Lý sáng – Trần tu – Nguyễn thịnh.
Theo sử sách còn lưu giữ, chùa Sùng Ân thuộc thôn Đông Cao, xã Đông Xuyên được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa quốc gia ngày 15/03/1974 về nghề kiến trúc điêu khắc. Đây cũng là ngôi chùa được xếp hạng Di tích Quốc gia sớm nhất của huyện Ninh Giang và là chốn Tổ của thiền phái trúc lâm vùng đất xứ Đông Hải Dương.
Chùa Sùng Ân có diện tích gần 5000 m2, quy mô chùa gồm một chùa chính được xây dựng kiểu chữ Đinh, động thờ Mẫu, nhà thờ Tổ. Chùa có từ thời Lý, bố cục kiểu nội công, ngoại quốc. Mái lợp bằng ngói mũ hài cổ kính. Trong chùa Sùng Ân trước đây các cụ theo Tam giáo đồng nguyên, nghĩa là có: Phật giáo, nho giáo, khổng giáo thờ phật, thờ thành và thờ thần.
Chùa thờ Phật và thờ Huyền Quang đại sư thuộc phái Trúc Lâm thời Trần. Ông là người có công đánh giặc ngoại xâm, khai hoang lập ấp, đặt tên cho làng và dạy nhân dân trồng lúa để mưu sinh. Sau khi ông qua đời, để ghi nhớ công lao của ông đối với dân, với nước, nhân dân dịa phương đã đóng góp tiền của để xây chùa thờ ông và suy tôn ông là Thành hoàng làng.
Giải thích về câu nói “Lý sáng – Trần tu – Nguyễn thịnh”, thầy Thích Thanh Hải – Trụ trì của chùa Sùng Ân giải thích: “Chùa được sáng lập từ thời Lý, đến thời Trần các sư đến chùa tu hành và tu bổ chùa chiền, Nguyễn thịnh nghĩa là thời đấy các sư đến tu hành để giảng kinh thuyết pháp, đây là thời kì hưng thịnh vì các sư tu hành đến với chùa rất đông để thuyết pháp độ linh”.
Ra đời từ xa xưa, trải qua nhiều biến cố thăng trầm, gắn bó chặt chẽ với đời sống tâm linh tín ngưỡng của người dân bởi vậy chùa Sùng Ân đã đi sâu vào tiềm thức người dân cùng những câu chuyện về sự huyền bí và linh thiêng của những bức tượng có trong chùa.
Nhiều bức tượng quý và huyền bí |
“Thần không rời chùa đi đâu hết cả!”
Cụ Trần Thị Lánh- 85 tuổi, Hội Trưởng Hội Phật giáo thôn Đông Cao, người đã gắn bó với việc trông coi chùa đã 14, 15 năm. Với bà được sống trong ở chùa, ngày ngày vãn cảnh chùa, chăm sóc vườn, quét dọn chùa là niềm vui của tuổi già. Bà xem chùa như ngôi nhà thứ 2 của mình vậy.
Khi chúng tôi tò mò muốn được nghe những câu chuyện kì bí của chùa, bà kể về lần cán bộ Bảo tàng tỉnh Hải Dương về mượn hai Hai ông Hộ pháp để mang tổ chức triển lãm. Thế nhưng khi khiêng được lên xe thì xe đột nhiên mãi không nổ được máy, khi người lái xe đang loay hoay không biết làm sao thì xe lại tiếp tục bị xì hơi.
Lúc bấy giờ người lái xe cũng vô cùng hoảng sợ và hoang mang không dám vận chuyển nữa. Từ đó đến giờ, hai ông Hộ pháp vẫn đứng đấy ở vị trí canh giữ chùa. Mặc dù màu thời gian phủ trên toàn bộ nước sơn của tượng nhưng bà Lánh kể rằng mỗi người đến cầu an chùa khi nhìn vào mắt ông dường như đều cảm nhận đôi mắt ấy sáng rực lên.
Thêm một điều đặc biệt ở chùa Sùng Ân nữa là ở ngay trong gian thờ chính của chùa có một cái giếng nhỏ. Theo thầy Thích Thanh Quả, ngày xưa mọi người truyền tai nhau rằng nếu như thả một quả bưởi ở giếng thì ít lâu sau quả bưởi đấy sẽ trôi ra sông phía con sông ngay sau chùa – Mọi người gọi đấy là Long mạch. Long mạch đấy là ý niệm của người xưa mong muốn con cháu nơi đây luôn được sống suôn sẻ, nhờ long mạch mà phát vương, phát tài, đắc lộc.
Hay câu chuyện về 3 năm trước có đoàn học sinh cấp về vãn cảnh chùa, có em học sinh bẻ một cành cây của chùa. Gốc cây ấy theo bà Lánh đã tồn tại hàng nghìn năm nay. Mấy hôm sau, em học sinh cũng không điều khiển được các ngón tay theo ý mình. Gia đình em phải xuống chùa làm lễ cầu sau đấy thì tay mới trở lại trạng thái bình thường.
Hay như câu chuyện về những người bị mất ở thôn đều phải lên báo với các vị ở chùa, làm lễ ở chùa thì về liệm ở nhà mới suôn sẻ, thuận lợi. Rồi thêm lời truyền tai nhau về những kẻ ngày xưa đến chùa ăn cắp tượng đi bán thì về sau đều gặp chuyện chẳng thành, kết cục chẳng mấy tốt đẹp.
Dù tin hay không nhưng chắc chắn những câu chuyện ấy là một phần không thể thiếu của đời sống tâm linh người Việt nói chung và của người thôn Đông Cao. Và vì trân trọng, tôn kính chùa bao nhiêu thì những người con nơi đây càng trăn trở về những vấn đề khó khăn của chùa bấy nhiều. Thời gian đang làm cho kiến trúc chùa bị mai một.
Sự khẩn thiết trong bảo tồn và tu bổ di tích quốc gia – Chùa Sùng Ân |
Cần chung tay bảo tồn
Do bị ảnh hưởng chiến tranh và thời gian, cuối năm 2002 một gian chùa chính bị sập mái đúng vị trí thờ của Tam tổ Huyền Quang. Các mảng chạm khắc hoa văn ở gian giữa nhà đại bái bị bong tróc, rơi rụng, mái chùa ngoài bị võng, ngói vỡ, dột, cửa chùa ngoài mục xuống cấp.
Đặc biệt tại nhà thờ Tổ bị sập một gian ảnh hưởng đến hệ thống tượng phật, hệ thống mái ngói, xà đã bị võng mặc dù đã có sự tu sửa nhưng chỉ ở mức tạm thời và nơi ấy có thể có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào. Mỗi khi trời mưa, toàn bộ gian nhà bị dột và nước chảy ngấm xuống tường.
Theo lời bà Lánh, cứ mưa là bà lại phải đứng trong nhà tạt nước ra ngoài. Vất vả không nói, nhưng sự khắc nghiệt này nếu kéo dài mãi theo thời gian sẽ ảnh hưởng đến sự kiên cố của chùa. Bên cạnh đó, một số bức tường, hoành xà, hậu cung bị nứt, mối mọt, mục ruỗng, gẫy và hệ thống máng nước đã bị long lở.
Ông Đỗ Văn Duy (Trưởng Thôn Đông Cao ) chia sẻ: “Mỗi năm số tiền công đức của chùa quá ít để có thể tu sửa chùa cho tử tế được. Ai cũng muốn có thể sớm tu sửa lại chùa những nhưng kinh phí vẫn đang là bài toán khó đối với chúng tôi”.
Vấn đề trung tu chùa một cách bài bản, toàn diện ngoài vấn đề càng sớm càng tốt thì vấn đề hỗ trợ tài chính cũng là một điều hết sức cần thiết. Và cần nhiều hơn sự chung tay góp sức bởi ai cũng hiểu chùa phải vững thì lòng dân mới yên, chùa phải an thì mới cầu cho dân quốc thái dân an được…
Rời chùa khi thời gian đã bước vào cuối chiều, những lời kể về chùa, mùi của nén tâm hương dâng lên cửa phật và cả những trăn trở để tu bổ chùa vẫn vương vấn lòng người day dứt mãi khôn nguôi.