Liên tiếp những vụ việc đau lòng, "khó hiểu" xảy ra thời gian vừa qua khiến người dân hoang mang về y đức, chuyên môn của bác sĩ. Chị Nguyễn Thị Mai (SN 1986, ngụ làng Le, xã Mô Rai, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) chỉ đi cắt amidan ở Bệnh viện Đa khoa Kon Tum mà cũng tử vong để lại 3 con thơ.
Tiếp đó là vụ việc 60 cháu bé tiêm vắc xin Sởi- Rubella bị nhầm thành nước cất. Sự việc xảy ra tại điểm tiêm chủng của Trường mầm non Sao Mai, phường 3, TP.Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp vào ngày 14/10 vừa qua. Dù theo ý kiến chuyên môn tiêm nhầm nước cất không ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của trẻ nhưng nếu không phải là nước cất mà nhầm thuốc khác thì sẽ xảy ra chuyện gì?
Những ngày vừa qua, dư luận cũng không khỏi bàng hoàng trước cái chết của cháu Nguyễn Thị Hồng Nhung (11 tuôi) tại Bệnh viện Đa khoa Quốc Oai (Hà Nội). Nguyên nhân cái chết đau lòng của cháu là do chẩn đoán nhầm, tiên lượng sai.
Liên quan đến thực trạng trên, báo Pháp luật Việt Nam đã tham khảo ý kiến của một số chuyên gia pháp luật nhằm làm rõ hơn những hậu quả pháp lý xuất phát từ hành vi cẩu thả, tắc trách, vi phạm quy tắc nghề nghiệp của đội ngũ y bác sĩ trong thời gian vừa qua.
Theo Luật sư Vũ Thu Hường (Đoàn Luật sư Hà Nội): Những trường hợp bệnh nhân tử vong như vậy, trách nhiệm trước hết thuộc về bác sĩ trực tiếp của ca trực, lãnh đạo bệnh viện trực chỉ huy cũng phải chịu trách nhiệm liên đới. Tùy vào tính chất, mức độ sự việc cụ thể, bác sĩ có thể bị xử lý về tội “Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính” hoặc “Vi phạm các quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất thuốc, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc các dịch vụ y tế khác”.
Luật sư Hường phân tích, hành vi cẩu thả, tắc trách là vi phạm quy tắc nghề nghiệp gây ra hậu quả chết người, ví dụ chẩn đoán nhầm bệnh dẫn đến lập phác đồ điều trị sai, hậu quả làm bệnh nhân tử vong thì sẽ bị xử lý theo Điều 99 Bộ luật Hình sự. Còn hành vi được xác định là vi phạm các quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất thuốc, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc các dịch vụ y tế khác được xác định trong trường hợp bác sĩ là người có chuyên môn, nhưng do sơ suất hoặc tắc trách trong quá trình điều trị như pha chế thuốc nhầm, quá liều, cấp phát thuốc sai, chẩn đoán bệnh đúng nhưng chủ quan không lường trước hậu quả tai biến bệnh lý... Tuy nhiên, bệnh nhân bị tổn hại sức khỏe từ 41% trở lên hoặc tử vong thì mới bị xử lý theo Điều 242 Bộ luật Hình sự.
Lý thuyết là như vậy, nhưng áp dụng vào thực tế phải căn cứ vào hoàn cảnh cụ thể. Thực tế rất nhiều y, bác sĩ khi gây ra hậu quả chết người chỉ bị chịu hình thức kỷ luật khiển trách, nhắc nhở chứ rất ít trường hợp bị xử lý hình sự. Lý giải điều này, Luật sư Đỗ Minh Thu (Đoàn luật sư Nam Định) cho rằng muốn chứng minh hành vi có cấu thành tội phạm hay không phải xem xét một cách toàn diện mặt chủ quan, khách quan, yếu tố lỗi, nguyên nhân, động cơ mục đích của hành vi xem có đủ yếu tố cấu thành tội phạm hay không?
Thực tế, các tai biến bệnh lý có thể xảy ra là bất khả kháng, không tuân thủ theo nguyên tắc nào, nhiều trường hợp hoàn toàn không phải do lỗi của bệnh viện. Luật sư Thu cũng khuyến cáo người nhà bệnh nhân hết sức bình tĩnh, thông cảm, kiềm chế để tránh những hành động quá khích như đánh bác sĩ, đập phá bệnh viện để rồi phải lãnh hậu quả đáng tiếc như một số vụ án đã xảy ra.
Còn theo Luật gia Nguyễn Hoài Thanh (Hội Luật gia Hà Nội) thì trường hợp bác sĩ, bệnh viện tắc trách để xảy ra hậu quả bệnh nhân tử vong là hậu quả rất nghiêm trọng, nếu không đủ yếu tố xử lý hình sự thì cũng phải bị xử lý hành chính theo Nghị định 176/2013/NĐ-CP tại Điều 30 có quy định về chế tài xử lý vi phạm quy định về chuyên môn kỹ thuật trong khám chữa bệnh, chứ chỉ kiểm điểm khiển trách là không thỏa đáng.
Luật gia Thanh viện dẫn, theo Khoản 3 Điều 30 Nghị định này quy định phạt tiền từ 5 triệu đến 10 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Không thực hiện hội chẩn khi bệnh vượt quá khả năng chuyên môn của người hành nghề hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Không thực hiện hội chẩn khi đã điều trị nhưng bệnh không có tiến triển tốt hoặc có diễn biến xấu đi; Không tổ chức thực hiện biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật.
Tại Khoản 4 quy định phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện hành vi không chuyển người bệnh cấp cứu đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phù hợp khi tình trạng người bệnh vượt quá khả năng chuyên môn của cơ sở.
Tại Khoản 5, phạt tiền từ 15 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau thực hiện phẫu thuật, can thiệp ngoại khoa mà không được sự đồng ý của người bệnh hoặc người đại diện của người bệnh; Không bảo đảm đầy đủ số lượng và chất lượng các phương tiện vận chuyển cấp cứu, thiết bị y tế, dụng cụ y tế và cơ số thuốc cấp cứu. Tại Khoản 6 quy định phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng đối với hành vi vi phạm quy định của về chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh gây ra tai biến cho người bệnh.