Khuất tất trong dồn điền đổi thửa
Theo tố cáo của bà Nguyễn Thị Kim Sơn (SN 1973), trú tại xóm 8, thôn Thanh Chiểu, xã Phú Cường (Ba Vì) việc thực hiện dồn điền đổi thửa (DĐĐT) của xã và thôn Thanh Chiểu không dân chủ, không minh bạch.
Trước khi DĐĐT theo Hướng dẫn số 29 (ngày 14/5/2012) của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hà Nội, các tiểu ban DĐĐT của hai thôn không kiểm tra lại thực tế diện tích đất, không phân loại hạng mục đất, không công bố công khai diện tích đất quỹ 1 và quỹ 2; khuất tất giấu diện tích, để ngoài sổ sách, vừa dồn ghép ruộng vừa đợi thời cơ xem đất có dôi dư nhằm tham nhũng, tiêu cực đất đai.
Với phần đất của bà Sơn, bà giữ nguyên hiện trạng như tuyên bố của Tiểu ban DĐĐT nên không dồn nhưng bỗng dưng hộ Trần Văn Lô, vợ là Nguyễn Thị Hiên ở xóm 6 đến cấy lúa. Bà phản ứng thì vợ chồng ông Lô thản nhiên nói “cán bộ xã chia cho tôi ở đâu thì cứ cấy”.
Vi phạm nghiêm trọng nữa theo tố cáo của bà Sơn là các cán bộ của xã và thôn Thanh Chiểu để người dân tự ý mua đất nông nghiệp trái pháp luật và tiếp tay cho những sai phạm này. Lợi dụng DĐĐT, đặc biệt là khi có cầu Văn Lang bắc qua sông Hồng từ Việt Trì sang, có đường từ đầu cầu đến QL32 đi Trung Hà - Sơn Tây đoạn qua địa phận xã Phú Cường, các hộ dân của hai thôn bán đất trái pháp luật rất lớn.
Bà Sơn nói đã thu thập được Giấy chuyển nhượng đất của hộ Đỗ Thị N (SN 1946) và con trai cả Nguyễn Khắc H (SN 1973) đã chuyển nhượng cho ông Đinh Văn C (SN 1976) và Hoàng Thị Như Q ở phường Tiên Cát, TP Việt Trì, Phú Thọ với hơn 400m2 (trong tổng diện tích sổ đỏ 3.118m2). Việc chuyển nhượng này được cán bộ tư pháp xã làm thủ tục để ông Nguyễn Xuân Hiệu - Phó Chủ tịch xã Phú Cường chứng thực.
Nội dung nữa mà bà Sơn tố cáo đó là sự ém nhẹm, mập mờ tiền đền bù giải phóng mặt bằng đường nối từ cầu Văn Lang - QL3. Quá trình xây dựng, các nhà thầu đã làm việc với chính quyền xã trong bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Đến nay công trình đã đưa vào sử dụng nhưng xã chỉ thông báo cho những hộ nào có diện tích đất vào làm cầu, làm đường đến nhận tiền đền bù; còn số tiền đền bù cho các kênh mương, đường sá, đường điện cao thế, các công trình công cộng (đi qua địa phận thôn Thanh Chiểu dài hơn 2km) được bao nhiêu, ai quản lý, được sử dụng vào mục đích gì hay nhập vào công quỹ nào, xã Phú Cường cũng không hề công khai cho người dân được biết?
Trả lời chưa thỏa đáng?
Ngày 4/4/2020, UBND huyện Ba Vì có Công văn số 719/UBND-TTr (trả lời đơn của công dân) do Phó Chủ tịch Đỗ Mạnh Hưng ký. Theo trả lời đơn của UBND huyện, ở nội dung 1 ghi: “Trên cơ sở xác minh, kiểm tra cho thấy: Ngày 22/1/2019, UBND xã Phú Cường có chứng thực vào Giấy chuyển nhượng đất...”.
Nhưng vẫn văn bản này lại ghi: “Sau khi kiểm tra lại UBND xã Phú Cường thấy không có việc mua bán chuyển nhượng”. Người tố cáo cho rằng ở đây có sự mâu thuẫn. Vẫn theo người tố cáo, dấu hiệu bất thường nữa là sau đó UBND xã Phú Cường ban hành thông báo “Hủy giá trị pháp lý của văn bản được chứng thực chữ ký?”.
Nghị định số 64/CP của Chính phủ ngày 27/9/2013 ban hành quy định về giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định đất lâu dài vào mục đích sản xuất nông nghiệp, ở khoản 2 Điều 3 ghi rõ: “Người được giao đất phải sử dụng đúng mục đích trong thời hạn được giao; phải bảo vệ, cải tạo, bồi bổ đất tiết kiệm... phải chấp hành đúng pháp luật đất đai”. Điều 6 Nghị định 64 còn ghi rõ: “Đối tượng giao đất nông nghiệp để sử dụng ổn định lâu dài là nhân khẩu nông nghiệp thường trú tại địa phương”.
Về nội dung tố cáo sai phạm trong DĐĐT, về sử dụng đất của dân, đất công, đất công ích với dự án làm cầu, đường nối QL3 với cầu Văn Lang, UBND huyện Ba Vì trả lời: “UBND huyện Ba Vì đã ban hành Văn bản số 718 ngày 24/4/2020, giao cho Chủ tịch UBND xã Phú Cường giải quyết nội dung đơn của công dân theo đúng quy định của pháp luật”.
Người dân cho rằng nội dung trả lời “đẩy” trách nhiệm về cho chính nơi đang bị tố cáo giải quyết liệu có đảm bảo khách quan? Người tố cáo mong muốn các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội sớm vào cuộc làm rõ những dấu hiệu sai phạm trên của cán bộ xã Phú Cường.