Anh Lê Văn Tình, cư dân đảo Lý Sơn cho biết, vào mùa nước cạn chính là thời điểm du khách đi du lịch đông nhất. Mỗi sớm, ngư dân trên đảo thường mặc đồ lặn, lặn xuống đáy biển gần bờ bắt ốc xà cừ, hải sản dễ đánh bán cho khách du lịch. Ngư dân thường lặn xung quanh đảo, không cách xa đảo quá 2 hải lý.
Để làm công việc này, ngư dân chỉ cần đầu tư khoảng từ 10 – 20 triệu để đóng tàu cá công suất nhỏ, mua đồ lặn, máy nén khí, hệ thống dây hơi, lặn xuống độ sâu khoảng 10m để bắt ốc xà cừ, các loại thủy, hải sản. Công việc đem lại thu nhập “khủng” cho người dân nhưng đây chỉ là công việc mùa vụ, tức là chỉ vào 2 tháng hè khi khách du lịch đến đông.
Gần 20 năm hành nghề lặn, bắt ốc xà cừ, ông Võ Văn Lý, người dân thôn Đông, (An Vĩnh, Lý Sơn) cho biết, hàng ngày ông lặn dưới biển trên 8 giờ để bắt ốc và thu gom thủy, hải sản. Mỗi ngày ông bắt được vài cân hải sản các loại và hàng chục cân ốc xà cừ đem bán. Mùa nước cạn, dễ lặn sâu, ốc tìm vào bờ nhiều nên thợ lặn dễ dàng hơn trong việc bắt ốc, cá, cua …
Thành phẩm của ông Lý và những thợ lặn khác thường được bán ngay tại cảng hoặc đem ra chợ lớn bán cho ngư dân, khách du lịch. Ông Lý đảm nhiệm việc lặn, bắt sản phẩm sau đó đưa lên cảng để vợ ông (bà Lê Thị Hoa) bán cho khách. “Mùa du lịch, lượng thành phẩm thường bán với giá gấp đôi ngày thường nhưng vẫn không có hàng để bán. Có hôm, vừa đưa lên bờ, khách đã xúm lại mua, chưa đầy nửa giờ đồng hồ đã hết vài chục cân ốc, cua” – ông Lý chi sẻ.
Lặn xuống biển bắt ốc xà cừ. |
Ốc xà cừ là một trong những món đặc sản không chỉ của Lý Sơn mà còn của cả miền Trung. Mỗi ngày ở đảo Lý Sơn, người mới vào nghề ít nhất cũng bắt được 30kg, người có thâm niên có thể bắt được từ 40 – 50kg mỗi ngày. Mỗi cân ốc xà cừ chưa qua sơ chế có giá 20.000 – 30.000 đồng, loại ốc đã đập vỏ có giá từ 120.000 – 150.000 đồng. Bên cạnh mò bắt ốc xà cừ, người dân còn bắt một số loại bạch tuộc, cua huỳnh đế, những thủy, hải sản có giá trị kinh tế cao, cho thu nhập cao đến vài triệu đồng mỗi ngày.
Với những người trực tiếp đi lặn, bắt ốc bán khoản lời sẽ lên đến cả triệu đồng mỗi chuyến. Với mỗi lao động nhận nhặt, phân loại ốc thành loại to, nhỏ hay đập vỏ ốc cũng có thu nhập từ 200.000 đồng – 300.000 đồng mỗi ngày.
Việc phát triển nghề lặn bắt ốc vừa giúp ngư dân phát triển kinh tế bám biển, vừa đảm bảo tăng thu nhập cho các hộ gia đình trong mùa du lịch. Hiện chính quyền huyện đảo Lý Sơn đã có kế hoạch mời chuyên gia về tập huấn kỹ năng lặn biển an toàn, đồng thời tuyên truyền đến người dân không nên khai thác ồ ạt, dẫn đến cạn kiệt nguồn lợi thủy, hải sản xung quanh, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống kinh tế hàng ngày của người dân ở huyện đảo.