Đây cũng là lần đầu tiên các cán bộ ngành Tư pháp được tiếp xúc với vị Cha già kính yêu của dân tộc.
Hội nghị “vạch ra một con đường mới, xóa bỏ những nếp cũ”
Trước yêu cầu xây dựng nền tư pháp kháng chiến, tư pháp nhân dân nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu Tổng phản công, Hội nghị nội bộ Bộ Tư pháp cuối năm 1949 đã đặt ra nhiều nhiệm vụ trọng tâm của ngành Tư pháp trong giai đoạn mới như cần phải xây dựng, thống nhất và tuyên truyền một lý luận pháp lý mới, trong đó cần “ý niệm chính trị và pháp lý là một”, phải “thống nhất tư tưởng người thẩm phán trong khi thi hành nhiệm vụ của mình là phải sống với thực tế, sống với nhân dân”, tư tưởng mỗi người thẩm phán phải “cấu tạo trong đời sống thực tế, chứ không phải trong sách vở”.
Vì vậy, việc mở lớp học tập tư pháp toàn quốc là hết sức thiết thực với mục đích giúp cán bộ tư pháp “thâu lượm được thêm về kiến thức về chính trị, về chuyên môn thuần túy, đồng thời có ý thức về tư pháp nhân dân”. Hội nghị học tập cũng có mục tiêu “vạch ra một con đường mới, xóa bỏ những nếp cũ, lý thuyết tư sản cũ đã ăn sâu vào đầu óc của mỗi cán bộ tư pháp” (Biên bản Hội nghị nội bộ Bộ Tư pháp các ngày 30-31/10 và ngày 1/11/1949).
Hội nghị học tập tư pháp toàn quốc diễn ra từ ngày 02/5/1950 đến ngày 23/7/1950, đặt dưới sự điều khiển trực tiếp của Thứ trưởng Trần Công Tường. Mục đích của Hội nghị học tập là để các Thẩm phán hiểu biết chế độ dân chủ nhân dân và nhiệt thành xây dựng một nền Tư pháp nhân dân, đồng thời để cải tạo tư tưởng và bổ túc về phương diện chuyên môn.
Hội nghị được tổ chức trên cơ sở nguyên tắc tập thể, thân ái, tương trợ, phát triển tác phong phê bình và tự phê bình. Nhiệm vụ của Hội nghị là để cải tạo cán bộ tư pháp, nghiên cứu để xây dựng lý luận pháp lý dân chủ nhân dân và tổng kết kinh nghiệm địa phương và Trung ương để đặt kế hoạch thi hành Chương trình tư pháp năm 1950.
Theo các tư liệu của ngành Tư pháp, thành phần Hội nghị gồm 54 đại biểu chính thức, trong đó có 23 đại biểu Liên khu Việt Bắc, 10 đại biểu Liên khu III, 17 đại biểu Liên khu IV, 02 đại biểu Liên khu V, 01 công cáo ủy viên Tòa án Quân sự, 01 Hội thẩm Tòa án Binh. Ngoài các đại biểu chính thức còn có 01 đại biểu quân pháp, 2 đại biểu Nha Công an, 1 đại biểu Bộ Lao động và 6 đại biểu Cục Tình báo đến dự thính phần chính trị trong chương trình.
Chương trình học tập gồm 4 phần. Phần thứ nhất là phần chính trị, có các đề tài về duy vật luận, tư bản chủ nghĩa, cách mạng Việt Nam, tình hình thế giới sau đại chiến thứ 2. Phần thứ hai là phần pháp lý chính trị với những đề tài về chính quyền dân chủ nhân dân chuyên chính, Nhà nước trong chế độ Dân chủ nhân dân, quan hệ pháp lý mới về chế độ gia đình, quyền sở hữu, khế ước, hình phạt…
Phần thứ ba nói nhiệm vụ tư pháp trong giai đoạn chuyển mạnh sang Tổng phản công, tác phong của người thẩm phán trong chế độ Dân chủ nhân dân, sửa đổi lối làm việc. Phần thứ tư là pháp lý thực định, có mục đích áp dụng lý luận tư pháp Dân chủ nhân dân vào Luật Hộ và Hình. Khi học tập có nghiên cứu xem luật thực định hiện có nên sửa đổi và thi hành thế nào cho thích hợp với quan niệm mới và điều kiện thực tế cụ thể ở Việt Nam.
Điều đặc biệt bất ngờ đối với các đại biểu tham dự Hội nghị là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tới thăm và động viên các cán bộ ngành Tư pháp.
Kỷ niệm sâu xa nhất trong đời nhiều cán bộ tư pháp
Các tư liệu của ngành Tư pháp về sự kiện này đã khẳng định, truyền thống và triết lý pháp luật tại Việt Nam trong giai đoạn mới được Chủ tịch Hồ Chí Minh cô đọng khá rõ nét trong Bài nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hội nghị học tập của cán bộ ngành Tư pháp năm 1950. Theo Người, mỗi một hệ thống pháp luật phải được hình thành trên cơ sở nền tảng đạo đức của xã hội mà hệ thống pháp luật đó tồn tại.
Pháp luật phong kiến dựa vào đạo đức phong kiến: tôn vua, kính thầy, hiếu với cha. Pháp luật tư sản dựa trên nền tảng đạo đức gian ngoan và tinh vi hơn: tự do, bình đẳng nhưng thực sự chỉ có được đối với bọn tư bản. Trong chế độ mới - pháp luật phải được dùng để bảo vệ quyền lợi cho hàng triệu người lao động, ngăn chặn những kẻ lợi dụng quyền tư hữu để bóc lột nhân dân lao động, bảo vệ quyền tự do, dân chủ cho nhân dân lao động.
Trong công tác tư pháp, Người nói: “Nghĩ cho cùng, vấn đề tư pháp, cũng như mọi vấn đề khác, là vấn đề ở đời và làm người. Ở đời và làm người là phải thương nước, thương dân, thương nhân loại đau khổ bị áp bức. Phải làm sao đóng góp làm cho nước được độc lập, dân được tự do, hạnh phúc, nhân loại khỏi đau khổ”. Có thể nói, đạo đức cách mạng phải là cái gốc, xây dựng hệ thống quan điểm pháp luật XHCN phải phù hợp với quan điểm đạo đức mới.
Đây chính là quan điểm pháp luật thấm sâu quan điểm đạo đức cách mạng theo tư tưởng Hồ Chí Minh. “Thương nước, thương dân, thương nhân loại đau khổ bị áp bức” phải là những giá trị đạo đức cơ bản, phải được lấy làm chỗ dựa cho việc xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật trong chế độ mới. Tôn trọng quyền được hưởng hạnh phúc tự do không chỉ cho số ít người mà là cho tuyệt đại đa số nhân dân lao động chính là đạo lý “ở đời và làm người”, đồng thời cũng là trách nhiệm và nghĩa vụ pháp lý của mỗi công dân.
Ghi lại những tình cảm của cán bộ tư pháp khi lần đầu gặp Bác, bài phát biểu bế mạc Hội nghị cho biết: “Anh em chúng tôi vô cùng cảm động, vô cùng sung sướng được Hồ Chủ tịch, ông Phó Thủ tướng (đồng chí Phạm Văn Đồng) và Chính phủ đặc biệt chú ý đến Hội nghị này. Ngay từ hôm khai mạc, ông Phó Thủ tướng đã thân hành chỉ dạy cho chúng tôi bài giảng đầu tiên. Và cách đây không lâu, Hồ Chủ tịch lại đến thăm Hội nghị. Người đã đem đến cho chúng tôi một niềm hân hoan không bờ bến và những lời căn dặn vô cùng quý báu. Hôm Người đến lưu lại một kỷ niệm sâu xa nhất trong đời chúng tôi, vì đó là lần đầu tiên chúng tôi được tiếp xúc vị Cha già kính yêu của dân tộc”.
Ngày nay, những chỉ dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tư pháp “ở đời và làm người” vẫn là kim chỉ nam cho mọi suy nghĩ và hành động của mỗi cán bộ, công chức, viên chức ngành Tư pháp.