Có thể thấy, những năm gần đây, liên tục xảy ra những vụ việc, vụ án liên quan đến hành vi giả danh, giả mạo cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng công an. Vậy vì sao ngày càng nhiều đối tượng giả danh công an để hoạt động phạm pháp?
Lật tẩy bộ mặt gã tướng công an giả
Ngày 19/10, Đại tá Phùng Tất Thành - Trưởng Công an TP Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) cho biết, đơn vị này vừa tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 4 tháng đối với Nguyễn Văn Hòa (60 tuổi, ngụ TP Hải Phòng) để điều tra về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Trước đó, Công an TP Bảo Lộc tiếp nhận thông tin về một người có thẻ ngành công an mang tên Nguyễn Văn Gấm (tên thật của Nguyễn Văn Hòa) cùng với 2 đồng bọn đang thực hiện một vụ lừa đảo chiếm đoạt tại TP Bảo Lộc. Nạn nhân là ông Nguyễn Viết Liêm (ngụ TP Bảo Lộc).
Theo đó, nắm được thông tin ông Liêm đang có nhu cầu làm giấy chứng nhận quyền sử dụng một miếng đất tại TP Bảo Lộc, Nguyễn Văn Hòa đã gọi điện thoại nhận là anh em họ hàng bị thất lạc của ông Liêm. Trao đổi qua điện thoại, Hòa nói sẽ đến tỉnh Lâm Đồng công tác và hẹn gặp ông Liêm để giúp làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với giá “bồi dưỡng” cho anh em các ngành là 1 tỷ đồng.
Từ những thông tin và tư liệu thu thập được, chiều 8/10, Công an TP Bảo Lộc đã tiến hành kiểm tra hành chính phòng một khách sạn tại phường B’Lao (TP Bảo Lộc) mà Hòa cùng 2 đồng bọn đang thuê ở. Qua kiểm tra, ngoài những giấy tờ tùy thân, cơ quan công an còn phát hiện trên người Nguyễn Văn Hòa có một thẻ ngành công an tên Nguyễn Văn Gấm, mang quân hàm thiếu tướng.
Ngoài ra, cơ quan điều tra còn phát hiện một biển kiểm soát ô tô ra vào cổng cơ quan Bộ Công an. Cùng với đó, trên chiếc xe ô tô 7 chỗ ngồi mang biển kiểm soát 15A - 508.05 của Hòa và các đồng bọn đang đi còn có một túi vải đựng nhiều biển số xe ô tô khác nhau, trong đó có biển số xanh 80B.
Biển số xe mà Nguyễn Văn Hòa làm giả để đi lừa đảo. |
Sau khi tiến hành kiểm tra, cơ quan điều tra đã triệu tập Nguyễn Văn Hòa cùng 2 đồng bọn là Nguyễn Xuân Dũng (44 tuổi, quê tỉnh Quảng Bình, tạm trú tại TP Hải Phòng) và Nguyễn Cao Khái (62 tuổi, quê tỉnh Thái Bình, tạm trú tại TP Hải Phòng) tới trụ sở công an để lấy lời khai phục vụ công tác điều tra.
Sau nhiều ngày đấu tranh, bước đầu Nguyễn Văn Hòa khai nhận, với vai trò kẻ chủ mưu, Hòa đã làm giả thẻ ngành công an, biển kiểm soát ô tô ra vào cổng cơ quan Bộ Công an và nhiều biển số xe ô tô xanh 80B, rồi cùng Dũng và Khái vào các tỉnh phía Nam giả danh người của Bộ Công an để thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân.
Tại tỉnh Lâm Đồng, cụ thể là tại xã Lộc Bắc (huyện Bảo Lâm), bước đầu cơ quan công an đã xác định có 3 nạn nhân sập bẫy lừa đảo của Nguyễn Văn Hòa, với số tiền bị chiếm đoạt là 365 triệu đồng.
“Tôi quê gốc ở Hải Phòng, khi nghe ông ta nói về một số người ở cùng quê có họ hàng với tôi rất chính xác nên tôi tin. Ông ta còn nói tôi và ông ta gặp nhau giống như trong chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly”, khiến tôi cũng rớm nước mắt vì cảm động. Ai chẳng muốn gặp anh em họ hàng thất lạc của mình cơ chứ, rồi lại giúp mình nữa… Tôi không ngờ tất cả chỉ là lừa đảo. Ông ta dựng việc lừa đảo quá tinh vi’, ông Liêm cho biết.
Theo nhận định của cơ quan điều tra, không chỉ Lâm Đồng mà khả năng còn nhiều nạn nhân ở các tỉnh, thành khác đã sập bẫy lừa đảo của Hòa và đồng bọn. Hiện, các chứng cứ liên quan đến vụ án đã được cơ quan điều tra thu giữ và tiếp tục thu thập thêm để mở rộng điều tra. Vì vậy, Công an TP Bảo Lộc thông báo để những ai là nạn nhân của Hòa cùng đồng bọn hãy liên hệ trực tiếp với Công an TP Bảo Lộc cung cấp các bằng chứng phục vụ công tác điều tra làm rõ vụ việc.
“Công an TP Bảo Lộc đang tập trung xác minh làm rõ hành vi của các đối tượng Hòa, Dũng và Khái để xử lý theo quy định của pháp luật. Hành vi giả danh cán bộ công an của Hòa cùng đồng bọn không chỉ gây thiệt hại về vật chất đối với người dân, mà còn gây ảnh hướng đến uy tín của ngành công an”, Đại tá Phùng Tất Thành cho biết.
Vì sao nhiều đối tượng giả danh công an để phạm pháp?
Qua các phương tiện thông tin đại chúng, chúng ta thi thoảng lại thấy ở chỗ này hay chỗ khác lại xảy ra vụ án hoặc vụ việc mà đối tượng mặc sắc phục, giả danh, giả mạo lực lượng công an để làm bậy. Đó có thể là giả danh công an bắt giữ người trái pháp luật, cưỡng đoạt tài sản của người tham gia giao thông, lừa “chạy” án… Thậm chí, đối tượng vừa giả danh công an vừa làm giả quyết định khởi tố vụ án, bị can tống tiền người vi phạm pháp luật...
Có thể khẳng định, lâu nay các đối tượng giả danh, giả mạo công an để phạm pháp đều bị xử lý nghiêm khắc theo quy định pháp luật. Và tùy từng hành vi cụ thể cũng như tính chất, mức độ phạm tội gây ra, các đối tượng này sẽ bị xử lý về các tội như: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Cưỡng đoạt tài sản”, “Làm giả giấy tờ, con dấu của cơ quan, tổ chức”...
Vậy vì sao ngày càng nhiều đối tượng giả danh công an để hoạt động phạm pháp? Đơn giản là vì đối với tuyệt đại đa số người dân trong xã hội chúng ta, lực lượng công an luôn giữ một vị trí rất quan trọng. Đặc biệt là trong công tác giữ gìn an ninh trật tự và an toàn xã hội, bảo đảm cuộc sống yên bình cho nhân dân. Thực tế chỉ ra rằng, mỗi khi có chuyện xảy ra, dù rằng đôi khi chẳng liên quan nhiều đến an ninh trật tự hay an toàn xã hội nhưng cơ quan đầu tiên người dân tìm đến luôn là lực lượng công an.
Nguyễn Văn Hòa lúc bị bắt cùng thẻ ngành công an giả. |
Nắm bắt được tâm lý đó của phần lớn người dân, thế nên không ít kẻ xấu luôn tính chuyện giả danh, mạo nhận công an để làm bậy. Vì rằng nếu không có được tấm “bình phong” này thì những mưu toan, việc làm xấu xa kia sẽ khó lòng đạt được. Đây là một lý do rất căn bản khiến các loại tội phạm với thủ đoạn giả danh, giả mạo công an ngày càng táo tợn và gia tăng.
Theo tìm hiểu, một trong những đặc điểm quan trọng của lực lượng công an là giấy tờ, thẻ ngành công an. Dù đi tuần tra mặc quân phục hoặc có thể không mặc quân phục (cán bộ chiến sĩ đang làm nhiệm vụ mật phục) nhưng đều phải có thẻ ngành và giấy tờ để chứng minh mình là ai. Trường hợp công an mật phục, trước khi bắt người hay yêu cầu dừng xe kiểm tra đều xuất trình những giấy tờ này.
Trường hợp công an mặc trang phục ngành, nếu người dân nghi ngờ yêu cầu kiểm tra thì phải xuất trình được giấy tờ để chứng minh chứ không được nói miệng. Không thể chỉ xưng danh công an, trinh sát hình sự đang mặc trang phục ngành mà lại không xuất trình được thẻ ngành hay giấy tờ chứng minh mình là ai.
Một yếu tố quan trọng khác là tác phong của người chiến sĩ công an. Tác phong ấy là cả quá trình học tập, rèn luyện. Chỉ cần người dân bình tĩnh chú ý, đối phó thì những kẻ lừa đảo, giả danh công an sẽ lộ diện. Trường hợp phát hiện nghi vấn, người dân hãy thông tin đến cơ quan công an nơi gần nhất để phối hợp ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm pháp luật có thể do kẻ giả danh công an gây nên.