Tự cởi trói khỏi hôn nhân tù ngục
Bà con dân tộc ở bản Kin Chu Phìn 2, xã Nậm Pung (huyện Bát Xát, Lào Cai) đều biết câu chuyện về hai “giàng mi già” (theo tiếng Hà Nhì, “giàng mi già” nghĩa là người đàn bà) là Cao Xe Me và Lý Chu Gụ bỏ chồng, bỏ con sang Trung Quốc sinh sống từ năm 2015. Không ai biết cuộc sống mới nơi xứ người của hai người đàn bà đã vào tuổi 40, ở bản bị coi là đã “hết date” ra làm sao, có sung sướng hơn ở nhà hay không? Chỉ biết nguyên nhân khiến chị Me và chị Gụ bỏ nhà đi là do chán cuộc sống nghèo khổ, chán cuộc hôn nhân tù ngục không lối thoát, các chị bỏ đi như một cách vùng vẫy, phản kháng chống lại số phận.
14 năm trước, chị Cao Xe Me về làm dâu nhà anh Cao A Vù, đôi vợ chồng nghèo đến với nhau tay trắng, họ được cha mẹ chồng đắp cho một ngôi nhà đất tường trình ở đầu bản để bắt đầu cuộc sống tự lập, vợ chồng tự nuôi nhau. Ngôi nhà ấy sau 14 năm giờ đã xập xệ lắm rồi, lần lượt 4 đứa con được sinh ra và lớn lên ở đây, đứa con gái lớn năm nay 13 tuổi, từ ngày mẹ bỏ nhà ra đi “a nhí” (bé gái - tiếng Hà Nhì) trở thành trụ cột gia đình.
Xã vùng cao Nậm Pung quanh năm mờ mờ không biết là sương hay nắng. Cuộc đời chị Cao Xe Me cũng từa tựa như cuộc đời cô Mỵ trong bộ phim “Vợ chồng A Phủ”, tối ngày lầm lũi như con trâu, con ngựa trong nhà. Ngày mùa thì đi làm nương rẫy, rảnh thì vào rừng đào măng, kiếm củi, hái thảo quả, đêm về xe lanh kéo sợi, dệt chăn dệt áo, lúc trẻ thì dệt để làm của hồi môn mang về nhà chồng, khi có gia đình thì dệt cho chồng, cho con… Cứ vậy, cuộc đời những “giàng mi già” là cái vòng tuần hoàn mải miết, quần quật từ sáng đến tối, ngày này qua tháng khác, chưa kịp nếm trải dư vị ngọt ngào của mùa xuân thiếu nữ thì đã tới mùa đông của cuộc đời với những gánh nặng trách nhiệm, bổn phận và đạo lý vốn có của người con gái Hà Nhì.
Từ khi bước chân về nhà chồng, tuy tuổi đời khi đó đang mùa xuân thiếu nữ nhưng với chị Cao Xe Me dường như đã là bước sang mùa đông của cuộc đời. Nhà 6 miệng ăn do một mình chị Me gồng gánh lo toan, “giật trước, vá sau” mà đàn con vẫn đói, ăn còn chưa đủ thì nói gì đến xuống trường học chữ. Lũ con chị Me đều không biết chữ, không nói được tiếng phổ thông. Nhìn lũ trẻ cùng bản váy xống xập xòe, được đi học, tối ngày ê a học làm tính, học hát rồi lại nhìn đến lũ con mình, chị Me thương con quặn lòng nhưng không biết làm sao. Chồng chị cũng như nhiều người đàn ông khác, chỉ có việc uống rượu và lo toan những việc lớn trong gia đình. Mà nói thẳng, từ ngày lấy nhau trong nhà không có việc gì lớn nên anh chỉ chuyên tâm uống rượu, còn lại mặc kệ chị Me, sau này có thêm đứa con gái đầu lòng là Cao Thó De cùng chung tay lo liệu.
Con gái đầu lòng chị Me kể lại, hôm đó là chợ phiên Mường Hum, mẹ cháu cùng vài phụ nữ trong thôn địu măng xuống chợ bán. Phiên chợ tan lâu rồi, 4 đứa con của chị Me cứ ra đầu bản ngóng mãi mà không thấy mẹ về. Hôm sau và nhiều hôm sau nữa, mẹ vẫn không về nhưng lũ trẻ vẫn đứng ngóng mẹ, mặc cho sương khuya lạnh buốt, bụng đói, cật rét. Rồi sau đó, gia đình nghe thông tin chị Me đã sang Trung Quốc làm thuê và ở hẳn xứ người…
Tương tự trường hợp của chị Cao Xe Me, chị Lý Chu Gụ đã có chồng và 4 con, do gia đình quá khó khăn nên chị Gụ cũng theo một số người sang Trung Quốc làm thuê kiếm tiền từ đầu năm 2015. Nghe nói, từ đó tới nay, chị Gụ chỉ ghé qua nhà thăm con một, hai lần, chứ không về sống chung với chồng nữa.
Thực trạng đáng buồn là hiện nay không chỉ có chị Cao Xe Me và chị Lý Chu Gụ ở Kin Chu Phìn 2, xã Nậm Pung, mà đi đến nhiều thôn, bản trên vùng cao Bát Xát cũng có những câu chuyện buồn tương tự về các “giàng mi già” tự giải thoát mình bằng cách bỏ đi khỏi địa phương. Tuy nhiên, giải thoát bằng cách bỏ chồng con để đến với miền đất hứa, nơi đất khách quê người, mà chính các “giàng mi già” Hà Nhì cũng không biết có được sung sướng hay không thì là giải pháp “cực chẳng đã”. Ở nơi ấy, chắc chắn nỗi buồn sẽ càng dài ra và nặng hơn vì họ phải xa người thân, xa quê hương.
Xót xa “đàn gà con lạc mẹ”
Ngôi nhà chị Cao Xe Me nằm dưới chân núi đá trắng cao ngất. Ngôi nhà đất cũ nát, tường nứt dọc, nứt ngang, khi trời mưa, nước dột khiến trong nhà cũng như ngoài trời ướt sũng là tổ ấm của các con chị Me, gồm Cao Thó De (13 tuổi), Cao Thó Bia (10 tuổi), Cao Thó Suy (9 tuổi) và Cao Thó Cà (6 tuổi). Vì không được đi học nên hai chị em De và Bia không nói và viết được tiếng phổ thông. Từ ngày mẹ bỏ đi, bố các em thường xuyên đi vài ngày mới về, không ngó ngàng đến nhà cửa, con cái. Chị cả Cao Thó De trở thành trụ cột trong gia đình, từ việc chăm lo cho các em đến việc lấy củi, lấy rau... 13 tuổi, vẫn còn là một “a nhí” (bé gái) nhưng De có dáng vẻ lam lũ như một “giàng mi già”- một người phụ nữ trưởng thành, sự khắc khổ lo toan hiện trên khuôn mặt De sạm đen vì vất vả, nắng gió.
Nhìn em Cao Thó De bỗng thấy chạnh lòng xót xa. Không được học hành, không có điều kiện giao lưu, tiếp xúc với ngoài xã hội, các em như cây cỏ hoang dã tự lớn lên, loay hoay tự trưởng thành, hoàn thiện mình. Dăm ba năm nữa, có thể em lại cũng sẽ lấy chồng, sinh con, lặp lại vòng sinh tồn giống như mẹ của mình, như những phụ nữ dân tộc thiểu số bao đời nay vẫn âm thầm, vất vả như thế.
Cách ngôi nhà của chị em De không xa là nhà của 4 chị em: Sần Mờ So (13 tuổi), Sần Mờ Sa (12 tuổi), Sần Mờ Sư (8 tuổi), Sần Mờ Gia (5 tuổi) - các con của chị Lý Chu Gụ cũng cùng cảnh ngộ “gà con lạc mẹ”. Mẹ của các em bỏ đi mà không dặn dò một câu hoặc từ biệt đàn con thơ dại. So và Sa không được tới trường, còn 2 em nhỏ Sư và Gia may mắn được học chữ. Mỗi ngày vắng mẹ là một ngày những đôi mắt trẻ thơ đỏ hoe ngóng về phía chân trời xa xôi. Vừa mải miết băm rau lợn, Sần Mờ So vừa nói trong tiếng nấc nghẹn ngào: “Khi mẹ mới bỏ đi, đêm nào mấy chị em cháu cũng ôm nhau khóc vì nhớ mẹ. Cháu thương các em mùa đông không đủ quần áo ấm, nhiều hôm phải nhịn đói đi học. Cháu chỉ mong mẹ sớm về, để chăm sóc các em cho đỡ khổ”.
Chị Lý Dì Su, Hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Kin Chu Phìn 2 buồn bã cho biết: “Hoàn cảnh của các cháu rất đáng thương, mẹ bỏ đi, bố vô tâm không chăm lo gia đình. Giờ các cháu chủ yếu sống dựa vào sự cưu mang của bà con trong thôn, xóm và làm những việc lặt vặt để cải thiện cuộc sống”.
Nhìn những căn nhà xập xệ, những mảnh đời trẻ thơ lay lắt với đôi mắt u buồn, đôi tay nhỏ bé đầy chai sạn thật xót xa.