“Nếu có dịch vụ này, tôi xung phong được uống say và xin được đưa về đầu tiên, với điều kiện người đưa về phải là…nữ giới”, anh Nguyễn Hữu Giang, nhân viên kinh doanh bất động sản bình luận trước thông tin Ủy ban ATGT Quốc gia công bố hôm qua, 3/12 về mô hình “điểm kinh doanh bia rượu an toàn giao thông”.
“Tôi thấy mô hình này khó khả thi mặc dù ý nghĩa rất tích cực bởi hai lẽ, khi đã uống say, khách hàng không còn tỉnh táo để nghe theo lời khuyên bảo của bạn bè chứ nói chi tới người lạ. Hai là lực lượng “vận động người dân không lái xe sau khi uống bia rượu” sẽ do đơn vị nào tổ chức và quản lý, ai sẽ tập huấn nghiệp vụ “nói chuyện với người say” cho họ”, anh Giang phân tích.
Đồng tình với ý kiến của anh Giang, anh Nguyễn Ngọc Sơn, chủ một nhà hàng nổi tiếng tại quận Long Biên, Hà Nội cũng băn khoăn: dường như đơn vị đề xuất dịch vụ “thuyết phục người say” “đưa người say về nhà an toàn” thiếu thực tế. “Là chủ quán nhậu, tôi ý thức rất rõ rệt về tác hại của người say tham gia giao thông nên chủ động “ngầm” yêu cầu nhân viên không bán thêm rượu, bia cho nhóm khách nào đã “quá chén”. Nhiều lần vì từ chối bán rượu, bia cho khách đã uống say mà nhân viên của chúng tôi bị khách la mắng, thậm chí đòi hành hung. Nhân viên của quán còn thế, huống hồ lực lượng vận động như báo chí nêu, giống như người đi “hòa giải cơ sở”, nếu xuất hiện và khuyên can họ bỏ lại xe, đưa họ về nhà, không khéo lại bị “ăn đòn” hoặc xúc phạm”, anh Sơn nói.
Thăm dò ý kiến
Theo bạn dịch vụ đưa khách say rượu về nhà có khả thi không?
Chị Nguyễn Thị Thanh, chủ quán nhậu bình dân ở quận 9, TP Hồ Chí Minh cũng chia sẻ: "Khách nhậu đến độ say thường không nhớ địa chỉ nhà, không lẽ trước khi họ uống mình phải lấy địa chỉ nhà trước. Bữa hổm có anh nhậu "quắc cần câu", mình thuê taxi chở ảnh về, lúc lên xe taxi họ lấy số máy của quán, lâu sau tài xế gọi lại bảo: hỏi khách: nhà anh ở đâu, khách bảo cứ chạy tới đường Lê Quý Đôn, tới nơi ảnh chỉ hóa ra là nhà tang lễ thành phố".
Cũng theo anh Sơn và chị Thanh thì mô hình “điểm kinh doanh bia rượu an toàn giao thông” chỉ có một điểm khả thi là có dịch vụ trông giữ xe an toàn qua đêm cho khách đã uống rượu bia và không thể tự lái xe. “Để thực hiện được điều này, các quán sẽ phải có thông báo rõ với khách hàng trước khi họ uống rượu bia. Mức phí các quán được thu khi trông xe qua đêm cho khách cũng phải được quy định”.
Trước đó, như PLVN đã đưa tin, lực lượng cảnh sát giao thông công bố sẽ có 3 đợt cao điểm tuần tra, xử lý nồng độ cồn với người tham gia giao thông. Đợt một từ 15/12 đến 31/12, tiếp đó là từ 15/1 đến 31/1/2015 và từ 15/2 đến 28/2/2015.
Bên cạnh tăng cường kiểm tra, xử phạt, Ủy ban ATGT quốc gia sẽ phối hợp với Hiệp hội Rượu, bia, nước giải khát xây dựng mô hình "Điểm kinh doanh bia rượu an toàn giao thông" thí điểm tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM. Tại các điểm kinh doanh bia rượu sẽ có lực lượng vận động khách hàng không lái xe sau khi uống bia rượu, có dịch vụ trông giữ xe qua đêm, dịch vụ đưa khách hàng đã uống rượu về nhà để đảm bảo an toàn.
Trao đổi với PLVN chiều 4/12, đại diện Ủy ban ATGT quốc gia cho biết đây mới chỉ là đề xuất, chưa có gì cụ thể. Trong tuần tới đơn vị này mới làm việc với Hiệp hội Rượu, bia, nước giải khát để bàn cụ thể, chi tiết cũng như xem xét tính khả thi.
Liệu mô hình này có thể triển khai hay không và hoạt động như thế nào?
PLVN tiếp tục cập nhật thông tin.