Đây là diễn đàn trao đổi học thuật lần thứ 7, được tổ chức dưới hình thức luân phiên tại các trường thành viên với chủ đề được thay đổi qua mỗi năm.
Hội thảo được chia thành 4 phiên làm việc với 23 báo cáo chuyên đề được trình bày bởi 28 chuyên gia quốc tế đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc - là những nước sở hữu nền kinh tế hàng đầu tại châu Á, cùng nhiều học giả từ các viện nghiên cứu, trường đại học, các khoa chuyên ngành về Kinh tế ở Việt Nam.
Hội thảo với sự tham gia cả các chuyên gia quốc tế đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc Trung Quốc |
Hội thảo mang đến những góc nhìn đa chiều, những phân tích vừa tổng quan vừa cụ thể về tác động lan tỏa tích cực của FDI đối với sự tăng trưởng kinh tế ở cả các nước phát triển và đang phát triển, xu hướng dòng vốn FDI trên thị trường cũng như đề xuất những giải pháp thu hút đầu tư nước ngoài trực tiếp nhằm góp phần phát triển kinh tế của nước chủ nhà thông qua việc tạo việc làm, chuyển giao công nghệ sản xuất mới, chia sẻ kỹ năng quản lý và kiểm soát sản xuất cũng như cấp vốn trực tiếp,…
Theo nhóm đề tài ĐH Nagasaki, Nhật Bản, trong đề tài “Đầu tư trực tiếp nước ngoài của Nhật Bản - Các nghiên cứu về các nhà bán lẻ Nhật Bản đối với thị trường Châu Á”, PGS. Atsuji Ohara, Đại học Nagasaki chỉ ra rằng, châu Á là thị trường tiềm năng thu hút các nhà đầu tư Nhật bằng mạng lưới khách hàng mới, đặc biệt tầng lớp trung lưu ở các thị trường mới nổi. Các nhà bán lẻ Nhật Bản đang mở rộng FDI từ thị trường Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á bằng chiến lược đa dạng hóa hơn là chỉ tập trung vào thị trường Trung Quốc.
Còn nhóm tác giả gồm PGS. Pan-Do Sohn và NCS. Minh-Quy Tran của ĐH Dong-A ,Hàn Quốc đưa ra nhiều số liệu cho việc “Tại sao các công ty Hàn Quốc lại chọn đầu tư vào Việt Nam?”. Hiện tại, các công ty Hàn Quốc đang đầu tư vào 44 tỉnh, thành phố của Việt Nam và tập trung vào 3 khu vực thương mại trọng điểm, chiếm gần 85% tổng vốn đầu tư trực tiếp của Hàn Quốc tại Việt Nam. Trên hết, Việt Nam đang trở thành một trong những quốc gia đầu tư hấp dẫn không chỉ đối với các nước Châu Á, mà còn các nước lớn như Mỹ và Châu Âu.
Trong khi đó, nhóm đề tài ĐH Đông Á, Việt Nam có báo cáo cụ thể về “Thu hút đầu tư nước ngoài trực tiếp tại tỉnh Quảng Nam: Cơ hội cho những nhà đầu tư”, bên cạnh nhiều hạng mục đang thu hút đầu tư mạnh mẽ tại Quảng Nam như các dự án nhà máy điện, 80 dự án đầu tư ở 4 lĩnh vực Công nghiệp-Du lịch-Nông nghiệp-Phát triển đô thị trong giai đoạn 2017-2020, TS. Trần Ngọc Sơn cũng đề xuất các hướng đầu tư tiềm năng, tập trung vào các “đặc sản” tại Quảng Nam như: đầu tư công nghệ sinh học và các nhà máy chế biến bòn bon Tiên Phước; nhà máy sản xuất yến sào tại đảo yến Cù Lao Chàm, Hội An; công nghệ nhân giống sâm Ngọc Linh…
Trên cơ sở mối liên kết hợp tác giữa trường ĐH Dong-A, ĐH Nagasaki, Đại học Huaqiao với ĐH Đông Á, từ 2013 đến nay, 4 trường đại học cũng đạt được sự thống nhất cao và sẵn sàng xúc tiến hợp tác nhiều mặt dựa trên thế mạnh của từng thành viên trong đào tạo, nghiên cứu khoa học, đặc biệt chia sẻ sáng kiến và chuyển giao công nghệ mang tính ứng dụng cao thuộc các lĩnh vực công nghệ thông tin mã nguồn mở, điều dưỡng, công nghệ thực phẩm–sinh học, kinh tế, truyền thông quốc tế,...