Ba thập kỷ nước Nhật “thắt chặt” luật pháp chống quấy rối tình dục nơi công sở

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Quấy rối tình dục tại nơi làm việc là vấn nạn nhức nhối tại nhiều quốc gia trên thế giới và Nhật Bản cũng không phải ngoại lệ. Đến nay, luật pháp nước này ngày càng xử phạt nghiêm khắc hơn đối với hành vi quấy rối tình dục, bất kể bằng hành động hay bằng lời nói, nhằm xây dựng và đảm bảo môi trường làm việc lành mạnh và công bằng hơn cho người lao động, đặc biệt là phái nữ.

Cái “giá đắt” phải trả chỉ bằng lời nói

Năm 1992, Tòa án quận Fukuoka (Nhật Bản) đã xử thắng kiện cho một nạn nhân của quấy rối tình dục bằng lời nói tại nơi làm việc. Một người phụ nữ 34 tuổi, làm biên tập viên tại một tạp chí từ năm 1985, đã đệ đơn kiện sếp của mình và công ty xuất bản mà cô đang làm việc tại Fukuoka.

Cụ thể, đơn kiện nêu ra, trong gần hai năm, sếp của cô, khoảng 40 tuổi và là một biên tập viên cấp cao, đã thường xuyên nói với những đồng nghiệp khác rằng cô “lăng nhăng”, “thích uống rượu và tán tỉnh đàn ông” và “ngoại tình”. Khi người phụ nữ này phàn nàn với một giám đốc điều hành của công ty, ông này đã cáo buộc cô “làm mất trật tự nơi làm việc” và yêu cầu cô nghỉ việc.

Nguyên đơn cho biết, mọi việc bắt đầu từ khi cô bất đồng ý kiến với sếp của mình về số giờ làm việc. Sau nhiều áp lực bị cô lập, xúc phạm và quấy rối ở công ty, cô quyết định từ chức vào năm 1988 và đệ đơn kiện một năm sau đó. Tại thời điểm này, hầu hết các phương tiện truyền thông đưa tin đều chế nhạo yêu cầu khởi kiện của người phụ nữ này. Dù vậy, trong toàn bộ quá trình giải quyết tố tụng, danh tính của nguyên đơn và các bị đơn đều được che giấu nhằm tránh sự quấy rối của công chúng. Điều đáng nói là cuối cùng người phụ nữ đã thắng kiện và được bồi thường 12.400 USD.

Quấy rối tình dục (QRTD) chốn công sở là vấn nạn nhức nhối ở Nhật. Ảnh minh họa

Quấy rối tình dục (QRTD) chốn công sở là vấn nạn nhức nhối ở Nhật. Ảnh minh họa

Thẩm phán Takashi Kawamoto đã kết luận rằng vị biên tập viên cấp cao đã phạm tội “bôi nhọ danh dự của nguyên đơn tại nơi làm việc, khiến môi trường làm việc của cô ấy trở nên độc hại”, từ đó khiến cô phải từ chức. “Việc bình luận về cuộc sống riêng tư của nguyên đơn tập trung vào các mối quan hệ với người khác giới để giải quyết tranh chấp tại nơi làm việc rõ ràng là một hành vi vi phạm pháp luật”, Kawamoto chỉ ra. Vị thẩm phán này cũng phán quyết rằng việc công ty chủ quản đã “điều chỉnh các mối quan hệ nơi làm việc” bằng hành động đơn phương chống lại nguyên đơn cũng là trái luật.

Kazunari Minamitani, luật sư của các bị cáo, đã gọi phán quyết trên là “cực kỳ nghiêm khắc”, ám chỉ rằng họ có thể sẽ kháng cáo. Anh nói rằng “khi phụ nữ và nam giới làm việc cùng nhau, có một mức độ xích mích nhất định là điều không thể tránh khỏi. Tôi nghĩ rằng những người phụ nữ khi sống trong xã hội nên chuẩn bị tâm lý cho bản thân và thể hiện đức tính nhẫn nhịn hơn”. Về phía nguyên đơn, luật sư đại diện Ikuko Tsujimoto nói rằng “mặc dù thuật ngữ QRTD đã không được sử dụng nhưng thẩm phán đã công nhận rằng phân biệt đối xử tình dục là bất hợp pháp”.

Đáng nói, vụ kiện trên được xem là vụ kiện về quấy rối tình dục đầu tiên ở Nhật Bản – một đất nước mà tại thời điểm này vẫn nặng quan điểm “trọng nam khinh nữ”, đặt áp lực lên người phụ nữ truyền thống phải luôn im lặng trước mọi yêu cầu thậm chí là quá mức và phần lớn các hành vi quấy rối của đàn ông. “Phán quyết này đã mở ra một con đường mới cho những người phụ nữ trên khắp đất nước cũng đang trong hoàn cảnh bị quấy rối tình dục tương tự như tôi”, nguyên đơn trả lời báo chí sau phiên toà kết thúc.

Sửa đổi luật vì vấn nạn quá nhức nhối

Kể từ đó đến nay, nhận thức của xã hội về quấy rối tình dục nơi làm việc ngày càng gia tăng, các nhà làm luật ngày càng “thắt chặt” pháp luật về chống quấy rối tình dục nơi công sở để bảo đảm môi trường làm việc lành mạnh. Tuy nhiên, đó là một “cuộc chiến dài hơi” kéo dài suốt ba thập kỷ qua.

Đến nay, theo pháp luật về lao động tại Nhật Bản, việc xử lý kỷ luật đối với nhân viên theo các quy tắc của công ty sẽ được toà án giám sát để đảm bảo tính công bằng. Chính vì thế, người sử dụng lao động phải đưa ra những bằng chứng chứng minh việc áp dụng hình phạt là đúng đắn.

Việc đình chỉ không lương, cách chức và sa thải chỉ được áp dụng trong những trường hợp vi phạm nghiêm trọng, chẳng hạn như hoạt động tội phạm hoặc nhiều lần vi phạm nghiêm trọng các quy tắc làm việc. Trường hợp đầu tiên thường được cảnh báo rút kinh nghiệm chứ hiếm khi bị xử lý bằng những hình phạt khắc nghiệt. Bên cạnh đó, nếu những hành vi quấy rối tình dục bằng hình thức động chạm cơ thể là cơ sở rõ ràng hơn thì hình thức bằng lời nói nhìn chung không quá rõ ràng để chứng minh.

Phong trò #Metoo, #Wetoo ở Nhật nhằm bài trừ QRTD và các hành vi xâm hại tình dục khác.

Phong trò #Metoo, #Wetoo ở Nhật nhằm bài trừ QRTD và các hành vi xâm hại tình dục khác.

Theo một thống kê tại Nhật Bản, 82% nhân viên trên 35 tuổi đã bị quấy rối tại nơi làm việc bằng nhiều hình thức. Các khiếu nại về quấy rối tình dục nói riêng và các loại quấy rối khác nói chung tại nơi làm việc đã tăng đạt con số kỷ lục là 82.000 khiếu nại trên toàn quốc vào năm 2018.

Cũng từ năm 2018, các quy định luật pháp nghiêm khắc hơn được thông qua và trong bộ Luật hình sự Nhật Bản, người thực hiện hành vi quấy rối tình dục (nay đã được đặt tên “kyouseiwaisetsu”) có thể chịu mức phạt tiền lên 50,000 yên (khoảng 9,6 triệu đồng) hoặc ít nhất 6 tháng tù giam, cùng các hệ quả pháp lý khác. Dù vậy, vẫn có những chỉ trích cho rằng hình phạt này còn quá nhẹ. Ví dụ so với luật pháp Hàn Quốc, hành vi quấy rối tình dục phải đối mặt với khoản phạt lên tới 30 triệu won hoặc ba năm tù giam.

Nhiều kẻ quấy rối, bao gồm cả những lãnh đạo cấp cao của đất nước, cũng phải nhận cái kết “ê chề”. Đơn cử, vào tháng 4/2018, một quan chức cấp cao nhất của Bộ Tài chính đã từ chức sau những cáo buộc ông đã quấy rối tình dục các nữ phóng viên. Tháng 12, một tạp chí hàng tuần đã bị chỉ trích vì đã đăng tải một danh sách xếp hạng các sinh viên nữ tại 5 trường đại học về mức độ sẵn sàng quan hệ tình dục – hành vi này bị cáo buộc là quấy rối tình dục ở mức độ rộng hơn. Theo một báo cáo của chính phủ Nhật Bản, nhiều phụ nữ bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc đã phải tham gia trị liệu tâm thần.

Với tính chất ngày càng phức tạp, năm 2020, chính phủ Nhật Bản đã đưa ra Đạo luật thúc đẩy chính sách lao động toàn diện (CLPPA), trong đó có bao gồm cả Luật Ngăn chặn Quấy rối tại Nơi làm việc, nhằm bài trừ hành vi quấy rối tình dục và bắt nạt ra khỏi môi trường làm việc.

Theo đó, từ ngày 1/6/2020, các công ty lớn ở Nhật Bản có nghĩa vụ ngăn ngừa các hành vi quấy rối nhân viên, bằng cách đưa ra các chính sách ngăn chặn hành vi quấy rối và phải thực hiện cả các biện pháp trừng phạt kể quấy rối cũng như tránh tái phạm. Các công ty nhỏ hơn sẽ có thời gian chuẩn bị đến ngày 1/4/2022 để thực hiện quy định này. Việc không tuân thủ Luật này dẫn đến rủi ro về uy tín của công ty bởi vì tên của các công ty có thể bị công khai trước công chúng về môi trường làm việc độc hại.

Theo quy định mới nhất tại Việt Nam, Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự có thể bị phạt từ 15-30 triệu đồng. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có những hướng dẫn cụ thể về việc xác định và xử phạt hành vi này như thế nào. Thêm vào đó, những nạn nhân bị quấy rối tình dục thường ít khi dám lên tiếng bởi nỗi lo sợ bị chế giễu và tẩy chay, hay thậm chí yêu cầu của họ có thể không được xử lý và bị đổ lỗi ngược lại.

Vấn nạn quấy rối tình dục chốn công sở tại Việt Nam đã tồn tại âm ỉ trong xã hội rất nhiều năm nay, dù đã có một số quy định pháp luật nhưng luật đã đi được vào cuộc sống hay chưa, bảo vệ được quyền lợi của những nạn nhân hay chưa, vẫn là một câu hỏi bỏ ngỏ.

Tin cùng chuyên mục

Đảo Hans là một đảo đá nhỏ không có cư dân sinh sống.

Hồi kết của “Cuộc chiến tranh yên bình nhất thế giới”

(PLVN) - Cuộc tranh chấp giữa Canada và Đan Mạch về chủ quyền đối với đảo Hans ở vùng Bắc Cực được đặt cho biệt danh là “Cuộc chiến tranh yên bình nhất trên thế giới” vì ở nơi đây chưa từng xảy ra xô xát hay giao tranh vũ trang giữa hai bên.

Đọc thêm

Châu lục không còn dễ thu phục

Các nhà lãnh đạo tham dự Thượng đỉnh châu Mỹ lần 9 tại Los Angeles (Mỹ).
(PLVN) - Tổng thống Mỹ Joe Biden không phải chẳng đạt được kết quả gì nhưng cũng không thể toại nguyện về kết cục của Hội nghị cấp cao của các nước châu Mỹ lần thứ 9 vừa qua.

Chấm dứt hủ tục đáng sợ của nhiều bộ tộc Nigeria

Chấm dứt hủ tục đáng sợ của nhiều bộ tộc Nigeria
(PLVN) - Đối với các bộ lạc thổ dân ở Nigeria, việc rạch thân để tạo ra các vết sẹo là một nghi thức khá phổ biến và có từ rất lâu đời. Tùy từng bộ lạc, việc rạch thân sẽ diễn ra theo nhiều cách khác nhau, cùng với quan niệm về giá trị của những vết sẹo cũng khác nhau.

Bên lề sân cỏ (Kỳ 1): Lịch sử hình thành và chinh phục cả thế giới của bóng đá

 Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dận (927-976 sau CN) chơi xúc cúc cùng các cận thần.
(PLVN) - Bóng đá được cho rằng đã xuất hiện từ thời đại Chiến Quốc và phiên bản cổ xưa nhất với đầy đủ các kỹ thuật là môn xúc cúc (các tên gọi khác: tháp cúc, đạp cúc, túc cúc) của Trung Quốc. Tuy vậy, phải tới thế kỷ 18, bóng đá mới trở nên phổ biến và phát triển rầm rộ, đặc biệt là ở các nước châu Âu.

Ô nhiễm môi trường - “sát thủ” nguy hiểm hơn cả bệnh tật, chiến tranh

Ảnh minh họa.
(PLVN) - Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí y khoa danh tiếng The Lancet mới đây cho biết, ô nhiễm môi trường, bao gồm ô nhiễm không khí, nước và đất là nguyên nhân gây ra cái chết của 9 triệu người mỗi năm, nhiều hơn số người tử vong do các bệnh nguy hiểm như AIDS, ho gà, sốt rét; hay khủng bố và chiến tranh.

Ranh giới nào cho luật?

Mỹ, EU, NATO và đồng minh cho rằng Nga đã bất chấp luật pháp quốc tế khi phát động chiến sự ở Ukraine.
(PLVN) - Chiến sự từ hơn 100 ngày nay ở Ukraine không những chỉ làm chấn động thế giới về chính trị an ninh mà còn đặt luật pháp quốc tế trước nhiều câu hỏi mà không biết đến khi nào mới có được câu trả lời.

EU cấm vận Nga xuất khẩu dầu lửa

(ảnh minh họa).
(PLVN) - Sau gần 1 tháng dàn xếp bất đồng quan điểm trong nội bộ, Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí thông qua chủ trương ngừng nhập khẩu dầu lửa của Nga.

Luẩn quẩn và bế tắc

22 nạn nhân thiệt mạng trong vụ xả súng ngày 24/5/2022 tại trường tiểu học Robb (bang Texas, Mỹ).
(PLVN) - Ở nước Mỹ, chỉ trong khoảng thời gian rất ngắn xảy ra liên tiếp 2 vụ xả súng khiến cho nhiều người bị thiệt mạng và gợi lại cả chuỗi dài những vụ việc tương tự đã từng xảy ra trong quá khứ.

Kỳ dị chó cún được bầu làm Thị trưởng ở nước Mỹ

Một tân “Thị trưởng chó cún” ở thị trấn Rabbit Hash.
(PLVN) - Rabbit Hash là một thị trấn nhỏ tại bang Kentucky (Mỹ). Đã từ lâu, đảm nhiệm danh nghĩa Thị trưởng của thị trấn đã không còn thuộc về con người. Tổng cộng 5 “Thị trưởng chó cún” đã giữ chức vụ này với nhân vật đắc cử gần nhất là chú chó tên là Wilbur.

Danh họa Picasso và quá khứ “bị hắt hủi” ở Pháp

Chân dung Picasso.
(PLVN) - Ít người biết rằng, danh họa nổi tiếng thế giới Picasso lúc sinh thời, trong suốt gần nửa thế kỷ, ông bị coi là kẻ ăn nhờ ở đậu, là “phần tử nước ngoài nguy hiểm” và bị từ chối cho nhập quốc tịch Pháp.