Thiếu minh bạch?
Theo đó, Dự án Công viên Thiên Đường Xanh được UBND tỉnh Thái Nguyên phê duyệt quy hoạch với tỷ lệ 1/500, với tổng diện tích 185ha thuộc địa bàn 3 xóm Ao Sen, Hạ Đạt và Vạn Phú (xã Thành Công, huyện Phổ Yên) do Cty CP Xuất nhập khẩu Tổng hợp Hà Nội làm chủ đầu tư.
Phản ánh đến Pháp luật Việt Nam, nhiều người dân thuộc diện bị thu hồi đất cho biết, trong quá trình triển khai dự án, chính quyền đã bưng bít thông tin, những hộ dân có đất trong dự án không được mời họp hay thông báo gì về dự án. Theo đó, phía UBND huyện Phổ Yên và chủ đầu tư chỉ mời 30 - 40 cụ cao niên đến dự họp để thông báo...
“Chính quyền xã Thành Công rất quan liêu, một số lãnh đạo có biểu hiện tư lợi - ông Trần Văn Thắng, một người dân thuộc diện bị thu hồi đất cho dự án nói - Điển hình là ông Bí thư Đảng ủy xã Dương Đình Sáu. Ông Sáu biết có dự án về xã, vì thế ông này đã tổ chức cho người nhà đi thu mua đất ruộng, đất canh tác của dân với giá 12 triệu đồng/sào để hưởng lợi chênh lệch giá bồi thường của chủ đầu tư (giá bồi thường của chủ đầu tư khoảng 60 đến 70 triệu đồng/sào (360m2)”.
Theo nhiều người dân, mặc dù dự án lớn nhưng quá trình triển khai lại thiếu minh bạch, chỉ đến khi dựng biển báo dự án thì mọi người trong làng mới biết. Đặc biệt, nhiều năm nay dự án vẫn bất động, chưa tiến hành trên thực tế nên việc sản xuất kinh doanh của người dân chịu nhiều hệ lụy, muốn làm gì cũng “vướng” vào quy hoạch dự án.
Trước những sự việc này, người dân thuộc vùng dự án đã đề nghị được đối thoại với những người có trách nhiệm tại xã Thành Công và huyện Phổ Yên để biết dự án có tiếp tục được triển khai hay không, và quyền lợi của người dân tại dự án này sẽ hưởng thế nào…
Ông Nguyễn Đức Thịnh, Chủ tịch UBND xã Thành Công cho biết: “Dự án đã triển khai đâu mà nói đúng hay sai, công khai hay minh bạch. Tôi biết có một số hộ dân bức xúc về dự án nhưng thực tế xã không nhận được đơn từ gì. Ngược lại, trong tổng số 132 hộ dân có đất nằm trong dự án, có khoảng gần 100 hộ có đơn đề nghị dự án sớm triển khai, còn lại chỉ khoảng hơn 10 trường hợp phản đối”.
Sẽ đối thoại với người dân
Trước cáo buộc “gom đất” chờ dự án, Bí thư Đảng ủy xã Thành Công Dương Đình Sáu đã phủ nhận, đồng thời cho rằng chuyện mua đi bán lại đất ruộng vào thời gian trước ông có nghe nói, thực tế là có nhưng không nhiều, “chỉ khoảng vài mẫu thôi”.
“Việc người dân nói lãnh đạo xã làm việc này là không có cơ sở. Thực tế, xã đã thông báo những ai mua đi bán lại đề nghị trình báo với chính quyền xã để được xem xét nhưng có hộ dân nào trình báo đâu - ông Sáu nói - Còn nói về dự án này hay dự án khác, chúng tôi mong muốn có càng nhiều dự án càng tốt bởi ở vùng cao này, cuộc sống người dân rất khổ cực, thu nhập từ làm ruộng chẳng được bao nhiêu. Xã và huyện đã làm việc với chủ đầu tư một vài lần, họ cam kết sẽ hỗ trợ xây dựng trường học, nhà văn hóa, đường giao thông theo chương trình nông thôn mới số tiền lên tới hàng chục tỷ đồng...”.
Theo ông Lê Thanh Tuyết, Bí thư Huyện ủy kiêm Chủ tịch UBND huyện Phổ Yên, việc có thông tin lãnh đạo xã Thành Công tổ chức thu mua đất của người dân, lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện đã chỉ đạo kiểm tra, rà soát rất quyết liệt và thống nhất quan điểm đề nghị các hộ dân đã bán đất ra trình báo với chính quyền địa phương.
“Đặc biệt, khi dự án thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, chúng tôi sẽ chỉ chi trả cho các hộ dân có đất được Nhà nước giao và sẽ không giải quyết cho những trường hợp mua lại đất của người dân. Trường hợp nếu khiếu kiện xảy ra, tùy vào tính chất sự việc, nếu có dấu hiệu hình sự chúng tôi sẽ xử lý... Thực tế, việc tự ý mua đi bán lại này là hoàn toàn trái pháp luật” - ông Tuyết khẳng định.
Nhằm giải quyết tất cả những khúc mắc của người dân cũng như để chủ đầu tư có cơ hội trình bày về dự án, tới đây huyện sẽ tổ chức đối thoại với các hộ dân có đất trong vùng dự án – ông Tuyết cho biết thêm./.