Thưa ông, xin ông cho biết hệ thông pháp luật hiện hành quy định như thế nào về các hình thức xử lý đối với các bên liên quan đến hành vi mua dâm và bán dâm?
Trong hệ thống pháp luật nước ta hiện nay, văn bản pháp luật có hiệu lực cao nhất về phòng, chống mại dâm là Pháp lệnh phòng, chống mại dâm năm 2003. Hiện nay, cơ quan có thâm quyền đang soạn thảo Luật phòng, chống mại dâm để trình Quốc hội trong kỳ họp cuối năm 2018.
Theo quy định của Pháp lệnh phòng, chống mại dâm thì có 8 hành vi liên quan đến mại dâm bị cấm, gồm: mua dâm, bán dâm, chứa mại dâm, tổ chức hoạt động mại dâm, cưỡng bức bán dâm, môi giới mại dâm, bảo kê mại dâm, lợi dụng kinh doanh dịch vụ để hoạt động mại dâm. Như vậy, có thể nói ngoài người mua và người bán thì có nhiều cá nhân có thể liên quan đến hành vi mua bán dâm.
Theo quy định của Bộ luật hình sự, hiện nay nhà nước xử lý hình sự đối với 3 hành vi chính liên quan đến mua bán dâm, gồm: Chứa mại dâm, môi giới mại dâm và mua dâm người chưa thành niên. Có thể nói, những hành vi bị xử lý hình sự tập trung vào 2 nhóm đối tượng, gồm: nhóm trục lợi kinh tế liên quan đến mại dâm, như hành vi chứa mại dâm và hành vi môi giới mại dâm; nhóm hành vi của người mua dâm và đồng phạm liên quan đến đối tượng bán dâm là người chưa thành niên.
Ngoài ra, nhà nước có chế tài xử lý hành chính đối với các đối tượng thực hiện các hành vi bị cấm khác.
Luật sư Trần Anh Tú |
Xin ông cho biết, biện pháp xử lý hành chính đối với người trực tiếp tham gia các cuộc mua dâm và bán dâm?
Theo quy định tại Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội thì người có hành vi mua dâm, bán dâm sẽ bị xử phạt ở mức độ phạt tiền. Tuy nhiên, mức phạt tiền đối với người người bán dâm cũng chỉ tối đa là 500 nghìn đồng; đối với người mua dâm thì mức xử phạt hành chính tối đa là 1 triệu đồng.
Việc những người mẫu, hoa khôi thực hiện việc mua bán dâm với giá trị lớn, có thể thực hiện nhiều lần thì thu nhập từ hành vi bị cấm sẽ bị xử lý như thế nào, thưa ông?
Hiện nay pháp luật không có quy định bất cứ hình thức xử lý nào đối với khoản thu nhập có được từ việc bán dâm. Do vậy, dù người bán dâm thực hiện việc bán dâm nhiều lần hay bán dâm với giá trị lớn cũng không bị tịch thu tiền bán dâm.
Riêng đối với nhóm hành vi liên quan đến mại dâm mà có yếu tố trục lợi về kinh tế như môi giới, tổ chức mại dâm, dụ dỗ, bảo kê mại dâm thì ngoài xử lý hành chính là phạt tiền (nếu chưa đến mức xử lý hình sự), đối tượng bị xử phạt sẽ bị tịch thu xung công số tiền có được từ hành vi bất hợp pháp này.
Nhiều ý kiến cho rằng, cần xử phạt người bán dâm về hành vi trốn thuế do không kê khai khoản thu nhập lớn có được từ việc bán dâm, pháp luật có quy định về cơ chế xử lý này không, thưa ông?
Do việc bán dâm không được công nhận là hành vi hợp pháp nên người bán dâm không được coi là hành nghề. Do đó, thu nhập từ việc bán dâm không phải là thu nhập hợp pháp nên không thể kê khai nộp thuế thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật. Do đó, việc người bán dâm không kê khai nộp thuế cũng không bị coi là trốn thuế và không bị xử phạt theo quy định của pháp luật.
Ở các quốc gia mà nhà nước công nhận việc bán dâm và đưa việc bán dâm vào quản lý thì người bán dâm phải kê khai nộp thuế. Việc bán dâm trái phép hoặc không kê khai thu nhập từ việc bán dâm sẽ bị xử phạt hành chính về hành vi trốn thuế.
Xin cảm ơn ông