Nhiều tình tiết cần xem xét
Ngược thời gian, thời điểm năm 2003, sau khi đồng ý bán đất nền và rẫy cho bà Bùi Ngọc Diễm với giá 198 triệu đồng thì ông Phùng Văn Ngọc, bà Nông Thị Khánh đã cùng bà Diễm lên UBND xã xin giấy phép xây dựng nhà trên 300m2 thổ cư đó. Bà Diễm đầu tư hơn 2 tỷ đồng tại mảnh đất mới mua xây dựng nhà cửa và cơ sở hạ tầng phục vụ cho việc kinh doanh.
Trong quá trình hoàn thiện thủ tục chuyển quyền sử dụng mảnh đất cho bà Diễm thì ông Ngọc, bà Khánh đã lẳng lặng đi chuyển 300m2 đất thổ cư thành đất nông nghiệp; rồi kiện bà Diễm ra tòa với lý do bà Diễm không hợp tác hoàn tất thủ tục chuyển nhượng.
Tại Bản án sơ thẩm ngày 27/9/2005, TAND huyện Định Quán đã bác yêu cầu xin hủy hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất của vợ chồng ông Ngọc, bà Khánh; yêu cầu bà Diễm thanh toán cho vợ chồng ông Ngọc, bà Khánh 254.545.243 đồng tiền chuyển nhượng giá trị quyền sử dụng đất.
Bà Diễm kháng cáo, cho rằng Tòa buộc bà phải trả 254.545.243 đồng là không đúng bởi lỗi là do ông Ngọc, bà Khánh tự ý đề nghị UBND huyện xóa 300m2 đất nền thổ cư, thì TAND tỉnh Đồng Nai tại Bản án phúc thẩm số 59/2006/DSPT ngày 17/3/2006 đã sửa một phần án sơ phẩm về phần buộc bà Diễm phải thanh toán cho ông Ngọc, bà Khánh số tiền 305.460.000 đồng và giữ nguyên các quyết định khác của bản án sơ thẩm.
Không đồng ý, bà Diễm làm đơn đề nghị giám đốc thẩm và TANDTC tại Quyết định giám đốc thẩm số 59/2006/DS-GĐT ngày 19/3/2006 đã hủy Bản án dân sự phúc thẩm số 59/2006/DSST, giao hồ sơ cho TAND tỉnh Đồng Nai xét xử phúc thẩm lại. Ngày 21/4/2009, TAND tỉnh này xét xử lại và ra Bản án dân sự phúc thẩm số 91/2009/DSPT buộc bà Diễm trả cho ông Ngọc, bà Khánh 1.592.108.430 đồng.
Như vậy, không chỉ càng kêu thì số tiền phải trả càng cao mà một số luật gia còn cho rằng Bản án phúc thẩm số 91/2009/DSPT đã vi phạm nghiêm trọng tố tụng. Bản án này đã công nhận hợp đồng thì phải giải quyết theo hướng công nhận hợp đồng nên bà Diễm chỉ phải trả số tiền còn thiếu cho bên bán hoặc bà Diễm chỉ trả số tiền cộng với lãi chậm trả theo quy định của pháp luật.
Nhưng TAND tỉnh Đồng Nai lại giải quyết theo đường lối hủy hợp đồng, không xem xét, xác định lỗi của các bên, buộc bà Diễm chịu toàn bộ chênh lệch giá là sai lầm nghiêm trọng. Thêm nữa, ông Ngọc, bà Khánh đồng tình với Bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Đồng Nai buộc bà Diễm phải trả số tiền 305.460.000 đồng; trong khi bà Diễm là người khiếu nại mà Bản án phúc thẩm số 91 lại buộc bà Diễm phải trả cho ông Ngọc, bà Khánh số tiền lên tới 1.592.108.430 đồng là điều vô lý.
Gian nan tìm gặp Chánh án
Ngay sau khi nhận được Bản án dân sự phúc thẩm số 91 của TAND tỉnh Đồng Nai, bà Diễm đã khăn gói ra Hà Nội kêu oan. Bà Diễm cho biết: “Gần 5 năm qua, cứ cận tết là tôi lại bắt xe từ Hà Nội về Đồng Nai, hết tết lại thu xếp đồ đạc ra Hà Nội tìm đến các cơ quan chức năng để gửi hồ sơ kêu oan”.
Trong thời gian “bám” đất Thủ đô, bà gần như quen mặt với bảo vệ công an làm nhiệm vụ ở TANDTC và VKSNDTC. Và trong khoảng thời gian đằng đẵng đó, kết quả bà nhận được là ý kiến của Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc; Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước, lên tiếng chuyển đơn đề nghị TANDTC xem xét giải quyết.
Còn TANDTC rồi cũng trả lời bà: “Tòa án hai cấp xác định vợ chồng ông Ngọc, bà Khánh không có nghĩa vụ phải giao cho bà (bà Diễm) 300m2 đất thổ cư như theo yêu cầu của bà; đồng thời xác định lỗi dẫn đến vụ việc hoàn tất hợp đồng bị kéo dài hoàn toàn thuộc về bà… nên không có sơ sở chấp nhận nội dung nêu trong đơn khiếu nại của bà”.
Rơi nước mắt khi đọc bài đăng trên PLVN, bà Diễm nói: “Tôi chưa đến mức bị điên khi biết sai mà vẫn đi khiếu kiện. Thực sự tôi bị oan nên ngần ấy năm trời bỏ công, bỏ của ra Hà Nội kêu oan. Tôi đã nhiều lần xin gặp Chánh án TANDTC để trình bày sự việc nhưng không được, nên nguyện vọng của tôi là xin một lần được gặp ông Chánh án để trình bày và đưa đơn”.
Chúng tôi không bình luận chuyện đúng, sai của bản án, mà thiết nghĩ nguyện vọng của bà Diễm – một công dân tận miền Nam xã xôi đã nhiều năm lặn lội ra Hà Nội để khiếu nại – cũng cần được người đứng đầu ngành Tòa án xem xét, cân nhắc.
Bà Diễm cho biết: “Nếu không có cái biển rao “Bán nền nhà + rẫy” ngày 29/6/2003 mà ông Phùng Văn Ngọc và bà Nông Thị Khánh treo trước hàng rào mảnh đất thì tôi sẽ không bao giờ đến mua. Sau khi cùng tôi lên UBND xã xin giấy phép xây dựng, ông Ngọc, bà Khánh còn kêu tôi ăn khao. Vậy mà sau đó hai vợ chồng này đã lên UBND xã tự ý xóa 300m2 đất thổ cư thành đất nông nghiệp trên tờ bản đồ mà không thông báo cho tôi biết. Khi tôi không đồng ý thì họ kiện tôi ra tòa với lý do tôi không hợp tác”.