Thầy ân cần uốn nắn, dạy chữ, dạy ngoại ngữ cho những đứa trẻ ấy để giờ đây không ít trong số đó được đổi đời, trở thành người có ích cho xã hội. Lớp học hướng thiện do thầy Nguyễn Trà mở nằm trên địa phận phường Phương Liên (Đống Đa, Hà Nội).
Lang thang đi tìm học trò
Nghe chuyện mở và duy trì lớp học hướng thiện suốt hàng chục năm của thầy Trà, nhiều người vô cùng cảm động nhưng cũng không ít người nói ông giáo già là điên khùng, chỉ mang gánh nặng vào người, chẳng được lợi lộc gì. Thầy Trà năm nay tuổi đã ngoài bát tuần, tóc bạc, da mồi nhưng còn minh mẫn, đi lại nhanh nhẹn và nói chuyện dí dỏm.
Dòng họ thầy Trà đã sinh sống suốt hàng trăm năm trên mảnh đất kinh kỳ. Tổ tiên cũng theo nghề dạy học và từng nổi danh đến mức được chúa Trịnh mời vào phủ chúa thỉnh chữ. Từ đó đến nay, nhiều thế hệ nối tiếp nhau, kéo dài suốt hơn 400 năm người trong họ tộc đa phần đều làm nghề dạy chữ.
Riêng thầy Trà, khi còn niên thiếu đã từng là học sinh trường Bưởi, thi đậu đại học rồi trở thành sinh viên khóa đầu tiên của ĐH Sư phạm Hà Nội. Tốt nghiệp khoa Vật lý, thầy Trà về các trường danh tiếng trên địa bàn Hà Nội dạy học, như THPT Lê Quý Đôn, THPT Nguyễn Trãi… Thầy Trà thông thạo nhiều ngoại ngữ như Pháp, Đức, Anh, Italy và biết chữ Hán. Năm 1989, thầy Trà về nghỉ hưu.
Ở cái tuổi nghỉ ngơi, người ta thường bị thời gian làm lu mờ trí óc nhưng với thầy Trà thì điều đó dường như không xảy ra. Thầy Trà bảo, dù mới nghỉ hưu nhưng nghề giáo trong huyết mạch vẫn còn sôi sục. Cũng thời điểm đó thầy Nguyễn Trà tham gia công tác trông coi đình đền tại địa phương.
Trong một ngày đang dọn dẹp án thờ thì có cháu nhỏ cầm sách vở đến hỏi bài. Bắt đầu từ thời điểm ấy, ý tưởng về một lớp học cho trẻ em nghèo được thầy Trà nung nấu lại như sôi sục thêm. Thầy Trà bảo: “Tôi muốn tất cả các cháu dù ở hoàn cảnh nào cũng đều được học. Khi các cháu thất học, tôi thương lắm, vì tôi nghĩ một người không được học là điều thiệt thòi nhất trong đời”.
Thấm thoát lớp học hướng thiện do thầy Trà khởi xướng cũng mở được hơn hai thập kỷ. Khoảng thời gian đầu, để thực hiện hóa ý tưởng dạy chữ cho trẻ em nghèo, trẻ cơ nhỡ… thầy Trà phải lang thang khắp nơi để đi tìm học sinh cho lớp của mình.
Đầu tiên là những nhà hàng xóm, các khu nhà trọ, khu chợ lao động rồi đến cả bãi rác tập trung nhiều người nghèo mưu sinh... Gặp ai thầy cũng hỏi han, động viên rồi nhắn nhủ họ dẫn con đến học. Nhờ sự tận tâm của người thầy đầy nhân ái ấy mà lớp học ngày một đông.
Có thời điểm, nhà chật không đủ chỗ ngồi, thầy trò lại mang bảng ra sân đình rồi căng bạt che mưa, che nắng để học. “Lớp học ngày ấy chỉ là một cái bảng gỗ đã cũ, chục bộ bàn ghế nhựa rẻ tiền, học sinh thì đủ lứa tuổi nhưng ngồi học lại rất nghiêm túc” – Một người dân cạnh đình làng Trung Tự nhớ lại.
Kể về kỷ niệm với học sinh trong những ngày đầu mở lớp thầy Trà ngậm ngùi: "Có những cháu khổ lắm, như cháu Dương bỏ học từ năm 10 tuổi do bố mẹ mất sớm phải ở với bà, tôi phải động viên mãi cháu mới đi học.
Sau khi nhận nhiều sự giúp đỡ thì cháu cũng đã học hết cấp 3. Còn có những cháu sáng đi học xong lại tất bật về đi nhặt rác với mẹ, nhìn rất thương. Ngoài ra có một cháu tên Nguyễn Thị Thanh bố mất sớm. Mẹ thì bị ho lao nên hoàn cảnh rất khó khăn, khi biết tôi mở lớp liền chạy tới xin học, rồi cháu đến tận cổng báo tin vui là cháu đỗ được vào Đại học Sư phạm”.
Lớp học hướng thiện giữa đình làng
Nếu như ngày đầu mở lớp hướng thiện chỉ có 3 người theo học thì đến nay, lớp luôn duy trì khoảng 20 học sinh. Những hôm đông, số học sinh lên đến 30, 40 em. Học trò của thầy Trà có đủ mọi độ tuổi, từ những em nhỏ chuẩn bị bước vào lớp một cho tới sinh viên, thậm chí là cả những học sinh cũ của thầy Trà nay đã trưởng thành và có việc làm vẫn thường xuyên tới học. Với trình độ ngoại ngữ của mình, thầy Trà còn dạy các môn tiếng Anh, Pháp, Nga, Đức… cho những em có hoàn cảnh khó khăn không có điều kiện đi học thêm.
Dù lớp học còn nhiều thiếu thốn, không bảng đen, phấn trắng, không sử dụng giáo trình, buổi học chỉ kéo dài hơn 2 tiếng đồng hồ mỗi tuần… nhưng bù lại thầy Trà ghé đến từng em để chỉ bảo tận tình.
Tất thảy những câu hỏi môn Toán, câu hỏi tiếng Anh hay Tiếng Việt… thầy Nguyễn Trà đều giải thích cặn kẽ cho đến khi các em hiểu. Mỗi học sinh ở một trình độ khác nhau, có môn học khác nhau nên thầy Trà chỉ dạy những phần còn yếu kém, không dạy thêm để tránh việc học trò bị quá tải kiến thức và bài tập, không kịp tiếp thu.
Nhắc chuyện này, thầy Trà bộc bạch: “Phương châm dạy học của tôi là dạy chữ và đạo lý. Khi đó, cả thầy và trò cùng tu dưỡng. Trò thì học làm người, học kiến thức, thầy thì tu đức, chia sẻ kiến thức và tình thương”.
Tuổi cao, thân thể giờ cũng đã tóc sương, da mồi nên nếu trước đây ngày nào thầy Trà cũng đứng lớp thì hiện tại chỉ dạy một buổi vào chủ nhật hàng tuần. Nhiều hôm thời tiết thay đổi, cơ thể quá mệt, không thể đi dạy được nên thầy Trà nhờ bạn bè tới giảng bài thay. Thầy bảo, bản thân chưa bao giờ có ý định đóng cửa lớp học dù là đau ốm, bệnh tật.
Tiếng thơm từ lớp hướng thiện của thầy Trà lan tỏa, được mọi người ở khắp nơi biết tới nên ai cũng sẵn lòng giúp đỡ thầy và trò. Hiện tại, lớp học đang được Hội khuyến học và Hội người cao tuổi phường Phương Liên quan tâm, dành riêng cho nhà văn hóa làm địa điểm học tập và cử cả tình nguyện viên tới hỗ trợ công việc giảng dạy.
Thầy Nguyễn Trà cho biết, trong tương lai, mô hình lớp học tình thương của thầy sẽ còn được phát triển hơn nữa, trở thành nhiều lớp hướng thiện, trường hướng thiện đem tri thức tới cho những đứa trẻ nghèo hiếu học.
Cách đây 2 Thế kỉ, tại ngôi làng Trung Tự thuộc phường Đông Tác của Hà Nội xưa, ngôi trường Đại Tập Chí Đình được xây dựng và cùng với trường của các danh nhân như Trương Hán Siêu, Đặng Xuân Bảng… đã góp phần chấn hưng nền văn hóa giáo dục đất Thăng Long cuối thế kỉ 19.
Nay cũng tại nền đất của ngôi trường Chí Đình ngày ấy, lớp học hướng thiện chỉ để dạy dỗ những trẻ em nghèo, những đứa trẻ lang thang không biết đến học hành là gì đang âm thầm tỏa hương. Với những đóng góp của mình, thầy giáo Nguyễn Trà đã nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp ngành.
Cuối năm 2014, ông vinh dự được nhận thư khen ngợi của Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang với lòng cảm kích và trân trọng tấm gương người thầy tận tụy với nghề, hết lòng vì trò nghèo.