Demeter và con gái Persephone
Trong thế giới thần thánh, nữ thần Demeter tuy không có sức mạnh và quyền thế lớn lao như Zeus, Hera, Poseidon, Hades nhưng lại được người dân hết sức trọng vọng, sùng kính. Có lẽ sau vị thần lửaHephaistos thì Demeter là vị thần không gây cho trần gian một tai hoạ nào mà chỉ ban cho người dân biết bao nhiêu phúc lợi. Cũng phải nhắc đến nữ thần Hestia cho khỏi mất sự công bằng. Nàng cũng không hề gieo một tai hoạ nào xuống cho những người trần thế song nàng cũng không đem lại cho họ những phúc lợi lớn lao, nàng là vị thần của bếp lửa gia đình.
Demeter là con của Titan Cronos và Titan Rhea. Nàng là một nữ thần Đất. Nàng ban cho đất đai sự phì nhiêu để mùa màng được tươi tốt, cây cối được sai quả. Vì thế mà Demeter thường được gọi là nữ thần của nông nghiệp. Những hạt lúa mì từ khi gieo xuống đất, có nảy mầm được hay không, bông lúa có chắc, có mẩy không,…đó là công việc do người làm ruộng cũng như nữ thần Demeter lo toan, săn sóc.
Nữ thần có một người con gái duy nhất tên là Persephone, người con gái đẹp nhất trong số các thiếu nữ con cái của các vị thần. Đó là con của Demeter và thần tối cao Zeus. Tuy nhiên, nàng đã bị thần Hades bắt cóc đưa xuống dưới âm phủ làm vợ.
Truyền thuyết kể lại rằng, Hades vì quá buồn chán vì phải sống cùng những linh hồn người chết, ông xin phép Zeus hãy ban cho ông một cô vợ để bầu bạn. Zeus đồng ý, tuy nhiên người vợ mà Hades yêu cầu lại chính là nữ thần Persephone, con gái của Zeus và nữ thần nông nghiệp Demeter. Persephone rất xinh đẹp, cô đi đến đâu thì hoa cỏ mọc lên rực rỡ đến đó, khiến chúa tể địa ngục phải lòng thương nhớ.
Vì biết Demeter rất yêu con gái nên Zeus đã lén nói nhỏ rằng Hades nên… bắt cóc Persephone, nếu hỏi cưới đàng hoàng thì sẽ không thành công vì Demeter sẽ không bao giờ đồng ý để con mình sống dưới âm phủ.
Hades liền bay xuống vùng đất mà Persephone đang dạo chơi. Thần tạo ra một bông hoa thơm ngát. Persephone thích thú chạm vào bông hoa, ngay lập tức mặt đất nứt ra và bàn tay của Hades kéo cô xuống địa ngục. Sau đó, Hades đã lừa đưa Persephone một quả lựu với yêu cầu nếu nàng ăn nó sẽ được trở về với Demeter. Dĩ nhiên, Persephone sẽ ăn quả lựu đó.
Ác thay với người Hy Lạp, lựu là biểu tượng của vợ chồng, vì thế coi như Persephone có mối quan hệ ràng buộc với Hades. Mặt khác, thần linh đã quy định người đã ăn đồ dưới âm phủ, sẽ thuộc về âm phủ. Do Persephone đã ăn lựu ở âm phủ nên nàng đã trở thành người của âm phủ.
Còn Demeter, nàng đi khắp nơi này đến nơi khác tìm con. Sau chín ngày chín đêm, bà tìm chúa tể của mặt trời là Helios (tất cả các sự kiện trong ngày ông đều biết). Ông kể hết cho nữ thần nghe. Demeter liền đi phiêu bạt đó đây không ai biết được tung tích.Demeter vì nhớ con và thất vọng chuyện Zeus thông đồng với Hades nên đã vứt bỏ sứ mệnh chăm nom mùa màng, ngày đêm chỉ than khóc, khiến cho mọi loài cây trái hoa cỏ trên mặt đất phải héo úa, các loài động vật lẫn con người đều đứng trên bờ vực tuyệt diệt.
Nguồn gốc 4 mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông
Zeus khi tính toán, thu xếp cho Hades lấy Persephone hẳn đã không lường trước đến hậu quả ghê gớm xảy ra đối với thế giới thần linh và thế giới loài người. Từ khi nữ thần Demeter mất con, bỏ công việc đi tìm con và không trở về Olympus nữa, đất đai trở lên cằn cỗi, mùa màng thất bát. Cỏ xanh trên đồng không mọc nổi, hạt gieo xuống không nảy mầm, mưa không thuận, gió không hoà, đất rắn chắc lại đến nỗi một đôi bò kéo không đi nổi một đường cày. Nạn đói từng bước từng bước đến, nay giết hết gia đình này, mai giết hết làng xóm khác, không có cách gì ngăn chặn được.
Chỉ có cách trông chờ vào vụ sau được mùa. Nhưng lấy gì ăn để trông chờ. Và biết bao người đã chết trước khi vụ sau đến. Người đói, nên chẳng ai nghĩ đến việc cúng lễ, hiến tế các vị thần. Tiếng than khóc, oán trách các vị thần thấu tận trời xanh, thần Zeus không để nhắm mắt trước tình cảnh loài người có nguy cơ diệt vong.
Thần Zeus phái ngay nữ thần Iris xuống tìm gặp Demeter để thuyết phục nàng trở lại thế giới Olympus đảm đương công việc. Nhưng Iris cũng đành thất bại ra về, tiếp đó nhiều vị thần khác cũng được Zeus phái xuống thuyết phục nhưng tất cả không lay động được Demeter.
Nàng một mực trả lời, chừng nào mà con gái Persephone còn bị Hades giam giữ dưới âm ty, địa ngục thì chừng đó nàng còn để cho đất đai khô cằn, hạt không nảy mầm, lúa không đâm bông, cây không sinh trái, hoa không kết quả. Chừng nào mà Persephone chưa trở về với nàng thì đồng cỏ sẽ biến thành sỏi đá, mọi mầm non nụ xanh của cây cối đều thui chột, rồi chút lá xanh cũng thành héo úa, chút mạch nước ngầm trong lòng đất cũng sẽ kiệt khô. Mặt đất phì nhiêu sẽ thôi không sinh nở và u sầu như một người mẹ mất con.
Lúc này, Zeus mới thấy hậu quả khôn lường từ quyết định của mình nên đã đứng ra hòa giải, ông quy định mỗi năm Persephone sẽ có 6 tháng ở trên mặt đất cùng mẹ và 6 tháng quay lại địa phủ với chồng. Mỗi lần cô rời đi, Demeter lại buồn rầu khiến cây cỏ rụng lá, tuyết rơi dày đặc, tạo thành mùa thu và mùa đông. Khi Persephone quay trở lại, cây cối đâm chồi kết quả, khí hậu liền ấm áp cho muôn loài sinh trưởng, đó là mùa xuân, mùa hạ.
Demeter và Poseidon còn có một biệt danh chung là Thesmophora, tiếng Hy Lạp có nghĩa là “những người lập pháp”. Do đó ở nhiều địa phương trên đất Hy Lạp có ngày hội Thesmophorie – ngày hội thờ cúng nữ thần của sự phì nhiêu, no ấm, sung túc, những người bảo vệ cho đất đai, mùa màng, đặt ra luật lệ hôn nhân và pháp luật, trật tự cho xã hội. Trong những lễ hiến tế hai vị thần này, người xưa thường dâng lễ vật như bò, lợn, hoa quả, các tầng mật ong, bông lúa mì, hoa anh túc.
Demeter, Persephone và Triptoleme là ba vị thần của nghề nông, phản ánh thời kỳ con người đã định cư và tìm được một nguồn thức ăn mới, vững chắc hơn, phong phú hơn nguồn thức ăn kiếm được từ săn bắn, hái đượm. Tượng nữ thần Demeter được người xưa thể hiện là một người phụ nữ vẻ mặt nghiêm trang, tóc như những giẻ lúa mì buông xoã xuống hai vai, hai tay cầm những bông lúa mì chen vào với hoa anh túc, hai con rắn quấn quanh cổ tay.
Hoa anh túc tượng trưng cho giấc ngủ của đất đai và của người chết. Lúa mì, báu vật của Demeter mà nàng đã ban tặng cho loài người và gìn giữ cho loài người. Hai con rắn tượng trưng cho Đất và sự vĩnh cửu. Còn Triptoleme là một chàng trai ngồi bên một cỗ xe có hai con rồng có cánh, một tay cầm cây vương trượng, còn một tay cầm bông lúa mì.