Năm 1996, khi xét xử sơ thẩm, TAND TP Hải Phòng đã chia tầng 1 nhà số 8 Hai Bà Trưng cho ông Phẩm, bà Phương; diện tích tầng 2 (bao gồm cả phần gầm cầu thang lối đi lên tầng 2 của ngôi nhà) được chia cho bà Khuê.
Năm 2007, tức là 11 năm sau, Tòa Phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội mới xét xử phúc thẩm vụ kiện này. Khác với Tòa sơ thẩm, Tòa Phúc thẩm lại giao ngược lại phần diện tích gầm cầu thang (là nơi một người em trai của bà Khuê là ông Lê Quang Hùng, bộ đội xuất ngũ, một người bị bệnh tâm thần đang sinh sống) cho phía ông Phẩm, bà Phương.
Ngày 24/1/2008, Chánh án TANDTC đã ra quyết định kháng nghị giám đốc thẩm đối với bản án nêu trên. Ngày 14/5/2008 Hội đồng thẩm phán, TANDTC đã có quyết định giám đốc thẩm tuyên hủy bản án sơ thẩm, phúc thẩm. Giao hồ sơ vụ án cho TAND TP Hải Phòng xử lại từ trình tự sơ thẩm.
Trong quyết định giám đốc thẩm, TANDTC chỉ rõ: có cơ sở xác định Nhà nước không quản lý căn nhà số 8 Hai Bà Trưng, Hải Phòng khi thực hiện chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa.
Trong trường hợp này cần phải xác định cố Thứ, cố Khang (là ông bà của nguyên đơn, bị đơn) là chủ sở hữu căn nhà, nên hai cố có quyền sở hữu toàn bộ căn nhà, còn nội dung được thể hiện tại “Biên bản bàn giao nhà” ngày 10/4/1961 (Tòa Phúc thẩm đã căn cứ vào biên bản này để chia phần gầm cầu thang cho bị đơn, biên bản đang bị nghi giả mạo – PV) chỉ là xác nhận thực tế diện tích nhà số 6 Cát Dài (tức số 8 Hai Bà Trưng hiện nay - PV) và xác nhận những người trong gia đình cố Thứ, cố Khang sử dụng tại thời điểm Nhà nước giao nhà.
Việc xác nhận này không phải là căn cứ xác định người đang thực tế sử dụng nhà có quyền sở hữu và cũng không phải là căn cứ xác định một phần căn nhà trên là của Nhà nước cho cụ Nhân (bố bà Khuê) và các con của cụ thuê.
Cũng theo quyết định giám đốc thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm áp dụng không đúng tinh thần của Điều 8 Nghị quyết số 755/2005/NQ-UBTVQH11 ngày 02-4-2005 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và không áp dụng các quy định đã viện dẫn trên của pháp luật, từ đó xác định di sản của cố Thứ, cố Khang chỉ là tầng 2 nhà số 8 Hai Bà Trưng, nhưng lại không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn để chia thừa kế và xác định tầng 1 căn nhà số 8 Hai Bà Trưng là của Nhà nước, từ đó xác định các con của cụ Thìn (mẹ của ông Phẩm, bà Phương –PV), các con của cụ Nhân có quyền kê khai, làm thủ tục để được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất là không có cơ sở và không đúng pháp luật.
Hơn nữa, nguyên đơn khởi kiện yêu cầu chia thừa kế, bị đơn không chấp nhận và không có yêu cầu phản tố nhưng Tòa án cấp phúc thẩm lại xác định bị đơn có quyền quản lý, sử dụng và được làm thủ tục đăng ký, kê khai để được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất là không đúng và vượt quá yêu cầu của các đương sự. Ngoài ra, TANDTC còn chỉ ra một số vi phạm khác về mặt tố tụng của hai cấp tòa án.
Sau quyết định giám đốc thẩm, xung đột giữa nguyên đơn và bị đơn liên tục diễn ra khi gia đình ông Hoàng Viết Phẩm liên tục có hành vi đe dọa khiến bà Khuê phải cầu cứu khắp nơi và hành vi này, theo bà Khuê vẫn tiếp tục tái diễn khi ông Hùng, em trai bà Khuê mất. Trong khi vụ kiện kéo dài gây bất lợi cho bà Khuê thì lại hoàn toàn có lợi cho phía bị đơn vì ông này vẫn đang cho thuê cửa hàng quần áo và sửa chữa điện tử suốt hơn 20 năm qua.
Một trong những nguyên nhân gây chậm trễ trong việc mở lại phiên tòa sơ thẩm lần 2 là do TAND TP Hải Phòng phải chờ kết quả định giá tài sản được thực hiện từ năm …2009. Tuy nhiên, theo phản ánh của bà Khuê, việc định giá tài sản cũng không công khai, minh bạch, có nhiều khó hiểu và đặc biệt là kéo quá dài sẽ ảnh hưởng đến tính khách quan của vụ án.
Khởi kiện từ năm 1996, tức khi bà Khuê 53 tuổi đến nay bà đã 73, cái tuổi gần đất xa trời, 20 năm vì vụ kiện này gia đình bà đã trải qua bao biến cố, giờ sức đã tàn, lực đã kiệt nhưng bà Khuê vẫn vững tin vụ việc của mình sẽ được giải quyết một cách công bằng, khách quan, đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho bà và cả những người đã khuất.