang thang trên sa mạc. Mỗi khi dựng trại tại một khu vực nào đó, chiếc Hòm lại được đặt trong một căn phòng riêng rẽ ở một lều thiêng được gọi là Nhà Tạm theo đúng chỉ thị của Chúa Trời.
Khi người Israel do Joshua chỉ huy trong hành trình tới miền đất hứa đến bờ sông Jordan, Hòm Giao ước được đưa đi dẫn đường và là tín hiệu để những người ở phía sau nhìn vào đó mà bước tiếp. Trong suốt quá trình đoàn người vượt sông, khi bước chân của những mục sư khiêng Hòm Giao ước đi đến đâu, nước sông liền rút sạch, trơ lòng sông ra đến đó. Tương truyền, khi đoàn người đã qua hết sông và những mục sư khiêng hòm đã lên đến bờ, nước sông lại trở nên chan chứa như chưa có chuyện gì xảy ra. Để tưởng nhớ sự kiện này, 12 hòn đá được đưa từ Jordan tới nơi các mục sư đã đứng.
Trong Trận Jericho, Hòm Giao ước đã được mang quanh thành phố mỗi ngày một lần trong 7 ngày liên tiếp. Vào ngày thứ 7, có 7 mục sư mang theo 7 chiếc kèn thổi vang liên hồi trước khi Hòm Giao ước được đưa đi quanh thành phố trong vòng 7 lần. Điều kỳ diệu đã xảy ra khi vào đúng lúc chiếc Hòm được khiêng đủ 7 vòng, bức tường Jericho bỗng nhiên đổ sập xuống để người Israel đổ dồn vào khu vực này. Những câu chuyện truyền miệng về chiếc hòm thiêng nói rằng, người Israel tin tưởng vào chiếc hòm nhiều đến mức mỗi khi có ý định tiến hành cuộc chiến nào đó, họ đều tham khảo, cầu xin vận may từ nó.
Cũng theo các sách Kinh thánh, vì tính chất thiêng liêng của nó nên việc nhìn vào bên trong hay chạm tay vào Hòm Giao ước là điều bị cấm hoàn toàn. Ví dụ, theo sách, khi Nadav và Avihu (con trai của Aaron) mang một món đồ của nước ngoài tới tế lễ, họ liền bị đám cháy “từ Chúa Trời” nhấn chìm. Hay như trong quá trình Hòm Giao ước bị người Philistines chiếm giữ, nhiều người đã bị quyền lực siêu nhiên giết chết, trong đó có những người chỉ đơn giản là nhìn vào chiếc hòm. Tương tự, những mục sư phục vụ trong Nhà Tạm cũng có thể chết “bất đắc kỳ tử” nếu nhìn vào hòm vào thời điểm không thích hợp.
Lưu lạc
Vài năm sau đó, những người già ở Israel đã quyết định mang theo chiếc hòm để hỗ trợ họ trong cuộc chiến chống lại người Philistines. Tuy nhiên, trong trận chiến này, họ đã bị bại trận. 30.000 binh sĩ tử nạn còn chiếc Hòm rơi vào tay của người Philistines.
Người Philistines sau đó đưa chiếc Hòm tới một số nơi trên khắp nước họ nhưng chiếc Hòm được đưa đến đâu thì tai họa cũng ập đến đó. Sau 7 tháng giữ chiếc hòm, người Philistines đã nghe theo lời khuyên của những nhà tiên tri, trả lại chiếc hòm cho người Israel. Vào đầu triều đại của Vua David, chiếc Hòm được đưa từ Kirjath-jearim trước khi thực sự được đưa tới Jerusalem.
Khi Vua Solomon xây xong đền thờ ở Solomon, Hòm Giao ước được mang tới Lều tạm ở trong đền thờ. Khi đó, trong hòm được cho là vẫn có chứa những bia đá có ghi 10 điều răn của Chúa. Chiếc hòm sau đó được bảo quản tại đây trong những đời trị vì của các vua sau.
Năm 587 trước Công nguyên, người Babylon phá hủy Jerusalem và ngôi đền của Solomon. Trong sử sách không hề ghi chép lại những việc đã xảy đến với Hòm Giao ước. Sách của của người Hy Lạp cổ đại có nêu về việc người Babylon có thể đã đưa lấy đi những con tàu có hòm của Chúa nhưng không nói gì về Hòm Giao ước.
Trong văn học Rabbinic, vị trí cuối cùng của Hòm Giao ước được ghi chép lại rất khác nhau. Một số giả thuyết nói rằng chiếc hòm đã được đưa tới Babylon, trong khi những ý kiến khác lại nói rằng nó đã giấu ở một nơi nào đó bí mật. Lần cuối cùng Kinh Thánh đề cập đến Hòm Giao ước là trong thời vua Josiah. Sau đó, Kinh Thánh không còn nói đến chiếc hòm này nữa và cũng không ai biết chắc nó hiện nay ở đâu.
Hòm Giao ước đang ở đâu?
Kể từ khi Hòm Giao ước biến mất khỏi những câu chuyện trong Kinh Thánh, đã có vô số người nói rằng đã phát hiện hay đang giữ chiếc Hòm này. Trong đó, có ý kiến nói rằng chiếc Hòm này đã được chôn ở núi Nebo. Theo sách Maccabees được viết vào khoảng năm 100 trước Công nguyên, nhà tiên tri Jeremiah đã được Chúa Trời cảnh báo về trước khi người Babylon xâm chiếm nên đã đưa hòm Giao ước và một số món đồ quý khác đi chôn ở núi Nebo. Nhà tiên tri này được cho là đã thông báo với các tín đồ của mình về nơi chôn kho báu. Núi Nebo chính là nơi Moses xem là Miền Đất hứa, theo Kinh Thánh. Núi này ở cách Jerusalem khoảng 47km về phía Đông Nam, ở gần bờ Đông sông Jordan.
Giáo hội Chính thống Ethiopia cũng tuyên bố đang giữ Hòm Giao ước. Họ nói rằng chiếc hòm quý này hiện đang được bảo quản trong một kho báu ở gần Nhà thờ Đức Mẹ Mary. Những bản sao của chiếc hòm cũng được lưu trữ ở mỗi nhà thờ tại Ethiopia. Người Lemba ở Nam Phi và Zimbabwe cũng nói rằng tổ tiên của họ mới là những người đã có được Hòm Giao ước và đang giấu nó ở một hang núi sâu ở dãy Dumghe - mảnh đất thiêng của họ. Nhiều ý kiến khác quả quyết chiếc Hòm kỳ diệu này đã được đưa tới Pháp, Ả-rập Xê-út, Anh, Ireland, Hy Lạp... Cũng có giả thuyết cho rằng hòm Giao ước được cất giấu tại mái vòm của Tòa thánh Vatican ngày nay.
Cho đến nay, người ta vẫn chưa tìm được bất kỳ bằng chứng nào xác thực về sự biến mất của chiếc hòm. Chính vì vậy nên những câu chuyện xung quanh nó càng trở nên ly kỳ, bí hiểm hơn. Chiếc hòm cũng trở thành đề tài hoặc xuất hiện trong bộ phim nổi tiếng của Steven Spielberg “Indiana Jones và Chiếc rương thánh tích”.