Mới sáng sớm nhưng chị Nhung, một lao công tại đường Ngọc Lâm, Long Biên đã thu gom được gần hai chục gốc đào và quất, để đầy chân cầu Long Biên. Chị Nhung cho biết: “Từ đêm qua tới sáng nay, vừa đi quét rác, tôi vừa xin hoặc mua lại giá rẻ các cây đào, quất. Tầm 7h là lại có người từ các vườn đào Nhật Tân đánh xe qua mua lại.
Tôi làm ca đêm nên thu được ít chứ mấy chị làm ca ngày, có hôm còn gom được gần trăm gốc đào. Chúng tôi không phân loại gốc bé, gốc to. Cứ tính theo gốc mà lấy tiền, trung bình đào có giá 50 nghìn đồng/gốc, quất là 30 nghìn đồng/gốc. Đây, ví dụ như chỗ này (chỉ tay vào những gốc đào chị vừa thu gom được đêm qua), nếu trừ cả những cây tôi bỏ tiền ra mua lại thì chắc được gần 1 triệu”.
Nhìn qua những gốc quất, đào chị Nhung gom được, đa phần đều là những gốc nhỏ, không có thế hoặc được uốn rất đơn giản. Tuy nhiên, chị vẫn rất vui mừng, nói: “Mình đi xin là chủ yếu nên chỉ có thế, chứ những cây đẹp, người ta bán lại đến hàng trăm ngàn, triệu đồng/gốc cơ. Mỗi vụ Tết qua chỉ mong những ngày này để kiếm thêm thu nhập, đơn giản mà lại có tiền ngay”.
Dọc các tuyến phố nội, ngoại thành, từ mùng 5 Tết trở ra, những chậu quất, đào để đầy vỉa hè. “Do nhà chật, lại nhiều xe nên xong mấy ngày Tết là tôi phải để đào ra ngoài cho mấy cô lao công dọn đi, chứ không thì toàn phải gửi xe nơi khác rồi đi bộ về nhà. Năm nào mua những gốc quất, đào đẹp tôi mới bán lại, đa số là chỉ để chơi 3 ngày Tết, xong thì cho đi.” – bác Đại (Phúc La – Hà Đông) cho biết.
Không chỉ các anh, chị lao công mà ngay cả những sinh viên còn đang theo học cũng nhanh chân “bắt sóng” được công việc này. Một cậu sinh viên đang buộc dây cho cây quất đằng sau xe đạp, cười nói: “Em là Thắng, đang học tại Đại học Hà Nội. Em và em trai xuống Hà Nội từ mùng 4 Tết. Ngay chiều mùng 4 đến nay chúng em đã đi thu mua lại các gốc đào, quất rồi chở đi bán cho các chủ vườn. Sáng sớm nào chúng em cũng đạp xe dọc ngang các ngõ ngách tại các quận Thanh Xuân, Hà Đông để xin hoặc mua lại gốc đào, 9h tối mới về đến phòng trọ”.
Chịu khó là có tiền triệu
Phải thừa nhận là mấy ngày này, chỉ cần chăm chỉ thu mua đào, quất là có tiền đầy túi ngay. Do có hạn nên ai ai cũng hối hả đi mua, đi gom gốc đào. Có nhà chỉ cần chơi xong 3 ngày Tết là đem quất, đào ra vỉa hè để. Có nhà phải chờ qua rằm mới cho đi. Nhiều gia đình có đất thừa, họ không vất đi mà mang ra trồng, sang năm cho hoa nở.
Như chị Nhung chia sẻ, chị vừa đi làm ca đêm vừa tiện thể gom đào, quất mà mỗi ca cũng được gần một triệu đồng. Những người đi làm ca ngày thu được nhiều hơn, chắc chắn tiền cũng nhiều hơn.
Thắng đi thu gom quất, đào bằng xe đạp, thế nhưng hai anh em không ngày nào thu dưới 30 gốc đào, quất. Không như chị Nhung, Thắng phân loại gốc quất, đào riêng, gốc to thế đẹp bán riêng, các gốc lộ cộ, nhỏ bán riêng.
Thắng chia sẻ: “Những gốc đào đẹp bán cho chủ vườn là 100 nghìn đồng/gốc quất là 70 nghìn đồng. Còn lại trung bình là 40 – 60 nghìn đồng/gốc. Ngày nắng bù ngày mưa, trừ tiền vốn bỏ ra mua những gốc đào, quất đẹp thì được lãi gần 2 triệu/ngày. Năm nào cũng bắt đầu đi thu gom từ mùng 4 Tết đến qua rằm. Số tiền làm ra ngoài trang trải học phí, cuộc sống, em còn gửi được về cho bố mẹ một ít”.
Các chủ vườn đào, quất cũng không ngại ngần chi tiền ra thu mua lại những gốc quất, đào bởi giá mỗi gốc chỉ dao động từ 40 – 100 nghìn đồng, nhưng chịu khó chăm sóc, tỉa tót qua một năm lại bán ra gấp 5 - 10 lần tiền vốn.
Ngoài những người đi thu gom quất, đào thu tiền triệu mỗi ngày, thời điểm này, những bác xe ôm, xe ba bánh, xe tải nhỏ… cũng được các chủ vườn “chuộng”, thuê để chở quất, đào về vườn. Nhiều người nhờ đó cũng kiếm được việc làm thời vụ tốt như trồng quất đào, tỉa quả, tỉa cành, tỉa lá, tạo dáng… Không khí tại các vườn quất, đào lớn như Nhật Tân, Tứ Liên, Tây Tựu… giờ đây cũng nhộn nhịp chẳng khác nào những ngày giáp Tết.
Tết đã qua nhưng quất, đào vẫn có giá. Điều này đã tạo cơ hội để nhiều người có thêm những khoản thu nhập tốt, dù chỉ trong một khoảng thời gian ngắn nhưng cũng khiến người lao động cảm thấy vui mừng.