Năm Tân Dậu (1861), lực lượng nghĩa quân họ Võ đặt dưới quyền điều động của Án sát Nguyễn Nhã và Thương biện tỉnh Định Tường. Sau ông được giao nhiệm vụ xây đồn lũy ở Tân Thành Mỹ Quý, nhiều phen cự chiến với giặc. Sau đó, nơi đây thất thủ, ông lui về Bình Cách, huyện Kiến Hòa lập căn cứ, phối hợp với Thủ khoa Huân chống giặc. Rồi nửa sau năm Giáp Tý (1864), ông lui về dựng căn cứ nơi Đồng Tháp Mười.
Đồng Tháp Mười thủ hiểm
Đồng bào nơi Đồng Tháp Mười vẫn còn lưu truyền câu ca thời cuối thế kỷ XIX, rằng:
“Tháp Mười đồng rộng bao lao,
Giặc vô Đồng Tháp làm ma không đầu”.
Đồng Tháp Mười có gì đặc biệt, để Thiên hộ Dương chọn làm căn cứ vậy? Thì đây, nơi “Bốn vị anh hùng kháng chiến miền Nam: Trương Công Định, Nguyễn Trung Trực, Thiên hộ Dương, Thủ khoa Huân” cho ta biết tường tận về nó.
Vùng đất này là một cánh đồng đầy bùn lầy, nơi hai con sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây đổ vào, kinh rạch chằng chịt khắp nơi, mọc lên trên sình lầy, là những lau sậy, bưng lác, rồi những thứ cây cỏ rậm rạp khác như ô môi, trâm bầu… Rồi nào là muỗi, đĩa hằng sa số, còn truyền qua câu “muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội như bánh canh”.
Vùng đất này, bao khắp một vùng rộng lớn miền Tây Nam Bộ qua các tỉnh Mỹ Thọ, Tân An, Sa Đéc, Châu Đốc, Tây Ninh xưa. Thật cái cảnh ấy, đúng như lời “Cận đại Việt sử diễn ca” có điểm qua là:
“Thênh thang hạc nội mây ngàn,
Bùn sình, ngập lụt, đồng hoang một vùng.
Ngoằn ngoèo ngòi rãnh mông lung,
Sậy lau chằng chịt bóng hồng tà dương”.
Với dân thổ địa, thì địa hình này hẳn họ thông thuộc, còn rõ là người Pháp từ một xứ ôn đới, địa hình thảo nguyên bằng phẳng mà vào đất này, khác gì vào chốn mê cung, tử địa. Nơi Đồng Tháp Mười, theo miêu tả của Thái Bạch, thì căn cứ của Thiên hộ Dương là những dinh trại được cất bằng cây tràm và lợp bằng cỏ lác. Nghĩa quân có sự hậu thuẫn, ủng hộ của nhân dân nên quân Pháp hết sức vất vả trong việc đàn áp, hành quân.
Thông thuộc địa hình, nên nghĩa quân cùng đồng bào làm những cản nổi ở khắp các ngả sông, tàu chiến Pháp luôn gặp khó khi di chuyển, không bị cản nổi ngăn lại thì cũng bị tên độc trong bụi rậm bắn ra như mưa. Căn cứ Đồng Tháp Mười của ông Thiên hộ, xứng là nơi như lời “Cận đại Việt sử diễn ca” ghi:
“Trung tâm kháng chiến liệt oanh,
Màu hồng tô vẽ bức tranh huy hoàng”.
Quân Pháp nhiều phen tấn công vào căn cứ của Thiên hộ, nhưng đâu có dễ dàng. Trong nghiên cứu “Võ Duy Dương với Đồng Tháp Mười” có thống kê những lần quân Pháp tiến công nơi đây, như tháng 10, rồi tháng 11 năm Giáp Tý (1864) nhưng bị đẩy lui. Về phần Thiên hộ, ông liên kết cả với Campuchia để đánh Pháp.
Tượng Võ Duy Dương đặt tại đền thờ ông ở thôn Nam Tượng 1, xã Nhơn Tân, thị xã An Nhơn |
Giặc kinh hồn, bạt vía
Thông thuộc địa hình, nên nghĩa quân cùng nhờ đó mà rất sáng tạo trong đánh giặc. Bởi thế mới có những giai thoại về những đoàn quân lạ của nghĩa quân làm cho giặc Pháp và tay sai bao phen điêu đứng, đi khó mà về cũng khó. Tỉ như có lần, quân Pháp hành binh vào nơi đây để tiêu diệt nghĩa quân của Thiên hộ, nhưng người chưa bắt, chưa diệt được, mà giặc đã tan tác bởi gặp đoàn quân ong rồi. Sự thể là…
Có lần quân Pháp kéo nhau trên 200 tên cả lính Tây, lính ta tiền vào Thạnh Phú mở trận càn để dọn đường vào Tổng hành dinh của Thiên hộ. Tới Thạnh Phú thì dân làng tản cư hết. Chúng đóng quân nơi đình làng. Nơi đây, có vài lu nước uống đậy nắp. Sau khi ăn uống no say, chúng lấy nước uống.
Và đây mới là khởi đầu của màn chạy trối chết của quân địch: “Lu trước không sao. Nhưng đến lu sau, mới vừa mở nắp, tức thì một đàn ong vò vẽ không biết đến cả mấy ngàn con tua tủa bay ra nhắm vào mặt mũi bọn chúng, cứ thế mà tấn công kịch liệt. Bị ong đánh cái nào cái ấy đau nhức đến tận xương tủy, còn hơn là súng đạn nã vào, bọn chúng rối loạn hàng ngũ và kêu la ỏm tỏi, rồi ôm đầu mỗi đứa chạy một ngả. Nhưng chạy đến đâu, đoàn ong cũng truy kích đến đó. Chạy cho đến súng ống đạn dược và lương thực phải bỏ lại để giao cho đồng bào đem trình cho nghĩa quân”. Trận ấy, quân Pháp gặp ong độc đốt, đến nỗi bỏ mạng quá nửa.
Một lần khác, quân giặc cũng tiến vào Thạnh Phú. Dù cảnh giác bởi lần trước bị ong đốt rồi, mà lần này chúng vẫn dính bẫy như thường, có chăng là bẫy khác mà thôi. Theo “Bốn vị anh hùng kháng chiến miền Nam…” cho biết, thì lần ấy trên đường hành quân, chúng gặp một cái hố giữa đường, ngụy trang lộ bằng một nắp cỏ phủ lên. Quân Pháp nghi trong hố có chất nổ, bắt một lính Việt gỡ bãi cỏ ngụy trang xem có gì bên dưới. Tên lính cẩn thận lấy lưỡi lê tung đám cỏ lên, thì hỡi ôi, một đàn ong lỗ từ dưới hố bay lên. Lại lần nữa chúng chạy bán sống bán chết, súng đạn thì “tự nguyện” để lại cho nghĩa quân dùng.
Mà nào chỉ có ong đốt, chúng còn bị nghĩa quân bao phen lập kế cho “sa bẫy” bất ngờ. Tỉ như việc qua rạch, hẳn phải đi qua cầu; khổ nỗi, cầu khỉ làm bằng thân tràm bắc cao, nhưng khúc giữa đã bị cưa ngang, chỉ còn dính một chút, người đi nhẹ nhàng không sao, nhưng hai người là cầu gãy, té ngay xuống rạch.
Dưới rạch, lại có chông cắm ngầm dưới mặt nước, nên té xuống là coi như hoặc chết, hoặc bị thương. Bao phen quân Pháp bị bẫy cầu kiểu ấy, đến nỗi chúng không dám qua cầu, phải tự bắc lấy mà đi, hoặc lội qua. Nhưng có sung sướng gì, bước qua nửa rạch thì đã bị phục kích rồi.
Tượng Anh hùng dân tộc Võ Duy Dương trong đền thờ tại Bình Định |
Biển xanh thân thác gửi
Thủ hiểm nơi Đồng Tháp Mười, Thiên hộ Dương cùng nghĩa quân thành mối lo canh cánh trong lòng với công cuộc bình định đất Lục tỉnh của Pháp. Với quyết tâm hạ cho được căn cứ hiểm trở ấy, tháng 4 năm Bính Dần (1866), Tổng tư lệnh quân đội Pháp De la Grandière trực tiếp chỉ huy 5.000 thủy lục quân cùng vũ khí tối tân, tấn công Đồng Tháp Mười.
Cuộc tấn công bắt đầu vào giữa tháng 4, kéo dài trong 10 ngày. Dù làm cho lực quân địch quân bị hao tổn không ít, nhưng nghĩa quân thiếu đạn dược, không được tiếp viện, phải bỏ Đồng Tháp Mười, lực lượng được cho là mất 8/10. Về đoạn kết của Thiên hộ, nơi “Bốn vị anh hùng kháng chiến miền Nam…” cho biết, “ông bị bệnh thương hàn, rồi tạ thế”. Còn nơi “Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca”, Nguyễn Liên Phong có viết:
“Thoát thân về với ghe bầu,
Khỏi nơi Cần Hải tiền xu đoán thoàn.
Giấc nồng đêm dậy nhảy khan,
Hồn chôn bụng cá ưng oan chẳng cần”.
Cứ theo lời Nguyễn Liên Phong, thì nhà yêu nước họ Võ đã gửi thân trong lòng biển nơi cửa Cần Giờ. Trong khi ấy, “Định Tường Thủ khoa Huân tiểu truyện” lại cho biết, Thiên hộ sau khi Đồng Tháp Mười thất thủ, thì về Trung Kỳ ẩn cư ở Hương Giang và mất. Vậy thực hư ra sao?
Trong nghiên cứu “Võ Duy Dương với Đồng Tháp Mười”, qua tổng hợp các giả thiết khác nhau về cái chết của Võ Duy Dương, nhất là nghiên cứu tài liệu của Pháp, các tác giả nghiêng về việc Thiên hộ đã mất trên biển vì bị cướp.
Thực hư, như lời Schreiner trong “Đại Nam quốc lược sử” ghi: “… Về chuyện khác, người ta nghe tin ông Thiên hộ Dương mới chết chìm tại phía mũi Dinh (Pudaran) là nơi ông đánh với ba ghe tàu ô của đảng ăn cướp, quân ấy hạ hết người trên hai ghe”. Ghi chép ấy được củng cố thêm tính xác tín ở báo cáo của Nguyễn Đức Hạnh gửi cho Chánh sở Mật thám.
Nội dung là: “Tôi có vinh dự để cung cấp cho ông những tin tức về Thiên hộ. Người này tên là Dương đã bỏ trốn sau khi Tháp Mười bị chiếm, ông ta lên một chiếc ghe cửa để đi Bình Thuận, trước khi đến xứ này, ông ta đã bị tên Lý Sen, cầm đầu một đám cướp biển tấn công”.
Thời điểm Thiên hộ thọ nạn, theo người Pháp, ấy là khoảng năm Kỷ Tỵ (1869). Vậy là, người anh hùng đất Võ đã không thể đi đến cùng cuộc chiến chống lại quân xâm lược. Người đã mất, chỉ còn danh thơm lưu lại nơi Đồng Tháp Mười đến mãi mai sau…/.