Âm mưu chiếm đoạt tiền bảo hiểm
Theo cáo trạng, từ năm 2016 đến đầu năm 2020, bị cáo Minh vay mượn tiền và nhận tiền của nhiều người để chuyển nhượng đất với tổng số hơn 23,7 tỉ đồng và mua bán cà phê trực tuyến trên sàn quốc tế. Kinh doanh bị thua lỗ, phải trả tiền lãi suất cho các khoản vay nên bị cáo Minh không có khả năng trả nợ. Minh ký hợp đồng với Công ty bảo hiểm với điều khoản nếu bị cáo Minh bị tai nạn dẫn đến tử vong hoặc bệnh hiểm nghèo chết thì công ty bảo hiểm phải thanh toán số tiền tối đa là 18 tỉ đồng.
Từ đó, Minh có ý định tìm xác người chết đưa lên ô tô rồi đốt cháy, tạo hiện trường giả vụ tai nạn giao thông để mọi người lầm tưởng mình đã chết. Việc này nhằm chiếm đoạt số tiền Minh đang nợ và để vợ con Minh được hưởng tiền bảo hiểm.
Khoảng 0 giờ ngày 26/4/2020, Minh ra nghĩa địa đào mộ để lấy xác nhưng không được nên bỏ về. Tối 3/5/2020, Minh ăn cơm và ngủ tại nhà rẫy của anh Trần Nho Vương (em họ bên vợ Minh) cách nhà rẫy của Minh khoảng 300 m.
Vào khoảng 0 giờ hôm sau, Minh tỉnh dậy, ra ngoài nhà lấy một cây búa (loại búa bổ củi) tiếp tục đi cạy nắp quan tài. Tuy nhiên, lúc đó Minh lại nảy sinh ý định giết anh Vương nên đã dùng búa đánh hai cái vào trán anh này khiến nạn nhân tử vong.
Gây án xong, Minh điều khiển ô tô chở thi thể anh Vương đi về hướng Lâm Đồng. Trên đường đi, Minh cho ô tô tông vào cột mốc bên lề đường Quốc lộ 28 (xã Đắk Som, huyện Đắk Glong, Đắk Nông) để tạo hiện trường vụ tai nạn. Tại đây, Minh đưa thi thể nạn nhân lên ghế tài xế, tháo đồng hồ của mình đeo vào tay nạn nhân rồi châm lửa đốt…
Gia đình bị cáo Minh cho biết đã có được đơn bãi nại của gia đình bị hại Trần Nho Vương. |
Kêu oan tội giết người
Trong phiên xét xử sơ thẩm, HĐXX TAND tỉnh Đắk Nông tuyên phạt bị cáo Đỗ Văn Minh tử hình về tội giết người, 18 năm tù về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, 5 năm tù về tội hủy hoại tài sản, 4 năm tù về tội xâm phạm mồ mả. Tổng hình phạt bị cáo Đỗ Văn Minh là tử hình.
Không đồng ý với mức án trên, bị cáo Đỗ Văn Minh đã kháng cáo.
Theo luật sư Nguyễn Minh Tường và luật sư Vương Tuấn Kiệt - Công ty Luật Vương Gia, là người bào chữa cho bị cáo Đỗ Văn Minh tại phiên toà phúc thẩm (đã bị tạm hoãn do có người bị COVID), bị cáo Minh thay đổi kháng cáo toàn bộ bản án, trong đó kêu oan khi bị kết tội “giết người” vì cho rằng chỉ “vô ý làm chết người” (theo khoản 1, Điều 342 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015).
Cũng theo luật sư, trước phiên tòa phúc thẩm đã xuất hiện thêm những nhân chứng mới, trong đó có thêm 3 nhân chứng mới hoàn toàn, chưa được triệu tập tới tòa. Nội dung của các nhân chứng trên là tình tiết mới xuất hiện, có nhiều điểm trùng khớp với lời khai của bị cáo Minh tại phiên xét xử sơ thẩm. Trong đó, có nhiều nhân chứng viết đơn và đem ra ủy ban xã xác nhận chữ ký, chịu trách nhiệm trước pháp luật về lời khai để nộp cho tòa.
Ngoài ra, sau khi tòa sơ thẩm tuyên án, nhiều bị hại trong vụ án đã ký đơn gửi TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh cho rằng, ông Minh có thiện chí trả nợ, xin không truy tố về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và xin giảm nhẹ hình phạt cho ông Minh.
Theo các luật sư, kết luận điều tra và bản án có nhiều mâu thuẫn cũng như có dấu hiệu vi phạm tố tụng nghiêm trọng. Cụ thể như: Không tiền hành đối chất, nhận dạng – nhận biết giọng nói: giữa bị cáo và người liên quan (vi phạm Điều 189 và 191 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015); không tiến hành thực nghiệm điều tra đối với một số hành vi đối với tội Giết người, khi có quá nhiều nghi vấn, lời khai mâu thuẫn và chưa có căn cứ xác định lời khai duy nhất của bị cáo là bằng chứng buộc tội (vi phạm Điều 204 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015. Và khoản 7, Điều 165 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, thực nghiệm điều tra được tiến hành khi: có dấu hiệu oan, sai, bỏ lọt tội phạm, vi phạm pháp luật nhưng không được khắc phục hoặc để kiểm tra, bổ sung tài liệu, chứng cứ khi quyết định việc truy tố).
Việc thu thập tài liệu, chứng cứ và đồ vật chưa đúng; chưa đủ và có sai sót như: vỏ lon bia; đồng hồ; nhẫn vàng… và bỏ qua lời khai của bị cáo khi có từ 3 -5 người chứng kiến sự việc (vi phạm khoản 1, Điều 88 của Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định về thu thập chứng cứ).
Lời khai của các nhân chứng chưa được HĐXX cấp sơ thẩm xem xét, do đó bản án sơ thẩm là hoàn toàn không khách quan; không toàn diện và không đúng với bản chất sự thật của vụ án (việc điều tra, có vi phạm nghiêm trọng tố tụng về điều tra nhân chứng – người làm chứng, quy định tại Điều 91 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015).
Việc tòa sơ thẩm buộc bị cáo tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản chưa được HĐXX cấp sơ thẩm làm rõ về số người và số tài sản chiếm đoạt.
Với tội huỷ hoại tài sản thì không có người bị thiệt hại vì đây là chiếc xe ô tô 51C-71570 của chính Đỗ Văn Minh chứ không phải của người bị hại.
Còn với tội giết người: Một người phạm tội mà mức hình phạt nếu phải là tử hình, thì quá trình điều tra, truy tố và xét xử cần phải hết sức thận trọng và phải được tuân thủ tuyệt đối theo trình tự thủ tục tố tụng hình sự. Nhưng trong vụ án này, phán quyết của cấp sơ thẩm loại bỏ vĩnh viễn bị cáo ra khỏi đời sống xã hội khi vụ án vẫn còn quá nhiều nội dung, nhiều vấn đề và nhiều lời khai của người làm chứng bị Cơ quan điều tra - Viện kiểm sát và cả HĐXX cấp sơ thẩm cố tình bỏ qua. Để tước đi mạng sống của một người, khi mà sự việc vẫn còn chưa được điều tra khách quan là thiếu thuyết phục.
Chính từ những lý do trên, luật sư bào chữa cho bị cáo đã kiến nghị tuyên trả hồ sơ cho Viện kiểm sát và giao cho cơ quan điều tra thực hiện điều tra lại, những vấn đề, những nội dung mà trong hồ sơ vụ án chưa thể hiện; chưa được làm rõ, cũng như nhiều lời khai mới của người làm chứng và nhiều bản tường trình của nhân chứng mới, theo đúng quy định của pháp luật tố tụng hình sự.
Trong một diễn biến khác, theo nguồn tin của luật sư, ngày 24/3 vừa qua, gia đình bị cáo Minh đã có được giấy bãi nại của gia đình bị hại Trần Nho Vương.