Chỉ đạo về biện pháp phòng trừ rầy nâu, vàng lùn và lùn xoắn lá lúa, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh yêu cầu, các địa phương phải thực hiện nguyên tắc trên 2% (diện tích lúa nhiễm bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá) là phải tiêu hủy ngay không để lan rộng.
Thứ trưởng Doanh nhấn mạnh, bài học trước đây về bệnh này đã có, hậu quả là chúng ta mất hàng tră, ngàn tấn thóc vì chủ quan. Vì thế, địa phương nào phát hiện có bệnh là phải tập trung xử lý dứt điểm không đợi chờ nghiên cứu số liệu. Bộ NN&PTNT "lệnh": nơi nào để dịch bệnh này lan rộng thì phải chịu trách nhiệm.
Theo Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT, dịch rầy nâu và bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá lúa tái bộc phát từ giữa vụ Hè Thu 2017 sau hơn 10 năm khống chế tốt dịch hại. Nguyên nhân tái phát là do mất cân đối về cơ cấu giống lúa nhiễm rầy, nhiễm bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá lúa, điển hình là giống OM5451 đã gia tăng nhanh diện tích gieo trồng ở nhiều tỉnh ĐBSCL.
Còn nguyên nhân khác là các địa phương chưa có biện pháp kiểm soát chặt chẽ lịch mùa vụ gieo sạ, nhất là ở cấp xã, vùng giáp ranh giữa các xã, huyện hoặc vùng không chủ động nguồn nước tưới. Cùng với đó là tập quán canh tác truyền thống của nông dân như sạ dày, bón nhiều phân đạm, phun thuốc trừ sâu không theo khuyến cáo cũng là nguyên nhân khiến bệnh này có nguy cơ lan rộng như hiện nay.
Được biết, năm nay ĐBSCL sẽ sản xuất 832 ngàn héc ta lúa Thu Đông, tăng 7.071 héc ta so với năm 2016; năng suất ước đạt 55,9 tạ/héc ta, tăng 4,93 tạ/héc ta; sản lượng ước đạt hơn 4,65 triệu tấn, tăng 446.410 tấn so với vụ Thu Đông 2016.
Theo Bộ NN&PTNT, việc tăng lúa thu đông là để bù đắp việc sụt giảm 226.095 tấn lúa trong vụ Đông Xuân vừa rồi trong bối cảnh mà tình hình xuất khẩu gạo có chiều hướng khả quan và nhiều triển vọng tăng trưởng về lượng và giá có lợi cho cả người sản xuất và doanh nghiệp.