Số liệu tổng hợp từ Cục Quản lý Lao động ngoài nước, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, 6 tháng đầu năm 2015, cả nước có 56.173 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; đạt 59,3% kế hoạch năm. Trong đó, các thị trường chủ yếu vẫn là Đài Loan, Nhật Bản và Ả rập- Xê út.
Riêng thị trường Ả rập - Xê út, hiện nay có khoảng 16 nghìn lao động Việt Nam đang làm việc.
Tuy nhiên, theo số liệu từ Cục Quản lý Lao động ngoài nước thì đây lại là thị trường có các vụ khiếu kiện, khiếu nại của lao động khá cao.
Cụ thể, năm 2014, cơ quan quản lý về lao động ngoài nước đã nhận được 60 đơn thư, vụ việc khiếu nại liên quan đến thị trường Ả rập Xê út; và 4 tháng đầu năm 2015 đã có đến 50 vụ xảy ra tại thị trường này.
Cục Quản lý Lao động ngoài nước cho biết, nội dung khiếu nại của lao động thường liên quan đến chủ sử dụng ngược đãi, điều kiện ăn ở và thời gian làm việc… Và, phần lớn khiếu nại của lao động là đúng sự thật.
Lý do theo giải thích của đại diện cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực xuất khẩu lao động rằng, lao động sang thị trường này chủ yếu là làm giúp việc gia đình, một loại hình công việc không thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật lao động hoặc ít được bảo vệ hơn so với các loại hình lao động khác.
Ngoài ra, giúp việc gia đình chủ yếu là phụ nữ, dễ bị tổn thương cả về yếu tố bản chất công việc và yếu tố giới.
Môi trường làm việc trong gia đình cũng làm tăng tính phụ thuộc và dễ bị lạm dụng, không được giao tiếp với gia đình ở quê nhà; đặc biệt là bị hạn chế trong việc tiếp cận những dịch vụ hỗ trợ cũng như các tổ chức có thể hỗ trợ và bảo vệ họ khi cần thiết.
Hiện, có khoảng 5.000 lao động Việt Nam làm giúp việc gia đình tại Ả rập Xê út, chiếm gần 1/3 trong tổng số hơn 16.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại thị trường này.