“Kêu trời” không thấu
KCN Quảng Phú là một trong những khu công nghiệp lớn của tỉnh Quảng Ngãi với 32 doanh nghiệp đang hoạt động. Để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường, tỉnh Quảng Ngãi đã đầu tư 42 tỷ đồng xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung, công suất xử lý giai đoạn 1 đạt 4.500 m3/ngày đêm.
Năm 2012, công trình hoàn thành và được bàn giao cho Công ty TNHH MTV đầu tư, xây dựng và kinh doanh dịch vụ Quảng Ngãi (QISC) quản lý và vận hành. Thế nhưng chỉ sau vài năm đi vào hoạt động, trạm xử lý nước thải tại KCN Quảng Phú đã trở nên “quá tải”, khiến tình trạng ô nhiễm thêm trầm trọng và kéo dài.
Người dân sống gần tuyến kênh Bàu Lăng (thuộc 2 tổ dân phố 23 và 24, phường Quảng Phú) thường xuyên phải đóng cửa vì tình trạng ô nhiễm. Nước kênh đen kịt, bốc mùi hôi thối nồng nặc. Nguy hại hơn, nguồn nước giếng ở khu vực này bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
“Vào ban đêm, dù đã đóng kín mít cửa nhưng mùi hôi tanh từ nước thải của các nhà máy chế biến thủy sản vẫn bay vào nhà, làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân”, ông Nguyễn Kỷ (ở tổ dân phố 23) thở dài.
Bà Bùi Thị Bốn (ở tổ dân phố 23) bức xúc: “Tuyến kênh Bàu Lăng chứa nước thải, bùn đọng lại đặc quánh, nước thải thì hôi tanh nên ai cũng sợ. Không chỉ bị ảnh hưởng bởi mùi hôi, chẳng ai còn dám sử dụng nguồn nước ngầm. Mong mỏi nhất của chúng tôi là có nguồn nước sạch để sử dụng, đảm bảo cho sức khỏe”.
Tình trạng ô nhiễm diễn ra nhiều năm khiến người dân rất bức xúc. Người dân ở tổ dân phố 23 và 24 đã có đơn cầu cứu gửi cơ quan chức năng. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm mùi vẫn không được cải thiện khiến người dân có những phản ứng dữ dội. Gần đây nhất là vào tháng 6 và đầu tháng 10/2017, người dân đã kéo đến trạm xử lý nước thải tại KCN Quảng Phú đòi đập phá.
“Ở đây, người dân chúng tôi kiến nghị, cầu cứu suốt mà vẫn thối chịu không thấu, khách đến nhà chơi không dám ngồi lâu. Sống với ô nhiễm như thế này ai cũng lo sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe”, ông Kỷ nói.
Trạm xử lý nước thải KCN Quảng Phú |
Yêu cầu xử lý dứt điểm
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Trung Quân - Giám đốc Công ty QISC, cho biết: “Việc xử lý nước thải tại trạm gồm xử lý nước và xử lý mùi. Riêng xử lý nước chúng tôi làm rất tốt, trong khi việc xử lý mùi từ nước thải các cơ sở chế biến thủy sản vẫn chưa đảm bảo nên gây mùi hôi”.
Theo ông Quân, ban đầu trạm xử lý nước thải chỉ phục vụ cho 3 nhà máy chế biến thủy sản nhưng đến thời điểm này phải tiếp nhận xử lý nước thải của 17 nhà máy. Trong khi đó, các nhà máy này lại không có hệ thống xử lý nước thải nội bộ theo quy định mà trực tiếp đưa về trạm xử lý tập trung.
“Vì vậy, khi các nhà máy thủy sản hoạt động hết công suất hàm lượng chất bẩn trong nước thải tại trạm xử lý quá cao nên việc xử lý mùi không đảm bảo. Nếu buộc các cơ sở chế biến thủy sản xây dựng hệ thống xử lý nội bộ thì chắc phải đóng cửa hết vì các doanh nghiệp không làm nổi”, ông Quân cho biết.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, sau nhiều lần người dân kiến nghị, tập trung đông người gây mất an ninh trật tự tại trạm xử lý nước thải KCN Quảng Phú, ngày 26/10, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có văn bản yêu cầu xử lý dứt điểm vấn đề ô nhiễm môi trường tại KCN này.
Theo đó, UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban Quản lý KCN Quảng Phú và Công ty QISC thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 4290/UBND-CNXD ngày 17/7/2017 và kiến nghị của Thường trực HĐND TP.Quảng Ngãi tại Công văn số 85/UBND ngày 16/10/2017, không để phát sinh điểm nóng làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Báo cáo UBND tỉnh và có văn bản phúc đáp Thường trực HĐND TP.Quảng Ngãi kết quả thực hiện về vấn đề trên chậm nhất ngày 15/11/2017.
Cuộc sống của người dân sống ở xung quanh KCN Quảng Phú vẫn đang từng ngày bị ảnh hưởng bởi tình trạng ô nhiễm môi trường. Các cơ quan chức năng cần sớm có giải pháp giải quyết dứt điểm để đảm bảo môi trường sống trong lành, không gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.