Bạo hành gia tăng, hỗ trợ khơi khơi
Nạn nhân của BLGĐ không chỉ bị sang chấn về mặt tâm lý mà còn phải chịu nhiều hậu quả về thể xác như tổn thương cơ thể, sảy thai, đẻ non, HIV... Chính vì lẽ đó, họ là đối tượng chính của ngành Y tế. Báo cáo của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) Lạng Sơn cho thấy, chỉ trong 06 tháng đầu năm 2013 đã có tới 436 vụ BLGĐ xảy ra trên địa bàn tỉnh, trong khi cả năm 2010 chỉ có 506 vụ.
Ngay cả ở Hà Nội vẫn tồn tại rất nhiều tình trạng chồng đánh vợ gây thương tích rất nặng như dùng thanh sắt đánh vào đầu gây chấn thương sọ não, hoặc vợ đang có thai 08 tháng bị chồng dùng kéo… cắt tai chỉ vì anh này đang ngủ thì chị dậy bơm nước làm ảnh hưởng đến giấc ngủ…
Ảnh minh họa. Nguồn Internet |
Những con số, vụ việc kể trên chỉ là rất nhỏ trong số hàng ngàn, hàng vạn vụ việc BLGĐ đã được thống kê và biết tới. Theo chủ trương và chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, hiện ngành Y tế đã triển khai thực hiện việc hỗ trợ chăm sóc sức khỏe, thống kê, báo cáo đối với nạn nhân BLGĐ tại một số cơ sở y tế.
Tuy nhiên, theo nhận xét của chính những đơn vị đang thực hiện nhiệm vụ này thì do những hạn chế về giao tiếp, chưa đồng cảm thực sự với bệnh nhân – nạn nhân BLGĐ nên không khai thác được hoàn cảnh, lý do vào viện của bệnh nhân. Một phần bệnh viện cũng quá tải nên cán bộ y tế chưa thực sự quan tâm đến việc phân loại, sàng lọc và tư vấn cho bệnh nhân. Bên cạnh đó, nạn nhân vẫn còn e ngại, chưa chủ động tìm đến các cơ sở nhờ giúp đỡ… Đặc biệt, kinh phí dành cho hoạt động này chưa rõ ràng nên việc thực hiện thiếu hiệu quả và đồng bộ.
Hà Nội là một trong những địa phương gần như đi đầu và triển khai khá sớm hoạt động này tại một số cơ sở y tế, nhưng theo TS. Nguyễn Thị Vân Anh (Sở Y tế Hà Nội) thì hệ thống giám sát, thống kê, báo cáo số lượng chưa được triển khai thường xuyên. Hầu hết cán bộ chưa được tập huấn về công tác phòng chống BLGĐ, thậm chí 70 – 80% cán bộ y tế còn chưa biết đến Thông tư 16. Tại các cơ sở triển khai đều chưa có trung tâm/phòng tư vấn riêng cho nạn nhân BLGĐ…
Không riêng Hà Nội, hầu hết các cơ sở triển khai tại các tỉnh, thành phố đều có chung tình trạng này. “Hầu hết các cán bộ y tế khá lúng túng khi tiếp cận với nạn nhân BLGĐ, thường họ chỉ quan tâm đến vấn đề điều trị và chăm sóc sức khỏe mà chưa chú ý đến các nội dung khác liên quan đến BLGĐ; các cơ sở khám chữa bệnh thì đều khó khăn về cơ sở vật chất nên khó bố trí được nơi tạm lánh an toàn cho bệnh nhân trong bệnh viện...” - đại diện cho tỉnh Lạng Sơn, BS Hoàng Thị Hiền, Phó Giám đốc Sở Y tế nhận xét.
Quan trọng là có muốn làm hay không
Theo đại diện của Trung tâm Hỗ trợ phụ nữ bị bạo hành, thực tế khi thực hiện sàng lọc, chăm sóc sức khỏe nạn nhân bị bạo hành trong bệnh viện kết quả chưa thực sự như mong muốn. Làm thế nào vừa sàng lọc được, vừa tránh quá tải cho cán bộ y tế là vấn đề nhất thiết phải đặt ra, chứ chỉ dừng lại ở việc điều trị và chăm sóc sức khỏe thì không ổn.
Còn theo quan điểm của đại diện Vụ Gia đình, Bộ VH-TT&DL thì ở đâu có sự quan tâm, ở đó sẽ làm tốt. Vì thế, chúng ta phải tiếp tục vận động để nhận được sự quan tâm của lãnh đạo đơn vị cũng như thủ trưởng các đơn vị. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng nên đề xuất kiểm tra, giám sát thường xuyên để đảm bảo quyền lợi của các nạn nhân bị bạo hành, theo hướng tất cả các bệnh nhân bị bạo hành phải được bảo hiểm y tế chi trả (hiện nay hơn nửa nạn nhân BLGĐ vẫn không được bảo hiểm y tế chi trả khi điều trị tại các cơ sở y tế).
TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý KCB, Bộ Y tế cho hay: “Văn bản đã rõ ràng, kinh phí thì tự chủ, quan trọng là có quan tâm và muốn làm hay không, chứ chưa làm, chưa triển khai, mà cứ nêu khó khăn, kiến nghị thì rất khó”. Để làm được điều này, theo ông Khuê, vai trò, trách nhiệm của Trưởng các phòng khám, Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc bệnh viện, Chủ tịch UBND các tỉnh là rất quan trọng.
“Tỉnh nào làm tốt sẽ phát hiện được nhiều, chứ không phải bạo hành nơi này nhiều, nơi kia ít. Lãnh đạo địa phương, cơ sở y tế nào quan tâm thì chắc chắn kết quả nơi ấy sẽ tốt hơn’’ - lãnh đạo Cục Quản lý KCB khẳng định.