Bà nội trợ trở thành Chủ tịch
Hyun Jeong Eun sinh ngày 26/1/1955 tại Seoul, là con gái thứ hai trong gia đình có 4 người con. Bà từng là sinh viên, sau đó tiếp tục học lên thạc sĩ chuyên ngành Xã hội học ở trường Đại học nữ Ewha - ngôi trường nữ sinh tư thục danh tiếng bậc nhất Hàn Quốc.Năm 1993, bà nhận bằng Thạc sĩ Tâm lý học phát triển tại Đại học Fairleigh Dickinson của Mỹ. Cha đẻ của bà - ông Hyun Young Won từng làm việc cho Ngân hàng Hàn Quốc, sau đó trở thành Chủ tịch Hyundai Merchant.
Từ nhỏ, Hyun Jeong Eun vốn dĩ được nuôi dạy theo cách truyền thống, định hướng trở thành người phụ nữ của gia đình thông qua việc học cầm, kỳ, thi, họa, nữ công gia chánh. Hyun Jeong Eun đã từng là đứa trẻ nhút nhát đến độ có lần, vị đạo diễn trông thấy và ngỏ ý mời Jeong Eun tham gia đóng phim nhưng bà bỏ chạy vì sợ.Lớn lên, thông qua sự quen biết giữa hai gia đình, Jeong Eun đã kết hôn cùng với Chung Mong Hun - con trai thứ 5 của nhà sáng lập Tập đoàn Hyundai Chung Ju Yung.
Nhắc đến tập đoàn Hyundai, không ai là không biết nhà sáng lập Chung Ju Yung là người từ một cậu bé nông dân nghèo khó, với nghị lực phi thường, 4 lần bỏ nhà đi để tạo lập tập đoàn kinh tế lớn nhất và có thế lực nhất Hàn Quốc. Vì thế, dẫu không trực tiếp nhúng tay vào công việc kinh doanh, bà Hyun Jeong Eun cũng đã mang trong mình ít nhiều ảnh hưởng từ hai người cha và truyền thống nhà chồng, bà thấu hiểu phần nào khó khăn để duy trì một đế chế kinh doanh.
Khi mới về làm dâu gia đình họ Chung, có lẽ bà chưa thể lường hết những sự phức tạp trong ngôi nhà của Chủ tịch Tập đoàn Hyundai. Là con trai thứ năm của Chung Ju Yung, nhưng chồng bà - ông Chung Mong Hun được bố quý mến và ưu ái hơn anh cả Chung Mong Koo. Cuối năm 1997, khi sắp nghỉ hưu, ông Chung Ju Yung đưa chồng bà vào vị trí đồng Chủ tịch Hyundai. Việc này khiến anh cả Chung Mong Koo vô cùng giận dữ. Sau đó, ông đã nhiều lần cố gắng giành lại vị trí này của em trai nhưng vì bị bố can thiệp nên việc không thành.
Cuối cùng, ông Chung Mong Koo đã phải công nhận chiếc ghế Chủ tịch của chồng bà Hyun Heong Eun. Tuy nhiên, cuộc tranh giành quyền lực nội bộ đã dẫn đến sự chia cắt tập đoàn Hyundai. Năm 2000, tập đoàn rơi vào cảnh nợ nần, trước sức ép của dư luận, truyền thông và chính phủ, Chung Mong Hun từ bỏ vị trí Chủ tịch tập đoàn Hyundai, chỉ giữ lại chức Chủ tịch Hyundai Asan, kiểm soát bộ phận công nghiệp nặng và tàu biển, còn Chung Mong Koo vẫn giữ vị trí Chủ tịch Hyundai Motors và Kia Motors, kiểm soát bộ phận máy móc tự động và 9 phần khác của Hyundai để lập nên tập đoàn Hyundai Motor Group.
Năm 2003, giữa bê bối dùng tiền để vận động hành lang cho một hội nghị thượng đỉnh liên Triều và cáo buộc bí mật viện trợ cho Triều Tiên khoản tiền nửa tỷ USD cho một số dự án về công nghiệp, vận tải và du lịch, ông Chung Mong Hun đã lựa chọn kết thúc cuộc đời bằng vụ nhảy lầu tự tử từ cửa sổ văn phòng mình ở tầng 12. Cái cảm xúc nghẹt thở khi nhận cuộc gọi đột ngột vào buổi sáng một ngày tháng 8/2003 thông báo hung tin là khoảnh khắc mãi mãi Hyun Jeong Eun không thể quên. Hai tháng sau sự ra đi của chồng, Hyun Jeong Eun trở thành Chủ tịch Tập đoàn Hyundai.
Bà Hyun Jeong Eun (giữa) viếng linh cữu ông Kim Jong In. |
Bản lĩnh của “người đàn bà thép”
Những sự việc nối tiếp nhau xảy ra làm người trong cuộc chóng mặt. Chỉ một thời gian ngắn, bao nhiêu biển cố dồn dập ập đến: vụ tự sát của chồng bà; một góa phụ bước lên ghế chủ tịch, sự đối đầu của anh em gia đình, sự lột xác và đảo ngược tình thế của chính bà, vốn là một người nội trợ.Bà cũng là phụ nữ, cũng đầy ắp âu lo, sợ hãi. Nhưng bà không thể biểu hiện điều đó ra bên ngoài.
Hyun Jeong Eun đã tuyên bố một cách mạnh mẽ rằng: “Bây giờ tôi không phải là một góa phụ mà tôi là Chủ tịch Tập đoàn Hyundai”.Tháng 8/2009, Tạp chí Forbes tổng hợp bình chọn bà là 1 trong 100 người phụ nữ có ảnh hưởng nhất thế giới. Đến tháng 11 cùng năm, tạp chí Wall Street Journal bình chọn bà là “Nữ doanh nhân 50 tuổi có ảnh hưởng trên thế giới”.Hyun Jeong Eun đã dần minh chứng cho chân lý “Không có kinh nghiệm và không có năng lực kinh doanh là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau”.
Ở Hàn Quốc, các chaebol (tài phiệt) là mô hình của tập đoàn thuộc sở hữu và điều hành bởi một gia đình. Các chaebol của Hàn Quốc thường mang hình thức của một công ty mẹ, và có nhiều công ty con hoạt động để đáp ứng yêu cầu vật tư và dịch vụ của công ty mẹ. Các công ty con này cũng thường thuộc sở hữu và đặt dưới quyền quản lý của một gia đình. Do đó hầu hết các chủ tịch hay giám đốc chaebol hiện hữu là cha truyền con nối.Hyundai là ngoại lệ khi để một người con dâu lên nắm quyền.
Bởi lúc sinh thời, bố chồng bà Hyun Jeong Eun đã luôn tin tưởng, quý mến cô con dâu nết na, hiểu chuyện. Bản thân Hyun Jeong Eun cũng luôn mong muốn viết tiếp giấc mơ còn dang dở của bố chồng và người chồng quá cố của mình.Sau khi nhậm chức chủ tịch, bà đã nhanh chóng sắp xếp lại đội ngũ nhân sự cấp cao để dẹp yên vấn đề từ nội bộ.
Quá trình nắm quyền là cả một thời gian bà một lòng nỗ lực đưa Hyundai Group trở lại thành một đế chế công nghiệp như thời chưa bị chia năm xẻ bảy do mâu thuẫn nội bộ gia đình, nợ xấu và kế hoạch mở rộng hoạt động sang Triều Tiên thất bại. Vì tham vọng đó, Hyundai Group đang muốn thâu tóm Hyundai Engineering & Construction, công ty xây dựng lớn nhất Hàn Quốc mặc dù điều đó sẽ đẩy bà Hyun Jeong Eun vào thế cạnh tranh trực diện với anh chồng - Chung Mong Koo.
Hyundai Engineering & Construction từng là một bộ phận quan trọng của đế chế Hyundai trước khi các khoản nợ xấu đẩy tập đoàn vào tay các trái chủ. Việc không thâu tóm được Hyundai Engineering & Construction sẽ không chỉ ảnh hưởng xấu đến kế hoạch mở rộng Hyundai Group của bà Hyun Jeong Eun, mà còn khiến bà mất quyền kiểm soát Hyundai Merchant Marine, bộ phận lớn nhất của Hyundai Group mà Hyundai Engineering có nắm giữ cổ phiếu.
Vào buổi đầu nhậm chức, bà tự làm khó chính mình bằng cách đặt mục tiêu đưa Hyundai trở thành tập đoàn lớn thứ 13 của Hàn Quốc vào năm 2012 thông qua chiến lược kinh doanh tập trung vào tăng sản lượng bán hàng, cơ cấu lại doanh nghiệp, giảm giá thành sản phẩm và phát triển thương mại với Bắc Hàn. Bà không ngại “ép” mình phải chiến đấu bằng sự cố gắng gấp nhiều lần người khác.
Bất chấp những khó khăn từ khách quan cũng như chủ quan, Jung Eun luôn lạc quan và có niềm tin vào năng lực bản thân, đồng thời lan tỏa nguồn năng lượng cho những người cấp dưới. Ngày 21/10/2011, Hyun Jeong Eun đã gửi một bức thư cho tất cả nhân viên của Tập đoàn Hyundai để kỷ niệm 7 năm bà nắm giữ vai trò Chủ tịch.
Bà viết: “Nước không thể sôi chỉ với 99°C. Các bạn phải làm mọi cách để nước sôi đủ 100°C. Mặc dù để đạt được đến nhiệt độ đó, bạn cần thêm năng lượng gấp 5 lần so với việc chỉ đạt đến 99°C. Bài học cho tất cả chúng ta là chúng ta phải cố gắng hết mình để đạt được giấc mơ đã thúc đẩy chúng ta trong suốt 7 năm qua”.
Trong thư, Hyun Jeong Eun thể hiện mong muốn các nhân viên tiếp tục cống hiến và gợi lại câu chuyện của 33 người thợ mỏ Chile đã bị sập hầm sâu trong lòng đất trong 69 ngày trước khi được cứu sống một cách diệu kỳ. Chỉ sau khi người thợ mỏ cuối cùng lên được mặt đất an toàn, một nhân viên cứu hộ mới tự hào trưng một áp phích mang dòng chữ “Sứ mệnh hoàn tất!” - Chủ tịch Hyundai vô cùng tâm đắc điều này: “Thành công đó là kết quả của sự phấn đấu cho 1°C cuối cùng. Tất cả chúng ta hãy cùng làm việc cùng nhau để đi tới thành công, như thế chúng ta có thể ăn mừng sứ mệnh rất riêng của chúng ta đã được hoàn tất!”.
Có thể nói, những việc mà bà Hyun làm là một bước đi táo bạo, phá vỡ dự đoán rằng các vấn đề đối nội và đối ngoại của tập đoàn sẽ không thể ổn thỏa bởi sự tranh chấp quyền lực.Hyun Jeong Eun không phải là người quản lý cứng nhắc. Bà thừa hiểu sự mềm dẻo, linh hoạt sẽ hạn chế tối đa được những mâu thuẫn không đáng có.
Do đó, Chủ tịch Hyun đã gửi hơn 3.000 suất gà hầm sâm đóng gói cho gia đình nhân viên trong những ngày hè nóng nực cùng với bức thư đầy thành ý: “Tôi xin gửi lời cảm ơn sâu sắc đến những người cộng sự đang nỗ lực làm việc không mệt mỏi và gia đình đã trở thành hậu phương hỗ trợ họ một cách tối đa để họ yên tâm công tác”.
Hay như việc Hyun Jeong Eun tặng cuốn sách “Hãy nuôi dưỡng sức mạnh não bộ ẩn náu trong đứa trẻ” cho các nhân viên có con đang học tiểu học. Chỉ đơn giản là những món quà không quá cao sang, cầu kỳ nhưng lại chứa đầy tình cảm. Điều đó giúp bà tạo dựng một hình ảnh gần gũi như người thân trong gia đình chứ không phải người lãnh đạo bề trên. Những việc làm của bà đã mang lại những tín hiệu đáng khích lệ.
Hyun Jeong Eun từng bước đưa tập đoàn Hyundai trở thành tập đoàn đứng thứ 15 trong bảng xếp hạng tài chính với 11 công ty con và tài sản trị giá lên tới hàng ngàn tỉ won. Sự biến động của tổng tài sản có liên quan đến “tính tăng trưởng” của công ty, thể hiện những sách lược Hyun Jeong Eun triển khai là đúng đắn.
Theo số liệu từ các báo cáo tài chính, tính đến cuối tháng 6/2010, Hyundai Motors có 7.300 tỷ won (6,4 tỷ USD) tiền mặt và các tài sản tương đương tiền mặt, còn “đồng minh” Kia Motors cũng có 1.900 tỷ won. Trong khi đó, tổng tiền mặt và các tài sản tương đương tiền mặt của Hyundai Group (gồm các bộ phận chính là Hyundai Merchant, Hyundai Elevator và Hyundai Securities) chỉ có 1.130 tỷ won. Sự chênh lệch này cũng được phản ánh trong giá trị tài sản cá nhân của hai người. Ông Chung Mong Koo sở hữu khối tài sản trị giá ít nhất 5,4 tỷ USD, theo số liệu của Bloomberg. Trong khi đó, giá trị tài sản của bà Hyun là khoảng 115,7 triệu USD.
Việc vận hành của các doanh nghiệp giống như đẩy bánh xe. Định mệnh của doanh nghiệp là không ngừng lăn về phía trước. Hyun Jeong Eun đã điều khiển bánh xe đi đúng đường. Công nghiệp nặng Hyundai với tài sản 14.000 tỉ won cùng với 6 công ty con vào tháng 12/2003 đã biến Hyundai thành Tập đoàn Công nghiệp nặng với 15 công ty con, có tài sản 41.000 tỉ won.
Có thể nói, quá trình nắm quyền là cả một thời gian bà một lòng nỗ lực đưa Hyundai Group trở lại thành một để chế công nghiệp như thời chưa bị chia năm xẻ bảy do mâu thuẫn nội bộ gia đình, nợ xấu và kế hoạch mở rộng hoạt động sang Bắc Hàn thất bại.
Khôn khéo kết giao quan hệ
Ngày 16/8/2009, quan hệ Nam - Bắc Hàn lúc ấy ngày càng bế tắc. Người ta bình luận rằng có lẽ số phận đã quyết định chính bà chứ không phải ai khác làm công việc này. Sự thể xuất phát từ việc công ty con của Hyundai là Công ty Lữ hành Hyundai Asan rơi vào nguy cơ phá sản, tour du lịch đến núi Geumgang bị hủy bỏ do biên giới giữa hai nước bị đóng cửa hoàn toàn từ năm 2010.
Tình thế nguy cấp này đã buộc người lãnh đạo phải ra tay nhằm thay đổi tình hình, Hyun Jeong Eun đích thân sang Bắc Hàn (Triều Tiên) và tình cờ trở thành cầu nối giữa hai nước. Mục đích ban đầu là giải quyết công chuyện của tập đoàn, nhưng chuyến đi này lại thành công ngoài sức mong đợi, làm thay đổi hẳn quan hệ hai miền. Tất cả là nhờ sự khôn khéo, bàn lĩnh và có phần mạo hiểm của Hyun Jeong Eun.
Trong chuyến đi đến Bắc Hàn lần đó, Hyun Jung Eun đã có đến 5 lần trì hoãn ngày về để quyết tâm gặp bằng được ông Kim Jong Il cũng như để hoàn thành một số mục tiêu của chuyến đi. Kết thúc chuyến thăm 8 ngày đến Bắc Hàn với việc một nhân viên của công ty được trả tự do. Nhân viên này vốn làm việc cho Công ty Hyundai Asan, bị Bắc Hàn bắt giữ với cáo buộc bôi nhọ chính quyền và xúi giục một nữ nhân viên Bắc Hàn đào tẩu sang Nam Hàn.
Không chỉ có thế, bà còn được gặp riêng Chủ tịch Kim Jong Il. Cũng nhờ cơ hội này đã ra đời bàn thỏa thuận 5 điểm quan trọng như nối lại tour du lịch núi Geumgang đã bị gián đoạn do bê bối liên quan chính trị 2 miền (do vụ nữ du khách Park Wang Ja bị lính Triều Tiên bắn chết), nối lại chương trình đoàn tụ cho những gia đình bị ly tán ở hai miền nhân ngày Tết Trung thu, sớm khôi phục việc đi lại qua các cửa biên giới liên Triều, đẩy mạnh hoạt động sản xuất ở khu công nghiệp Gaesung và triển khai một tour du lịch trong khu công nghiệp này.
Sau chuyến đi này, bà Hyun đã được gọi là một đại sức đặc biệt trong việc nối lại mối quan hệ liên Triều. Không những thế, khi ông Kim Jong Il qua đời, hai phái đoàn tư nhân, dẫn đầu bởi cựu Đệ nhất phu nhân Hàn Quốc và nữ Chủ tịch Tập đoàn Hyundai cũng tới để chia buồn.
4 năm sau đó, bà Hyun Jeong Eun lại một lần nữa lên đường sang thăm Bắc Hàn để tham dự lễ tưởng niệm 15 năm ngày mất của chồng mình là cố Chủ tịch Hyundai Chung Mong Hun diễn ra tại núi Geumgang. Phía Bắc Hàn cũng rất coi trọng mối nhân duyên với Chung Mong Hun và Tập đoàn Hyundai, được cho là nhằm tạo bầu không khí thuận lợi để khôi phục tuyến du lịch tới núi Geumgang.
Từ một người nội trợ, vì biến cố gia đình mà tình cờ trở thành doanh nhân, rồi lại rất vô tình trở thành một chính trị gia trong việc thiết lập quan hệ với Triều Tiên. Số phận đã đưa bà Hyun Jeong Eun đến vị trí và vai trò có một không hai như thế. Và cuộc đời sẽ còn thử thách bà trên chặng đường dài của một doanh nhân. Nhưng với bản lĩnh của mình, chắc chắn bà sẽ luôn là hình mẫu lý tưởng về một “nữ tướng” của đế chế Hyundai.