Thấy được lợi ích, vui vẻ tham gia
Trong cái nắng hanh vàng đầu đông, chúng tôi đến nhà bà Cao Thị Loan (58 tuổi) ở xã Trung Thành, huyện Yên Thành. Giống như nhiều hộ dân ở đây, gia đình bà sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Bà Loan chia sẻ, năm 2001, bà có tham gia bảo hiểm nông dân (của Hội Nông dân tỉnh) để mong có thêm thu nhập lúc tuổi già. Nhưng năm 2008, loại hình bảo hiểm này không còn.
“Lúc đó, nhiều người trong vùng tham gia bảo hiểm nông dân như tôi nhanh chóng đưa ra quyết định nhận chế độ 1 lần. Tuy nhiên, nghĩ đến mục đích ban đầu của mình, tôi bàn với chồng không làm như vậy mà đợi để tham gia nối tiếp một loại bảo hiểm khác. Năm 2009, tôi biết đến BHXH tự nguyện với nhiều quyền lợi, ưu đãi, có sự đảm bảo lâu dài hơn nên tôi đã quyết định tham gia”- bà Loan tâm sự.
Đến năm 2016, Nhà nước có chính sách cho phép người tham gia BHXH tự nguyện có thể đóng 1 lần cho những năm còn thiếu cho đóng đủ 20 năm để có thể nhận lương hưu sớm, bà Loan đã tích góp đóng hơn 3 năm còn thiếu theo hình thức này và cuối năm 2017, bà đã được nhận tháng lương hưu đầu tiên khi tròn 55 tuổi - đủ điều kiện về tuổi nghỉ hưu đối với nữ.
“Tính ra lợi lắm, trước tôi tham gia BHXH nông dân có 20.000 đồng/tháng, sau đóng BHXH tự nguyện gần 300.000 đồng/tháng mà khi về hưu số tiền tôi nhận được mỗi tháng là 550.000 đồng. Số tiền đó tuy không nhiều nhưng cũng giúp tôi trang trải cuộc sống. Bên cạnh đó, với tấm thẻ BHYT được hưởng quyền lợi đến 95% chi phí khi đi KCB cũng giúp tôi yên tâm nếu chẳng may ốm đau, bệnh tật. Hiện, tôi vẫn sử dụng tấm thẻ này thường xuyên để khám chữa bệnh tiểu đường”- bà Loan tâm sự.
Khác với bà Loan, những người đã biết và hưởng thành quả từ việc tham gia BHXH tự nguyện, vợ chồng anh Nguyễn Việt Long (xã Viễn Thành) đang nỗ lực, chắt chiu từng ngày để tham gia BHXH tự nguyện.
Gia đình anh Long thuộc hộ cận nghèo, nguồn thu nhập chính của gia đình chỉ trông vào mấy sào ruộng, chăn nuôi gà cùng tiền công làm thợ hồ của anh Long. Kinh tế gia đình khó khăn nên khi được mời tham dự một cuộc tuyên truyền về chính sách BHXH tự nguyện của BHXH huyện tổ chức tại UBND xã anh thấy đây là một chính sách hay, có lợi về tích luỹ, bảo đảm cho tương lai, hộ cận nghèo còn được Nhà nước hỗ trợ mức đóng nên anh quyết định tham gia cho cả 2 vợ chồng với mức hơn 130.000 đồng/người/tháng.
“Để có số tiền này, hai vợ chồng cố gắng tiết kiệm những khoản chi tiêu không cần thiết cho bản thân mình. Ngoài ra, vợ tôi, hàng ngày cũng sắp xếp thời gian để bắt con cua, con ốc bán kiếm thêm thu nhập. Tuy phải tiết kiệm, vất vả hơn một chút nhưng vợ chồng tôi vẫn thấy vui và an tâm vì những lợi ích to lớn của chính sách BHXH tự nguyện mà chúng tôi sẽ được hưởng trong nay mai” - anh Long chia sẻ.
Lan tỏa chính sách, tạo dựng niềm tin
Bà Loan, vợ chồng anh Long chỉ là ba trong hàng chục nghìn người đang thụ hưởng và tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn huyện Yên Thành, cho thấy chính sách này ngày càng trở nên gần gũi, thiết thực hơn với người dân, người lao động.
Tính đến hết tháng 10/2020, toàn huyện Yên Thành có 13.970 ngàn người tham gia BHXH tự nguyện, tăng 4.900 người so với năm 2019, đạt 128,2% chỉ tiêu UBND tỉnh Nghệ An giao. Con số này chiếm 8,17% lực lượng trong độ tuổi lao động của huyện, vượt 7% theo mục tiêu của Nghị quyết 28/NQ-TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII về cải cách chính sách BHXH. Dự kiến hết năm 2020, Yên Thành sẽ có khoảng 15.000 người tham gia BHXH tự nguyện.
Với thành tích này, Yên Thành đang là huyện dẫn đầu trong tỉnh về số người tham gia BHXH tự nguyện, góp phần đưa Nghệ An thành tỉnh có người tham gia BHXH tự nguyện lớn nhất toàn quốc.
Được biết, để đạt được kết quả đó, với vai trò nòng cốt, thời gian qua, BHXH huyện đã chủ động trong công tác tham mưu với Huyện ủy, UBND huyện; đẩy mạnh công tác phối hợp với UBND các xã, thị trấn; các ban, ngành, đoàn thể từ huyện đến cơ sở trong việc lãnh đạo chỉ đạo, tổ chức thực hiện chính sách BHXH tự nguyện. BHXH huyện cũng tăng cường phối hợp, mở rộng lực lượng cộng tác viên cho các hệ thống đại lý thu BHXH, BHYT. Đặc biệt, BHXH huyện đã đổi mới, linh hoạt, đa dạng trong cách thức tuyên truyền, tiếp cận người dân.
Bà Hoàng Thị Chín - Giám đốc BHXH huyện cho biết, trên cơ sở phân tích thực trạng nguyên nhân vì sao gần 10 năm thực hiện chính sách BHXH tự nguyện mà đối tượng tham gia rất ít chỉ tăng được hơn 1.000 đối tượng. Một trong những nguyên nhân sâu xa nhất là người dân còn rất thiếu thông tin về chính sách, có người dân không thiếu tiền nhưng họ không nắm bắt được những chủ trương, chính sách về BHXH tự nguyện, đặc biệt là những chính sách mới có hiệu lực từ ngày 01/01/2016.
Vì vậy, với phương châm “bám làng, bám dân”, BHXH huyện đã chủ động, điều phối tất cả các hoạt động của các tổ chức đại lý trên địa bàn; là cơ quan chủ trì phối hợp với UBND các xã, thị trấn tổ chức tuyên truyền đối thoại với người dân tại cộng đồng dân cư.
Các hội nghị tuyên truyền không chỉ thực hiện tại trụ sở UBND xã mà ngay tại nhà văn hóa thôn, xóm hoặc liên thôn, liên xóm, không chỉ là vào ban ngày mà ngay cả vào các buổi tối. Với hình thức này, người dân có điều kiện về thời gian, gần gũi, dễ chia sẻ những băn khoăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện BHXH tự nguyện, từ đó tạo niềm tin đối với người dân. Từ năm 2017 đến nay đã có hàng trăm cuộc tuyên truyền đối thoại với người dân được thực hiện tại cộng đồng dân cư trên địa bàn các xã, thị trấn.
“Nhiều người dân sau khi tham gia các cuộc tuyên truyền nói rằng chính sách BHXH tự nguyện hay như vậy mà nay họ mới được nghe một cách đầy đủ, trọn vẹn. Nghe được điều đó, tôi thấy mình có lỗi khi chưa làm tròn trách nhiệm và cũng thúc giục tôi phải về tận xóm, làng để tuyên truyền, vận động. Tôi tâm niệm, cán bộ BHXH không chỉ là người thực hiện nghiệp vụ chính sách BHXH, BHYT đơn thuần, mà phải là người biết truyền tải chính sách cho dân hiểu, dân tin và dân thực hiện.” - bà Chín chia sẻ.