Thiên tài mù chữ và khúc ca mang bi kịch
Thời gian gần đây, sự việc MV của nam ca sĩ Sơn Tùng bị đình chỉ đã gây ra nhiều luồng dư luận khác nhau. Tuy nhiên, có một điều không thể phủ nhận là các ca khúc sẽ có những ảnh hưởng lớn lao đến tâm lý con người, thậm chí gián tiếp gây ra nhiều vụ tự sát. Nhiều ca khúc như thế đã bị cấm trên toàn cầu. Gloomy Sunday được ghi nhận là bài ca gây nên nhiều vụ tự sát nhất thế giới.
Gloomy Sunday là ca khúc Hungary, tên nguyên tác tiếng Hungary là Szomorú vasárnap.
Như tựa đề của nó, bài hát được viết vào một ngày chủ nhật ảm đạm của tháng 12/1932 tại thủ đô Paris (Pháp). Tác giả bài hát, Seress Rezső thời điểm này chỉ là một nhà soạn nhạc vô danh. Người nghệ sĩ đã sáng tác nhiều ca khúc mà không được ai đón nhận. Ông suốt ngày nằm ủ rũ trong căn phòng nhỏ, sáng tác và nghiền ngẫm nỗi buồn.
Sự nghiệp không như ý, Seress Rezső còn gặp trắc trở trong tình yêu vì vị hôn thê của ông không ủng hộ ông theo đuổi con đường âm nhạc “vô tích sự”.
Sau nhiều cuộc cãi vã kịch liệt, đôi tình nhân chia tay nhau vào một ngày chủ nhật, Paris trong cơn mưa nặng hạt, không khí lạnh lẽo u ám như tâm trạng của chàng nhạc sĩ trẻ thất tình. Ngập chìm trong nỗi đau tình yêu, Seress Rezső thả hồn vào âm nhạc, trong tâm trí bất thần cất lên những giai điệu đầu tiên của Gloomy Sunday.
Chỉ sau ba mươi phút, ông đã hoàn thành bài hát. Seress Rezső rất tâm đắc với tác phẩm được cất ra từ trọn vẹn nỗi bi thương trong tình yêu của mình. Người ta kể lại, người nhạc sĩ không hề biết nhạc lý đã phải huýt sáo để nhờ một thanh niên thạo nhạc ghi lại với giá 5 đồng.
Sau đó, Seress Rezső đã gửi sáng tác tới nhiều nhà xuất bản âm nhạc nhưng không ai để mắt đến. Một lần nữa, nhạc sĩ trẻ lại thất vọng trước những cái lắc đầu từ chối phũ phàng.
Ba năm sau, tức năm 1935, một người bạn của Rezső là Javor đã viết lời và một người bạn khác là ca sĩ có chút danh tiếng Pál Kalmár thể hiện. Bài hát được ghi âm và phát đến công chúng. Trong một thời gian ngắn ngủi, ca khúc tưởng chừng rơi vào quên lãng bỗng nhiên nổi tiếng đình đám.
Chưa được bao lâu thì hàng loạt sự việc kỳ lạ liên quan đến ca khúc này xảy ra. Hàng trăm vụ tự sát diễn ra trong nhiều năm sau khi ca khúc này được phát hành rộng rãi.
Gloomy Sunday đã được dịch ra hơn 100 thứ tiếng trên thế giới và được nhiều đại danh ca biểu diễn.
Bài hát này xuất hiện ở Việt Nam từ đầu thập niên 50, qua lời Việt của nhạc sĩ Phạm Duy, mang tên Chủ nhật buồn, với những lời hát u sầu rung động trái tim: “Chủ nhật buồn, đi lê thê/ Cầm một vòng hoa đê mê/ Bước chân về với gian nhà/ Với trái tim cùng nặng nề...”
Otto Klemperer, nhạc trưởng lừng danh người Đức đã nói về Seress Rezső: “Không phải nhạc sĩ - chỉ là thiên tài”. Rezső không hề biết viết, biết đọc bản nhạc, ông cũng không biết hát theo nghĩa thực của từ này. Cách sáng tác của Rezső cũng đặc biệt: vừa huýt sáo, ông vừa ngẫm nghĩ và khi được giai điệu nào “hợp lý”, ông nhờ người ghi lại thành bản nhạc.
Chưa có một nghệ sĩ nổi tiếng nào sáng tác theo cách như thế. Thế mà, trong suốt cuộc đời sáng tác gần 40 năm, Seress Rezső đã sáng tác hơn 40 ca khúc. Sau này, các ca khúc đã trở thành những bài hát kinh điển của Hungary và được người yêu nhạc trên toàn thế giới ưa chuộng. Nhiều ca khúc trong số đó được đánh giá hay hơn cả Gloomy Sunday về chất lượng nghệ thuật. Nhưng không một sáng tác nào của ông có thể nổi tiếng bằng Gloomy Sunday bởi quá nhiều bi kịch gắn với bài hát.
Những cái chết bí ẩn
Có thể kể đến hàng trăm cái chết liên quan đến Gloomy Sunday. Đầu tiên là vụ tự sát của một người đàn ông sống tại thủ đô Budapest (Hungary). Sau khi yêu cầu ban nhạc ở một quán cafe đông đúc chơi bản Gloomy Sunday, anh ta đã dùng súng tự tử ngay trên đường về nhà, trong một chiếc taxi. Một tuần sau đó, tại thủ đô Berlin (Đức), một nữ nhân viên bán hàng được tìm thấy treo cổ bằng một sợi dây thừng trong căn hộ của cô. Cảnh sát điều tra vụ tự sát cho biết dưới chân cô gái là tờ nhạc Gloomy Sunday.
Sau một thời gian, một người đàn ông 82 tuổi nhảy từ cửa sổ của căn hộ tầng 7 sau khi chơi bài hát này bằng piano.
Trong số các vụ tự sát liên quan đến bài hát còn có các nạn nhân là thiếu niên. Một cô bé 14 tuổi nhảy xuống sông tự tử khi trong tay còn đang cầm một bản copy của Gloomy Sunday. Một cậu bé đang đi trên đường bỗng dừng lại, dốc sạch tiền trong túi ra cho người ăn xin chơi bản nhạc Gloomy Sunday rồi đi tới một cây cầu, nhảy xuống sông...
Trên khắp thế giới báo chí liên tục đưa tin về những vụ tự sát liên quan đến ca khúc. Thời gian sau đó, có tin đồn Gloomy Sunday là ca khúc bị ma ám hoặc vướng phải một “lời nguyền chết chóc” nào đó. Bài hát bị giới nghệ thuận tẩy chay vì sợ hãi, không một nhạc công hoặc ca sĩ nào dám trình diễn ca khúc nữa. Một số quốc gia bắt đầu ra lệnh cấm biểu diễn Gloomy Sunday.
Có đến 15 quốc gia đã đâm đơn kiện bản nhạc. Các luật sư cho rằng tác giả của “khúc ca ma ám” nên chịu trách nhiệm cho hàng loạt cái chết do tác phẩm của ông gây ra.
Vị bị cấm phát thanh chính thức, ca khúc càng nổi tiếng khắp thế giới, người ta truyền nhau các bản đĩa lậu trên thị trường chợ đen với sự tò mò và thưởng thức.
Chiến tranh thế giới II bùng nổ, dư luận dịu xuống. Cơ quan truyền thông Anh Quốc quyết định bỏ lệnh cấm bài hát vì nghĩ không còn vấn đề gì nữa. Nhưng một lần nữa, bài hát lại gây ra tai hoạ. Một phụ nữ khi đang nghe phiên bản hợp tấu của Gloomy Sunday qua đời, tiếp sau đó là hàng chục vụ án khác khiến nhiều quốc gia lại rục rịch cấm ca khúc trở lại. Kể từ đó, Gloomy Sunday thực sự gắn liền với cái tên “khúc ca tự sát” hàng đầu thế giới.
Không thể không nhắc đến tâm trạng của tác giả bài hát khi tác phẩm của mình lại tai tiếng và gây ra nhiều bi kịch đến thế. Nhiều lần ông bày tỏ sự đau đớn, cắn rứt.
"Tôi bị mắc kẹt trong sự thành công chết chóc này như một kẻ có tội. Tôi đã trút mọi nỗi niềm thất vọng, đổ vỡ của trái tim mình vào bài hát, và dường như những người khác, có cảm xúc giống tôi cũng tìm thấy sự đồng cảm trong đó", ông chia sẻ.
Số phận của Seress Rezső cũng gắn với bài hát một cách ly kì. Cuối Đệ nhị Thế chiến, vì gốc Do Thái, Seress Rezső bị bắt vào trại tập trung. Hôm ấy ông bị đưa đi xử tử, phải tự tay đào hố chôn chính mình dưới sự chỉ huy của tên sĩ quan phát xít. Trong những giây phút chuẩn bị đến với cái chết, viên sĩ quan phát hiện ra ông là tác giả của ca khúc Gloomy Sunday mà hắn ta yêu thích say đắm nên đã tha chết cho ông.
Thế nhưng, như một minh chứng của lời nguyền, chính Seress Rezső cũng không tránh khỏi bi kịch của số mạng. Tháng 1/1968, Seress Rezső biết mình lâm trọng bệnh, đã tự sát bằng cách nhảy từ cửa sổ căn hộ ông đang sống ở tầng 4 xuống đất.
Trước quá nhiều vụ tự sát đáng sợ liên quan đến ca khúc, giới khoa học cũng đã vào cuộc để nghiên cứu và có nhiều giả thiết được đưa ra. Giải thích cho bí ẩn này, nhiều nhà khoa học cho rằng vào thời điểm bản nhạc ra đời, Hoa Kỳ và châu Âu đang trong giai đoạn phát triển nền công nghiệp. Kinh tế - xã hội lâm vào thời kì khủng hoảng, suy thoái trầm trọng sau Chiến tranh thế giới thứ I, thất nghiệp gia tăng, rồi chết chóc, thương vong vương lại từ chiến tranh...
Tất cả đã tác động mạnh đến tâm lý người dân và đưa họ rơi vào trạng thái mất phương hướng, trầm cảm, bi quan về cuộc sống. Lúc này, chỉ cần một tác động nhỏ từ bên ngoài như âm nhạc, phim ảnh... có tính sầu thảm sẽ rất dễ đưa họ đến quyết định tiêu cực. Và bản nhạc dường như đã khơi dậy nỗi đau ẩn giấu trong tâm hồn họ, khiến họ đi đến quyết định cuối cùng.
Một giả thiết khác thi thoảng được nhắc đến, là ca khúc ra đời trong nỗi tuyệt vọng, và tình cờ, bên trong cấu trúc của giai điệu có chứa những âm thanh gây tác động đến một vùng não nào đó, kích hoạt lên những hồi tưởng, nỗi đau, khiến người nghe vốn tiêu cực sẽ bị khơi lên niềm tiêu cực, dẫn đến khả năng tự sát.
Chẳng biết đâu là lý do thực sự khiến hàng trăm vụ tự sát diễn ra liên quan đến bài hát. Gloomy Sunday đến nay vẫn luôn là một bí ẩn lớn lao, một tồn tại đặc biệt trong di sản âm nhạc thế giới.