Dù mỗi người quê quán khác nhau, kẻ đất Trung, người đất Nam, nhưng những Nguyễn Hữu Huân, Trương Định, Nguyễn Trung Trực, rồi Võ Duy Dương (1827-1866), đều vì dòng máu nóng yêu nước mà dựng cờ nghĩa, xông pha nơi trận tiền chống Tây xâm. Tất thảy sau đó đều có chung cục thất bại, nhưng đã hề chi cái nghĩa cả anh hùng da ngựa bọc thây.
Tuổi thơ bần hàn
Nói về quê quán Võ Duy Dương, thời gian gần đây, gốc tích của ông mới được tỏ tường, chứ dạo những năm 50 thế kỷ trước, vẫn còn mông lung lắm. Bằng chứng là Thái Bạch khi viết về “Bốn vị anh hùng kháng chiến miền Nam: Trương Công Định, Nguyễn Trung Trực, Thiên hộ Dương, Thủ khoa Huân”, thì về phần bản quán của ông Thiên hộ, đã phải ghi là “Ông người ở đâu, sinh mất năm nào, không ai được biết rõ, và cũng không có sách vở nào ghi lại.
Chúng tôi hỏi thăm các vị bô lão ở Đồng Tháp Mười là nơi ông khởi nghĩa trước đây, có người thì nói ông, người gốc Gia Định, có người lại nói ông, người ngoài miền Trung”. Còn Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Hầu thì cho rằng ông là người miền Nam.
Trong hành trình tìm về dấu xưa của người anh hùng họ Võ, ta biết được rằng, Võ Duy Dương quê ở thôn Cù Lâm Nam, nay là Nam Tượng nằm dưới chân núi Thơm, xã Nhơn Tân, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Quê quán của ông, có thể xem thêm qua “Định Tường Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân tiểu truyện”. Gốc tích của tổ tiên Võ Duy Dương 6 đời trước, tức cụ Võ Hữu Man, lại là từ miền Bắc vào Bình Định sinh cơ lập nghiệp.
Võ Duy Dương, theo nghiên cứu “Võ Duy Dương với Đồng Tháp Mười”, được sinh ra trong gia đình có 7 người con, nhưng còn sống đến khi trưởng thành thì có 3 trai, 2 gái. Trong đó, Võ Duy Dương có người anh thứ là Võ Duy Tân từng tham gia phong trào Cần vương nơi Bình Định do Mai Xuân Thưởng chỉ huy, rồi bị án chém sau cuộc nổi dậy của Võ Trứ. Thân sinh Võ Duy Dương, là ông Võ Hữu Đức, dẫu gia đình chuyên nghề nông chẳng mấy khá giả, nhưng “vẫn cố gắng cho con học một ít chữ nho với thầy đồ ở trong thôn”.
Khi Võ Duy Dương còn nhỏ, thì cha mất, gia cảnh lại thêm bần hàn hơn. Để sinh kế độ nhật được, chú bé Dương đi ở chăn trâu thuê. Theo truyền lại, thì Dương yêu thích võ nghệ, hay tụ tập bạn bè đánh trận giả. Có lần lỡ tay làm thiệt mạng một người bạn, quan sở tại biết hoàn cảnh gia đình, lại tiếc tài võ nghệ, nên tha cho và nhận làm con nuôi. Cái tài võ nghệ của Võ Duy Dương, thật xứng danh người đất võ lắm.
Thiên hộ Dương |
Tinh thông võ nghệ
Sinh ra nơi đất võ Bình Định, có tiếng qua câu ca dao: “Ai về Bình Định mà coi/Con gái Bình Định đánh roi đi quyền”. Thế nên, hẳn nhiên nơi Võ Duy Dương, cái tinh thần thượng võ đã hiện diện rồi. Có khác chăng là so với bạn đồng lứa, Dương tỏ ra kiệt xuất hơn cả. Có lần trong kỳ thi võ, Võ Duy Dương cử được một lúc 5 trái lĩnh, mỗi trái nặng 60 cân ta, tức khoảng 30 cân tây bây giờ (hai tay xách hai trái, hai nách kẹp hai trái, miệng cắn giữ một trái), từ đó ông được mọi người đặt cho biệt hiệu là Ngũ Linh Dương.
Muốn biết cái tài võ nghệ tuyệt luân của người con đất võ ấy ra sao, thiết nghĩ, bạn đọc nên xem qua miêu tả của Nhà nghiên cứu Huỳnh Minh trong “Định Tường xưa và nay”, chuyện “Ngài Thiên hộ võ nghệ tinh thông”. Ấy là nói về lúc Thiên hộ Võ Duy Dương đã cứ hiểm ở đất Đồng Tháp Mười chống Pháp. Có lần, ông biểu diễn tài nghệ của mình cho mọi người cùng xem; nay, xin thuật lại đại lược: Tục truyền rằng ngài Thiên hộ có một đường roi “song đôi” rất tài tình, đã có lần ngài dượt qua, có các bậc tướng hạ thân cận xem, ai cũng thán phục.
Lần ấy, nơi một cái sân rộng, tràm và trâm bầu che kín xung quanh, Thiên hộ Dương cởi áo, đoạn lấy cây roi bằng khúc mây lớn hơn cườm tay, múa lên. Lúc đầu còn thấy bóng người, sau chỉ còn nghe thấy tiếng vù vù, khúc mây cong như cao su, bao bọc lấy thân Thiên hộ trong nửa tiếng đồng hồ.
Thiên hộ Dương tới lui xung quanh cái sân, rồi tiến vào giữa sân, hai chân chỉ xê dịch một chỗ không sai chút nào, tiếng gió phát ra từ đường roi vi vút đến rợn người. Đây là thế “yểm mình” lợi hại, mà như Thiên hộ Dương nói là “khi nào bị vây giữa vòng thì thượng bảo kỳ thân, hạ bảo kỳ mã” (trên giữ mình, dưới che cho ngựa)”. Múa xong, Thiên hộ ngừng roi, một tiếng vút từ ngọn roi đập xuống đất, rồi nhanh như chớp, thân mình Thiên hộ đã lao lên đứng trên gò cao ba thước gần đó.
Còn dân gian vùng Bình Cách, nay vẫn lưu truyền giai thoại về “Ông Năm Linh bà Bảy Vàng” với đại ý, ông Năm Linh người miền Trung, võ nghệ cao cường, tánh tình cương trực, hay làm việc nghĩa, giao du rộng, vào Nam lập nghiệp.
Lúc Tây xâm lược Nam Kỳ, ông đứng ra chiêu mộ nghĩa dõng, quyên góp lúa gạo mua súng đạn đánh Tây, được nhiều người hưởng ứng”. Ấy, cái tài võ nghệ của họ Võ, đại khái có thể thấy tuyệt luân là thế. Nên từ ấy, cái tố chất làm thủ lĩnh, xông pha trận mạc, hẳn có căn cơ lắm.
Tượng Võ Duy Dương trong Bảo tàng tỉnh Đồng Tháp |
Nam tiến đánh giặc dựng công
Năm Quý Sửu (1853), vua Tự Đức ban hành chính sách đồn điền. Hưởng ứng chính sách đồn điền của triều đình, 4 năm sau, tức năm Đinh Tỵ (1857), Võ Duy Dương sau khi lấy vợ, ông vào Nam tìm đến đất Ba Giồng thuộc Định Tường chiêu dân lập ấp để khai hoàng. Chính ở đây, ông kết bạn với Nguyễn Hữu Huân. Chỉ một năm sau, thực dân Pháp đem tàu đồng, súng ống xâm lược nước Nam.
Không thành trong việc chiếm bán đảo Sơn Trà, năm Kỷ Mùi (1859), Pháp đem quân xuôi vào Nam Kỳ, đánh Gia Định. Lúc này, ngoài quan quân triều đình trực tiếp cự chiến với giặc, thì ở những vùng xung quanh đất Gia Định, nhiều đội quân đồn điền được lập nên, cùng tham gia chống Pháp. Đội quân đồn điền của Trương Định, dân binh của Võ Duy Dương và Thủ khoa Huân cũng tham gia vào công cuộc bảo vệ đất nước.
Cũng bởi việc chiêu mộ nghĩa dũng chống Pháp, Võ Duy Dương và Thủ khoa Huân được phong chức Chánh quản đạo và Phó quản đạo. Cuối năm này, ông cùng một số thuộc hạ thân tín vượt biển ra Huế, dâng kế đánh giặc. Sau đó, ông được phái đi dẹp cướp biển và mọi Đá Vách ở Quảng Ngãi.
Nơi “Đại Nam thực lục” có chép: “Nguyên phái đi bắt giặc ở Quảng Ngãi là Chánh bát phẩm Thiên hộ Võ Duy Dương, khi ấy cũng ở trong bọn tùy phái”. Vậy là ông được triều đình phong chức Thiên hộ, hàm Chánh bát phẩm. Sau này, tên tuổi ông cũng gắn liền với chức ấy.
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ diệt mọi Đá Vách, Võ Duy Dương xuôi Nam, tiếp tục cuộc chiến đấu chống Pháp. Tháng 8 năm Tân Dậu (1861), do mộ được 1.000 nghĩa dũng, ông được triều đình cử Khâm sai Đỗ Thúc Tịnh trao cho chức Quản cơ, cùng Nguyễn Hữu Huân xây dựng căn cứ Bình Cách nơi Định Tường. Cuộc chiến đấu chống Pháp của Thiên hộ Dương từ đây cho đến khi kết thúc, diễn ra vô cùng quyết liệt, như “Cận đại Việt sử diễn ca” ghi:
“Căm thù Pháp cướp Nam kỳ,
Nghĩa binh chiêu mộ, cánh vi kiêu hùng”...
Bình luận
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu