Những giống gà chọi mã hay đá giỏi, “làm mưa, làm gió” một thuở ở những sới gà đầu xuân vẫn âm thầm được các kê sư Thổ Hà gìn giữ như thói quen khó bỏ.
Hun hút Thổ Hà
Ở bất cứ đâu trong làng Thổ Hà, dấu tích của nghề gốm vẫn còn hiện hữu, đặc biệt là trên những công trình xây bằng phế liệu gốm hay tiểu sành. Chẳng thế mà khi phiêu lãng trên vùng đất này, không ít người vì luyến tiếc mà cứ ngẩn ngơ, cố ghi lại đôi chút hình ảnh còn vương vấn: “Làng gốm cữ này đang độ lửa/Khói cỏ de thơm khắp cả làng/ Thuyền đinh khoang nặng đang rời bến/ Thanh Nghệ xuôi vào, Tuyên Thái sang” (thơ Vũ Quần Phương).
Ghé thăm làng cổ đã nhiều lần, tôi còn nhớ lần đầu tiên bước qua chiếc cổng làng óng màu thời gian là bức đại tự: “Thổ chi tân”, một minh chứng cho không gian đậm đặc văn hóa cổ. Phong cảnh Thổ Hà hôm nay so với 10 năm trước dường như không thay đổi là bao, có chăng chỉ là xuất hiện thêm nhiều xe cộ và dân cư đông đúc hơn.
Các con đường xương cá ở đây sâu hun hút, nhỏ hẹp, có khi chỉ đủ cho hai người đi bộ tránh nhau. Thổ Hà như nhộn nhịp hơn vào buổi sớm. Dưới ánh nắng hanh hao của ngày cuối đông, người dân tất bật cùng nhau phơi những mẻ bánh đa nem đợi Tết. Làng nhỏ nên mọi chỗ đều được tận dụng để phơi bánh, từ các các lối nhỏ ra vào, trên nóc nhà, bờ sông, cành cây, sân đình...
Nghe các cao niên làng kể, Thổ Hà trước nay không có ruộng, chỉ có đất thổ cư với diện tích 20ha, dân số gần 4 nghìn người. Với điều kiện tự nhiên, xã hội như thế nên ngay từ thuở lập làng, người dân đã chọn cho mình nghề gốm - một nghiệp thích hợp để khai thác được nhiều lợi thế. Nghề ở đây tinh xảo và đặc biệt đến độ, cùng với Phù Lãng (Quế Võ, Bắc Ninh) và Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội), Thổ Hà từng là một trong 3 trung tâm gốm sứ cổ xưa nhất của người Việt.
Nghề gốm sứ ở Thổ Hà phát triển rực rỡ từ thế kỷ XIV và từng nổi danh khắp cả nước với các mặt hàng gốm gia dụng. Trong tấm bia ở đình Thổ Hà, khắc năm Chính Hòa thứ 14 có đoạn viết: “Bạn công thương chứa hàng tại chợ chất thành gò đống, hàng hóa luôn luôn lưu thông, nhân dân nhà nào cũng có lò nung gốm, mùa thu năm nào cũng mở hội tưng bừng”. Các chuyên gia nhận định rằng, gốm Thổ Hà mang những nét đặc trưng hiếm có như: Độ sành cao, không thấm nước, màu men nâu đỏ mịn màng, ấm áp và gần gũi.
Gốm Thổ Hà có độ bền vĩnh cửu dù có chôn dưới đất hay ngâm trong nước lâu ngày. Bền, đẹp và đặc biệt là vậy nhưng đáng tiếc, hiện nay làng gốm cổ Thổ Hà đã không còn duy trì được sự phồn thịnh như trước. Ông Trịnh Đắc Hạ (65 tuổi), Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi của thôn tiếc nuối: “Xưa kia, cha ông chúng tôi có nghề gốm rất hưng thịnh, theo thời gian, nghề này dần tàn lụi, bà con phải chuyển sang làm bánh đa nem, bánh đa nướng, mỳ gạo, buôn bán nhỏ và nuôi lợn”.
Kỳ thú quanh chuyện chơi gà
Có thể khẳng định một điều, nếu loại trừ các yếu tố cờ bạc ra khỏi thú chơi chọi gà thì đây là môn nghệ thuật phổ biến và được ưa chuộng ở hầu khắp các vùng miền trong cả nước. Dĩ nhiên, ở mỗi vùng thú chơi này lại có nét riêng đặc biệt. Thổ Hà cũng vậy. Nhiều người cho rằng, do nằm ở vị trí đắc địa, thế đất long chầu, hổ phục vốn là điểm giao thương đông đúc, trên bến, dưới thuyền ngày xưa nên nơi đây sản sinh ra nhiều “kỳ kê” được dân chơi gà ở khắp nơi tìm mua cho bằng được.
Trong vô số những chuyện phiếm đàm bên chén trà của người Thổ Hà hiện vẫn nhắc đến truyền kỳ về một chiến kê bách chiến bách thắng mà nay hiếm nơi đâu tái hiện được. Nghe kể, trong thập kỷ 60 của thế kỷ XX, Thổ Hà có một con gà mây “làm mưa, làm gió” khắp 3 miền. Sự nổi danh chiến đâu thắng đó của nó còn lan sang cả Lào, Campuchia. “Con gà này được mệnh danh là quỷ kê, bách chiến, bách thắng. Bởi nó chỉ có thắng, chỉ 2 hồ là nó hạ gục được đối thủ. Đầu, chân,vai, mào nó xù xì như quỷ, mình cứng như thép. Với những cú đá hầu dọc nguy hiểm xé toác hầu gà Thái Lan sang thách đấu năm 1964, hạ gục sau một đêm ròng rã chiến đấu không nghỉ” – Một kê sư Thổ Hà hồi tưởng.
Niềm đam mê nuôi và chơi gà chọi đã ngấm vào máu từng người dân Thổ Hà. Minh chứng dễ thấy nhất là nơi đây có khoảng 800 nóc nhà thì một nửa trong số ấy có thú nuôi gà chọi. Cũng dễ hiểu vì sao trong bất kỳ ngõ nào của làng cũng có người nuôi gà. Gà Thổ Hà được ca ngợi như một “dũng tướng” uy nghi, bách chiến, bách thắng với vẻ đẹp hình thể tuyệt mỹ: Mình công, mào cốc, cánh vỏ chai/ Đùi dài, quản ngắn chẳng sợ ai. Những miếng đánh của gà chiến Thổ Hà danh chấn đến nay phải kể tới đá hầu dọc, có thể giết chết đối thủ chỉ sau vài miếng. Sau đó mới đến đá kiềng (đá vào hai đầu cánh gà), rồi đá me (đá vào hai mang tai), đánh dọc (đánh thẳng vào đầu gà)...
Theo những người chơi gà “có nghề” thì để tạo được một “dũng tướng”, việc then chốt là phải biết chọn dòng. Gà mẹ phải được xuất thân từ dòng gà bền bỉ, có sức chịu đòn tốt, gan dạ và nhất là không có thói xấu “trả độ”. Còn gà bố phải thuộc dòng có chân đá hiểm hóc, nhiều đòn thế hay.
Việc chọn lựa, lọc lõi để tìm ra một chú gà có tiềm chất cũng hết sức gian nan. Anh Nguyễn Đức Quy, người nuôi gà có tiếng ở làng cho biết, trong một bầy gà vừa nở, người ta sẽ chọn con gà tách bầy đi bắt sâu kiếm ăn một mình, hoặc đêm về không “rúc vào nách mẹ” ngủ mà lại nằm ngủ đối mặt với mẹ (gọi là gà chầu mỏ). Còn nếu chọn gà không do mình tự “đúc” thì dựa trên những tiêu chuẩn căn bản như: cựa nhật nguyệt (cựa đen, cựa trắng), gà lưỡng nhãn (2 con mắt khác màu), gà có bớt trong lưỡi hoặc gà tử mị (tối nằm ngủ sải chân, sải cánh, duỗi cổ như chết).
Ngoài ra, những con gà được xem là “linh kê” chỉ khi chúng có những biểu hiện “lập dị” như: chúm chân bước từng bước đi như lính đi diễu hành, mặt cứ lắc qua lắc lại liên tục, hoặc mỗi buổi sáng sau khi được phun nước cứ đi vòng quanh lồng (gọi là gà né lồng). Thế nên, dân chơi gà mới đúc kết những đặc điểm trên bằng mấy câu: “Nhất thời chân chúm bỏ ra, nhì thời lắc mặt thứ ba né lồng”.
Nhắc đến thú chơi gà, có không ít người ví von đây là “nghề làm chơi ăn thật”. Ngẫm lại, sự ví von này hẳn cũng có cơ sở bởi ở Thổ Hà nhiều người đã bán được gà với giá 45 triệu đồng/con, còn loại từ 15 tới 20 triệu đồng thì chẳng phải là chuyện hiếm. Để duy trì những nét đẹp của nghề chơi này, hàng năm hội làng Thổ Hà mở vào ngày 21, 22 tháng Giêng cũng có các sới chọi để tạo điều kiện cho các chú gà chiến tung hoành, cọ xát. Các cuộc chọi gà vẫn giữ được ý nghĩa truyền thống, giúp người dân giải trí sau những giờ lao động mệt mỏi.